Đại học Thăng Long 35 năm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước
(Dân trí) - Là trường đại học dân lập đầu tiên của Việt Nam, sau 35 năm thành lập, đến nay trường Đại học Thăng Long đã đạt những dấu mốc tự hào, là cái nôi đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại.
Sáng 15/12, tại trường ĐH Thăng Long Hà Nội đã diễn ra lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm thành lập trường.
Sự kiện là dấu mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường không ngừng nỗ lực của nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên trường Đại học Thăng Long. 35 năm qua, trường Đại học Thăng Long ngày càng khẳng định tên tuổi, vị thế, chất lượng đào tạo, luôn tiên phong - sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu và trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
Trong chặng đường của mình, trường đã đào tạo ra 20.000 cử nhân đại học, 1.500 thạc sĩ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn năng động, sáng tạo, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như hội nhập khu vực và thế giới.
Ngôi trường "mở đường" cho giáo dục Việt Nam
Ngày 15/12/1988, trường Đại học Thăng Long được thành lập, đánh dấu dấu mốc quan trọng đối với giáo dục Việt Nam. Đây là ngôi trường dân lập đầu tiên của Việt Nam do nữ giáo sư toán học Hoàng Xuân Sính sáng lập.
Ngày đó, khái niệm ngoài công lập vô cùng xa lạ, giáo sư Hoàng Xuân Sính đã phải viết thư qua nhiều cấp, trực tiếp "gõ cửa" và nhận được sự đồng ý của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
Lễ khai giảng đầu tiên của trường diễn ra vào năm 1989 tại Văn Miếu quốc tử giám, dưới sự chứng kiến của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc đó là bà Nguyễn Thị Tâm Đan, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là GS. Trần Hồng Quân.
Thời kỳ đầu, trường Đại học Thăng Long trải qua nhiều khó khăn, có lúc không đủ tiền để trả lương cho giáo viên. Thế nhưng, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, sinh viên; sự quan tâm và giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành… trường Đại học Thăng Long đã vượt qua quãng thời gian vất vả nhất để khẳng định vị thế của mình.
Năm 2008-2009, trường Đại học Thăng Long chuyển về cơ sở mới trên đường Nghiêm Xuân Yêm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đánh dấu bước tiến vượt bậc trong quá trình phát triển của trường.
Dù trường lúc đó còn bộn bề khó khăn, nhưng ông Trương Ngọc Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà trường suy nghĩ rằng, phải xây dựng một ngôi trường hiện đại. Ông Kim đã sang nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới để học hỏi, áp dụng xây dựng trường Đại học Thăng Long.
"Trường được xây dựng theo mô hình tổ hợp đô thị đại học hiện đại bậc nhất, khác hoàn toàn mô hình trường truyền thống, nơi sinh viên có thể học tập mọi lúc, mọi nơi một cách tràn đầy cảm hứng", ông Kim nói.
Đại học Thăng Long vào top những ngôi trường có không gian xanh, kiến trúc độc đáo ở Việt Nam.
Những dấu ấn tự hào
Kỷ nguyên 4.0 thay đổi từng ngày, với phương châm lấy người học là trung tâm, Đại học Thăng Long đầu tư trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là trong phòng thực hành, nghiên cứu.
Với 34 chuyên ngành bậc Đại học và sau đại học, trường đào tạo đa ngành nghề, từ những ngành "hot" đến những ngành đang dần trở thành thế mạnh của trường và xu thế trong tương lai như Âm nhạc ứng dụng, Truyền thông đa phương tiện, Khoa học sức khỏe, Logistics, Trí tuệ nhân tạo, Kinh tế quốc tế…
Trường Đại học Thăng Long cũng là một trong số ít các trường ở Việt Nam xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm thực hành tài chính và ngân hàng giả lập Core Banking mô phỏng theo tiêu chuẩn quốc tế. Trường cũng thiết kế tổ hợp nhà hàng - khách sạn với hơn 20 phòng tiêu chuẩn 5 sao, trường quay ảo 3D đón đầu xu thế công nghệ...
Đội ngũ giảng viên chất lượng cao, luôn cập nhật tri thức theo xu hướng giáo dục tiên tiến trên thế giới cũng như nắm bắt những điều mà các nhà tuyển dụng cần để cung cấp nguồn nhân lực tốt cho xã hội. Hiện trường có 438 giảng viên cơ hữu, 21 giáo sư, 44 phó giáo sư, 154 tiến sĩ, 230 thạc sĩ…
Nhờ những thế mạnh trên, hàng năm, tỷ lệ sinh viên Đại học Thăng Long tốt nghiệp có việc làm ngay trong năm đầu ra trường là 97,9%, thu nhập bình quân là 13 triệu đồng, theo báo cáo đánh giá ngoài của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội, thực hiện 5 năm một lần.
Trải qua quá trình 35 năm hình thành và phát triển, đến nay, Đại học Thăng Long đã từng bước khẳng định vị thế thương hiệu trên bản đồ giáo dục Việt Nam, trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều sinh viên, cung ứng nguồn lao động chất lượng cao mỗi năm cho xã hội. Trường cũng định vị là ngôi trường có tầm nhìn, quyết tâm phát triển theo hướng chất lượng và đẳng cấp quốc tế.