Đại học phải qua kiểm định mới được xếp hạng?
(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Quý Thanh - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam khó xếp hạng trường đại học là do nhiều vướng mắc. Các trường phải qua kiểm định mới được xếp hạng.
Trao đổi với Dân trí về Bảng xếp hạng 49 trường đại học do nhóm nghiên cứu độc lập vừa công bố, GS Nguyễn Quý Thanh cho biết, chúng ta phải ghi nhận đó là sự cố gắng, nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Bảng xếp hạng đại học này để giúp cho mọi người có thêm một cái nhìn về một số khía cạnh trong hệ thống các trường đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng tiêu chí ít quá nên không phản ánh được nhiều hơn các mặt của chất lượng các trường đại học nên dẫn đến tranh cãi.
Điều tranh cãi của Bảng xếp hạng là số lượng tiêu chí chưa bao quát được chất lượng đào tạo của các trường đại học. Mọi người nhìn vào bảng xếp hạng và băn khoăn về độ xác thực của thông tin bởi thông tin lấy trên các bàn công khai của các trường. Công khai này lại không có cơ chế để xác thực hóa vấn đề. Nếu không có xác thực thông tin thì bảng xếp hạng đó sẽ không còn ý nghĩa.
Bên cạnh đó, đội ngũ phân tích phải là các chuyên gia hiểu biết về phân tích chất lượng, chứ không phải thuần túy vào góc độ toán học.
Tuy nhiên, theo GS Thanh, đây không phải là bảng xếp hạng đầu tiên các trường đại học của Việt Nam.
Bảng xếp hạng đầu tiên của Việt Nam là do Trung tâm đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội và ngày nay là Viện đảm bảo chất lượng giáo dục thực hiện từ năm 2008 với 121 trường, nhưng vì nhiều lí do khác nhau không được công bố.
Điều khác biệt là số lượng tiêu chí mà bảng xếp hạng đầu tiên đưa ra nhiều hơn và xếp thành các nhóm, xếp hạng riêng cho những trường thiên về giảng dạy, trường thiên về nghiên cứu hay còn gọi là phân nhóm...
Thưa ông, việc xếp hạng các trường đại học Việt Nam là cần thiết để các cơ sở giáo dục biết mình đang ở đâu trong hệ thống đại học nhưng đến nay các cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam vẫn đang loay hoay thực hiện xếp hạng đại học Việt Nam, vì sao vậy?
Nghị định 73 về phân tầng, xếp hạng đại học vẫn chưa triển khai được với lý do, trong nghị định có một điều kiện cần là các trường đại học muốn được xếp hạng thì phải được kiểm định vì kiểm định để xem trường đó có đáp ứng chuẩn chất lượng tối thiểu hay không.
Trên thế giới, kiểm định và xếp hạng là 2 cái hoàn toàn khác nhau nhưng ở Việt Nam là sử dụng kết quả kiểm định để làm một căn cứ để xếp hạng.
Việt Nam đang tiếp cận theo hướng là trường phải qua một cái sàn tối thiểu thì mới được xếp hạng.
Chính vì quy định các trường đại học phải qua kiểm định mới được xếp hạng - Đây là cái vướng hiện nay đang gặp phải.
Vướng thứ 2 là hiện nay là chưa xác định được đi theo kiểu xếp hạng hay đi theo kiểu định chuẩn.
Nếu như xếp hạng mà không qua kiểm định thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Trên thực tế hiện nay đang rơi vào tình trạng như vậy, trong quá trình mà bộ kiểm định thì cũng có những trường không đạt chuẩn. Cho nên việc thực hiện xếp hạng chưa được triển khai.
Trên thế giới họ cũng không quan tâm đến việc được kiểm định hay không được kiểm định thì trường đó vẫn có thể được xếp hạng, cho nên mới có tình trạng là có những trường cực kỳ kém, thậm chí là không đạt chuẩn kiểm định nhưng vẫn được xếp hạng bởi vì trường đó có con số.
Đến thời điểm này có bao nhiêu trường đại học Việt Nam được kiểm định thưa ông?
Cho đến bây giờ có 43 trường đại học đã được kiểm định. Chính vì Nghị định 73 quy định kiểm định xong mới được xếp hạng nhưng vướng một số vấn đề liên quan đến hướng tiếp cận nên quan điểm chưa thống nhất và cơ quan quản lý đang cần bản thảo thêm.
Còn việc xếp hạng các trường đại học hiện nay thì các cơ quan quản lý cũng nên có một giải pháp bởi vì Nghị định 73 yêu cầu các trung tâm kiểm định chất lượng phải tham gia vào việc kiểm định xếp hạng. Hiện tại, Bộ vẫn đang tìm một cơ quan nào đó để có một sự tín nhiệm, để xếp hạng và công bố.
Theo tôi, tốt nhất là nên có một cơ sở dữ liệu và công bố trực tuyến, như một số tổ chức của Đức trực tiếp làm là họ cung cấp dữ liệu trên một trang web tương tác, sau đó tự người ta sắp xếp lại với nhau để tự xây dựng tiêu chí tổng hợp đánh giá.
Ở Việt Nam theo luật là thủ tướng công nhận kết quả xếp hạng. Tuy nhiên, theo quy định xếp hạng của Việt Nam hiện nay là xếp hạng để thực hiện quản lý, đầu tư. Do đó, có phần lúng túng trong việc triển khai. Còn xếp hạng của nhóm nghiên cứu hiện nay là để phân cao thấp và để biết thứ bậc.
Có đến 30% trường đại học công khai không đúng
Có ý kiến cho rằng, cần đánh giá và xếp hạng các trường một cách minh bạch, chính xác nhưng việc minh bạch ở đây của các trường rất khó tin cậy. Liệu công tác kiểm định có hỗ trợ cho việc này?
Vấn đề minh bạch và chính xác, trong xếp hạng, đánh giá chất lượng giáo dục nói chung thì có 2 đặc tính của đo lường về chất lượng bao giờ chúng tôi cũng nhấn mạnh với nhau.
Thứ nhất, thông tin phải xác thực, liên quan đến tính chính xác và độ tin cậy. Tức là các lần đánh giá khác nhau, phải cho kết quả trong 1 phạm vi sai số cho phép.
Chính vì hiện nay trong các thông tin mà các trường công khai chưa đảm bảo, có những trường rất nhiều thông tin nhưng lại chưa có cách để kiểm tra.
Trong năm 2017, vừa rồi Bộ GD&ĐT chỉ đạo 4 trung tâm kiểm định đi thẩm định lại toàn bộ thông tin đó.
Theo đó, hơn 300 trường đại học phải kiểm định lại toàn bộ. Ví dụ, trường có bao nhiêu giảng viên và các trung tâm họ phải đi rà lại từng danh sách xem có bị trùng ở đâu không.
Mục đích của việc kiểm định này không phải là để xếp hạng mà là để tính chỉ tiêu cho đúng. Tuy nhiên, có những trường kiểm tra sai đến 30%.
Kiểm định cũng chính là một dạng đánh giá. Cho nên tôi nghĩ con số mà được sử dụng để xếp hạng phải là những con số đã được thẩm định. Từ đó xã hội sẽ có cái nhìn tin tưởng hơn đối với những bảng xếp hạng.
Đại học cần quan tâm chú trọng tới tuyên bố sứ mạng
Theo ông tiêu chí nào là quan trọng nhất trong việc phân tầng xếp hạng đại học?
Theo Nghị định 73 về phân tầng xếp hạng, vấn đề quan trọng nhất phân tầng chính là mục tiêu của nhà trường. Trường định hướng như thế nào thì phân tầng trường vào nhóm đó.
Trong xếp hạng khi đã phân tầng vào các nhóm nào rồi thì nó là đồng hạng, mọi tiêu chí sẽ ngang hàng với nhau để tránh gây tranh cãi.
Do đó, các trường nên chú trọng hơn đến việc tuyên bố sứ mạng và đầu tiên phải rà soát để xem cái sứ mạng của trường. Trường có thực sự tổ chức phân bố nguồn lực, xây dựng kế hoạch để hoàn thành sứ mạng đó hay không. Nếu như không hoàn thành được sứ mạng đó thì có thể trường đó sẽ không đạt chuẩn.
Các cơ quan quản lý cần cung cấp những dữ liệu xác thực để cho xã hội có một cái nhìn nhận đúng.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh