Đại học đầu tiên cấm giảng viên mua bán bài báo khoa học
(Dân trí) - Điểm nhấn lớn nhất trong quy định liêm chính học thuật mà Đại học Bách khoa Hà Nội vừa ban hành là cấm cán bộ, giảng viên mua bán bài báo khoa học.
Quy định gồm 11 yêu cầu, trong đó có nội dung "không mua, bán kết quả nghiên cứu khoa học dưới mọi hình thức".
Theo đó, các cán bộ, giảng viên phải tuân thủ nguyên tắc trong tuyển chọn, giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật và quy định của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cán bộ, giảng viên không sử dụng đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được phê duyệt ở nơi này để tham gia tuyển chọn, nhận tài trợ ở nơi khác…
Các tác giả không bịa đặt, ngụy tạo đối tượng nghiên cứu, dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ - lý lịch khoa học; tôn trọng bản quyền, quyền tác giả, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ; thực hiện trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo chính xác, rõ ràng, minh bạch; tuân thủ triệt để tỷ lệ được phép trích dẫn tối đa theo từng đề tài, nhiệm vụ, lĩnh vực theo quy định.
Đặc biệt, trường yêu cầu các cán bộ, giảng viên phải ghi rõ tên đơn vị là Đại học Bách khoa Hà Nội trong công bố khoa học, không được ghi tên đơn vị là tổ chức, đơn vị khác.
Với học viên cao học, nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên sau tiến sỹ tại các cơ sở giáo dục đào tạo khác trong nước và quốc tế thì có thể ghi tên đồng thời tại Đại học Bách khoa Hà Nội cùng cơ sở giáo dục đào tạo đang theo học, nghiên cứu.
Học viên cao học, nghiên cứu sinh có thể ghi tên đơn vị đồng thời Đại học Bách khoa Hà Nội và đơn vị công tác của bản thân.
Công bố của Đại học Bách khoa Hà Nội, đây là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên đưa ra quy định chặt chẽ, cấm mua bán bài báo khoa học.
Đơn vị này cho biết, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật và các quy chế, quy định của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Quy định trên được nhà trường đưa ra trong bối cảnh thời gian qua, việc mua bán bài báo khoa học của một số giảng viên ở các cơ sở đại học gây nhiều tranh cãi.
Cụ thể, gần đây, trên truyền thông chính thức cũng như phi chính thức, đã có nhiều tranh luận trái chiều về chuyện mua bán bài báo khoa học.
Đơn cử mới đây, trường hợp một PGS "bán" 21 trong 69 công trình công bố quốc tế trên các tạp chí ISI/Scopus cho hai trường đại học gây xôn xao dư luận.
Một số người cho rằng, việc các trường mua bán các bài báo khoa học nhằm tạo ra ảo giác về sức mạnh nghiên cứu để tạo uy tín, nhất là trong tuyển sinh, điều đó góp phần đánh lừa người học.