Đại học Bách khoa Hà Nội tăng chỉ tiêu, mở ngành quản lý giáo dục

Mỹ Hà

(Dân trí) - Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của ĐH Bách khoa Hà Nội là 9.260 sinh viên cho 64 chương trình đào tạo, tăng nhẹ so với năm ngoái. Trường mở thêm ngành mới là quản lý giáo dục.

Ngày 21/2, Đại học Bách khoa Hà Nội công bố thông tin tuyển sinh Đại học chính quy năm 2024.

Cơ bản, phương thức tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay giữ ổn định như năm ngoái, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên.

Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội có các phương thức tuyển sinh: Xét tuyển tài năng (XTTN) khoảng 20%; xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy (ĐGTD) khoảng 30%; phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (THPT) khoảng 50%.

Đại học Bách khoa Hà Nội tăng chỉ tiêu, mở ngành quản lý giáo dục - 1

Tân sinh viên ĐHBK Hà Nội (Ảnh: Duy Thành).

Theo PGS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2024, phương thức tuyển sinh của Bách khoa Hà Nội giữ ổn định.

Tỷ lệ dành cho xét tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy (ĐGTD) tăng; thêm 1 chương trình mới là quản lý Giáo dục. 

Đặc biệt, nhà trường tăng số đợt thi ĐGTD lên 6 đợt, tại 20 điểm thi trên 10 tỉnh/ thành phố trên cả nước.

Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển sinh 64 chương trình đào tạo, trong đó 36 chương trình đại trà; 23 chương trình chất lượng cao; 2 chương trình PFIEV; 3 chương trình liên kết đào tạo quốc tế. 

Đặc biệt, kỳ tuyển sinh năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức 6 đợt thi ĐGTD. Đối tượng dự thi là học sinh THPT, thí sinh tự do tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; Hình thức thi: Thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính.

Dự kiến số đợt và thời gian tổ chức kỳ thi năm 2024 như sau:  Đợt 1: 2 - 3/12/2023 (đã thi);  đợt 2: 20 - 21/1/2024 (đã thi);  đợt 3: 9 - 10/3/2024;  đợt 4: 27 - 28/4/2024;  đợt 5: 8 - 9/6/2024;  đợt 6: 15 - 16/6/2024.  

Địa điểm tổ chức thi: 10 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Đà Nẵng.    

Các khối ngành có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2024: Các khối ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ; các khối ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng; khối ngành y, dược.  

Với phương thức xét tuyển tài năng, Bách khoa Hà Nội tiếp tục xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP và IP, đồng thời xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.

Các thí sinh sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển cần có điểm trung bình học tập từng năm lớp 10, 11 và 12 từ 8 trở lên.

Với cách xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn, thí sinh cần có điểm trung bình học tập các môn văn hóa (trừ môn thể dục và giáo dục quốc phòng an ninh) từng năm lớp 10, 11, 12 từ 8 trở lên và đáp ứng ít nhất một trong các điều kiện: được chọn thi học sinh giỏi quốc gia; có giải thưởng cấp tỉnh môn toán, lý, hóa, sinh, tin, ngoại ngữ; được chọn thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, Đường lên đỉnh Olympia vòng thi tháng trở lên; là học sinh hệ chuyên.

Thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương được đăng ký xét tuyển vào các ngành ngôn ngữ Anh, kinh tế - quản lý, công nghệ giáo dục, quản lý giáo dục.

Với phương thức xét theo điểm thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần đạt ngưỡng điểm sàn do trường quy định. Mức cụ thể được thông báo sau.

Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT và đảm bảo quyền lợi của học sinh, từ năm 2023, ĐHBK Hà Nội đã điều chỉnh nội dung và hình thức của bài thi đánh giá tư duy theo hướng gọn nhẹ, xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học.

Theo đó, tổng thời gian của bài thi gồm 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy toán học (60 phút), tư duy đọc hiểu (30 phút) và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức thi là hoàn toàn trắc nghiệm trên máy tính.

Trả lời phóng viên Dân trí, ông Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, ngành quản lý giáo dục mới mở thiên về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào giáo dục, chứ không phải ngành đào tạo về sư phạm như một số người nghĩ.

Hiện nay, việc quản lý giáo dục bằng các công nghệ hiện đại đang là xu thế. Khi công nghệ số phát triển, nhu cầu về lĩnh vực này càng lớn, do đó đây là năm đầu tiên nhà trường mở ngành này.

Quan sát nhu cầu việc làm những năm gần đây cho thấy, đây cũng là một trong những ngành tiềm năng, bởi không chỉ ứng dụng về giáo dục, sau khi ra trường, các em có thể làm việc trong các trung tâm đào tạo nhân lực của một số tập đoàn lớn.

Dưới đây là chỉ tiêu, phương thức xét tuyển từng ngành năm 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội:

Đại học Bách khoa Hà Nội tăng chỉ tiêu, mở ngành quản lý giáo dục - 2
Đại học Bách khoa Hà Nội tăng chỉ tiêu, mở ngành quản lý giáo dục - 3
Đại học Bách khoa Hà Nội tăng chỉ tiêu, mở ngành quản lý giáo dục - 4
Đại học Bách khoa Hà Nội tăng chỉ tiêu, mở ngành quản lý giáo dục - 5
Đại học Bách khoa Hà Nội tăng chỉ tiêu, mở ngành quản lý giáo dục - 6

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm