Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tư pháp về rút đề xuất tăng lương giáo viên

(Dân trí) - Phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 19/3 bất ngờ đón nhận một câu hỏi về quy định lương giáo viên thể hiện trong dự thảo luật Giáo dục. Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định dự án luật này khi Bộ GD-ĐT đưa ra thảo luận tại Chính phủ…

Phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp sáng 19/3 bất ngờ có một câu hỏi về quy định lương giáo viên thể hiện trong dự thảo luật Giáo dục
Phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp sáng 19/3 bất ngờ có một câu hỏi về quy định lương giáo viên thể hiện trong dự thảo luật Giáo dục

Cụ thể, Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) đặt câu hỏi về trách nhiệm thẩm định của Bộ Tư pháp về dự án luật Giáo dục (sửa đổi) mới trình vừa qua. Bà Minh đề cập quy định lương của nhà giáo phải được xếp cao nhất trong thang bảng lương hiện nay, quy định phổ cập giáo dục 9 năm, trong dự thảo luật ban đầu đã đưa vào nhưng sau thẩm định của Bộ Tư pháp lại đưa ra.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long xin khất nội dung về quy định phổ cập giáo dục 9 năm. Còn về lương giáo viên, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định, thống nhất quan điểm giáo viên phải được hưởng mức cao nhất trong thang bảng lương.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội

Tuy nhiên, việc này lại vấp vấn đề quan điểm. Theo ông Long, hiện Chính phủ đang chuẩn bị đề án về cải cách chế độ tiền lương, quy định trong các luật cũng phải "chờ" kết quả của đề án để đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện.

“Lương và phụ cấp liên quan đến khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Nếu theo nguyên lý nhất quán là các vấn đề về chế độ chính sách không quy định trong văn bản liên ngành thì phần nào ảnh hưởng đến nguyên tắc này. Tuy nhiên để đợi một văn bản như thế thì lại chậm. Áy náy của Bộ Tư pháp cũng như cá nhân tôi là ở đây, sao để giải quyết ngay lập tức được vấn đề này để các giáo viên an tâm công tác”- Bộ trưởng nói.

Đại biểu Ngô Thị Minh tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Tư pháp về trách nhiệm của Bộ trưởng khi Luật giáo viên phải rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh với lý do bộ này đưa ra là đã có luật Cán bộ công chức viên chức. Việc này dẫn đến tình trạng là luật chưa điều chỉnh đúng thực tế khi giáo viên là nghề có đặc thù riêng.


Đại biểu Ngô Thị Minh

Đại biểu Ngô Thị Minh

Bộ trưởng Tư pháp giải thích: “Nếu tôi nhớ không nhầm thì câu chuyện này đã đặt ra từ nhiệm kỳ Quốc hội trước, khi có đề xuất, ban đầu là của các đại biểu Quốc hội, về việc xây dựng luật nhà giáo. Quan điểm của tôi, chúng ta phải xác định rõ phạm vi điều chỉnh. Giờ nếu mỗi đội ngũ người làm nghề trong xã hội lại cần một luật riêng thì khó. Giáo viên là đội ngũ rất đông đảo với nhiều vấn đề cần xử lý, có vấn đề cần xử lý bằng chính sách, có vấn đề cần xử lý bằng luật. Vậy phải bàn kỹ việc này để tránh chồng chéo, chồng lấn”.

Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn chứng, cũng có ý kiến đề nghị làm luật nhà văn, tương tự như ý kiến làm luật Giáo viên này. Vậy nếu không nhất quán được quan điểm, hệ thống pháp luật sẽ có đến 2 trục điều chỉnh, một trục cắt dọc, một trục cắt ngang. Với những vấn đề đó, từ sau cuộc tranh luận ở khoá trước tới nay, ông Long cho biết, chưa thấy vấn đề làm luật Giáo viên được đề cập trở lại. Ông Long cũng đề nghị Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có mặt tại phiên chất vấn lý giải thêm.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm