Đà Nẵng: “Vỡ” bán trú, các trường tốp trên vẫn quá tải đầu vào

(Dân trí) - Mặc dù ngành Giáo dục TP Đà Nẵng đã yêu cầu không tổ chức bán trú cho học sinh lớp 1 nhằm giảm tải cho các điểm trường nóng về tình trạng quá tải đầu vào ở trung tâm thành phố; song “nước vẫn cứ chảy về chỗ trũng”.

Học sinh nhập học gấp 4 lần điều tra phổ cập!

Theo số liệu thống kê điều tra phổ cập giáo dục tiểu học tại địa bàn thì năm học 2012 - 2013 có 146 học sinh (HS) vào lớp 1 Trường tiểu học Phù Đổng (Q. Hải Châu, Đà Nẵng). Số trên đã bao gồm cả chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 vào 2 lớp tăng cường tiếng Pháp (dành cho HS toàn thành phố). Thế nhưng thực tế năm nay, có hơn 600 HS vào lớp 1 trường này, số lượng lớn hơn gấp 4 lần so với số liệu điều tra phổ cập. Theo quy định của ngành, sĩ số lớp học bậc tiểu học được giãn đến 42 HS/lớp, nhiều hơn 7 HS so với sĩ số chuẩn (35 HS/lớp), năm học mới, Trường tiểu học Phù Đổng vẫn có đến 16 lớp 1, tăng hơn 1 lớp so với năm học trước.

Tình trạng quá tải tuyển sinh đầu vào cũng tiếp tục tái diễn như những năm học trước ở 2 trường tốp trên còn lại ở Q. Hải Châu - quận trung tâm TP Đà Nẵng, đó là Trường tiểu học Phan Thanh và Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ. Theo điều tra phổ cập thì chỉ có 112 HS trong tuyến đúng độ tuổi vào lớp 1 Trường tiểu học Phan Thanh, những “kết sổ” tuyển sinh lớp 1 trường này năm nay, có đến hơn 280 HS vào lớp 1. Ở Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, số HS vào lớp 1 năm nay (316 HS) cũng gần gấp 3 lần so với số liệu điều tra phổ cập (126 HS).

Theo thống kê của các trường, ngoài số HS là con em CB, CNV làm việc tại Trung tâm TP., thì phần lớn số HS ngoài danh sách điều tra phổ cập tuy không sinh sống tại địa bàn nhưng lại có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Theo Luật Cư trú thì những HS này đủ điều kiện đăng ký vào trường. Một cán bộ quản lý giáo dục ở Q. Hải Châu cho biết: tình trạng “chạy trường” bằng hộ khẩu là thực trạng nhiều năm nay. Nhưng kiểm soát, khống chế tình trạng này là việc ngoài tầm của ngành giáo dục.
 
Đà Nẵng:  Vỡ bán trú, các trường “top” trên vẫn quá tải
Dù không tổ chức bán trú cho HS lớp 1, song năm nay, các trường tốp trên ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng vẫn quá tải.

Không tổ chức bán trú, hồ sơ HS vẫn ùn ùn nộp vào

Hệ quả của việc quá tải tiếp diễn đã thấy rõ từ năm học 2012 - 2013, cả 3 trường kể trên đều phải treo bảng không tổ chức bán trú cho HS lớp 1. Lý do là cơ sở vật chất của nhà trường không đủ điều kiện đáp ứng. Số lớp cứ tăng lên, trong khi số phòng học của mỗi trường vẫn vậy, hoặc chỉ được mở rộng không đáng kể thì vỡ bán trú là điều tất yếu.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Cao Hữu Công - hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: “Không đợi tới năm nay mà việc vỡ bán trú đã sớm dự liệu. Như năm ngoái, để đáp ứng nhu cầu bán trú cho HS, nhà trường đã tận dụng cả các phòng chức năng, thậm chí là phòng Hội đồng của giáo viên. Nhưng không thể cứ để tình trạng như vậy được. Năm nay, ngay từ khi nhận hồ sơ đăng ký vào lớp 1, nhà trường đã thông báo đến phụ huynh HS về việc trường không tổ chức bán trú”.

Cả Trường tiểu học Phù Đổng và Trường tiểu học Phan Thanh cũng thông báo không tổ chức bán trú cho HS lớp 1 trong năm học mới 2012 - 2013 này. Đây cũng là yêu cầu của ngành GD TP Đà Nẵng đối với 3 điểm trường nóng về tình trạng quá tải này. Mục đích của giải pháp này là để phụ huynh cân nhắc hơn, có thể chọn cho con em học ở các trường có tổ chức bán trú để giảm tải cho 3 trường trên. Thế nhưng, trên thực tế, như ông Nguyễn Hồng Tân - hiệu trưởng trường tiểu học Phan Thanh cho biết: “Thông báo không tổ chức bán trú rồi, nhưng hồ sơ HS vẫn cứ ùn ùn nộp vào trường”.

Việc các trường tốp trên “hút” HS khiến phụ huynh tìm mọi cách để con em vào học các trường này, ngoài thuận lợi điểm trường nằm ở trung tâm thành phố, còn do chất lượng đào tạo của các trường cao. “Nước chảy về chổ trũng” là tất yếu. Thử tìm giải pháp giảm tải, lãnh đạo các trường đều cho rằng cần mở rộng cơ sở trường học, tăng số lượng phòng học. Hoặc phải mở thêm trường ở khu vực trung tâm TP, với điều kiện phải tạo thương hiệu uy tín cho các trường mới ngay từ đầu để “hút” HS.

Khánh Hiền