Cuộc thi MOSWC và chặng đường 10 năm hiện thực hóa khát vọng nâng cao chất lượng nhân lực Việt
(Dân trí) - Không chỉ khẳng định với thế giới về tài năng trẻ công nghệ thông tin của Việt Nam bằng vị trí top 10 tại MOSWC Thế giới, những người tổ chức Cuộc thi Tin học Văn phòng Thế giới - Viettel 2019 còn đang hiện thực hóa khát vọng thu hẹp khoảng cách năng suất lao động giữa nước ta và các quốc gia Đông Nam Á trong suốt 10 năm liên tục tổ chức cuộc thi này trên toàn quốc.
Chặng đường 10 năm và những con số ấn tượng
Là người đồng hành với đội tuyển Việt Nam trong suốt 9 mùa thi thế giới tại Mỹ, ông Đoàn Hồng Nam, Trưởng ban tổ chức MOSWC tại Việt Nam chia sẻ đầy xúc động khi nhớ lại những năm đầu tiên đội tuyển nước ta tham gia vòng thi thế giới. Ông Nam cho biết, cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới (Microsoft Office Specialist World Championship - MOSWC) là cuộc thi tin học văn phòng lớn nhất trên thế giới với sự tham gia của gần 100 quốc gia. MOSWC được đánh giá là một trong những cuộc thi khắc nghiệt nhất bởi số lượng các quốc gia tham dự rất lớn, trong khi số lượng huy chương rất ít.
“Trong 2 năm đầu tiên tham dự Vòng chung kết (VCK) Thế giới tại Mỹ, Việt Nam là đội tuyển không có tên tuổi trên sân chơi CNTT lớn nhất thế giới cho độ tuổi HS-SV này. Khi đó, phần lớn các đội tuyển nước khác đi qua đều không muốn giao lưu với đội tuyển chúng ta vì họ nghĩ Việt Nam là một quốc gia nhỏ bé, CNTT còn lạc hậu nên không phải là đối thủ của họ. Thế rồi, bước sang năm thứ 3, với sự quyết tâm, với tinh thần tự tôn dân tộc, thí sinh Trần Đình Vỹ đã làm nên lịch sử của đội tuyển Việt Nam khi giành tấm Huy chương vàng danh giá duy nhất tại VCK Thế giới MOSWC 2012 diễn ra ở Las Vegas, Mỹ”, ông Nam xúc động chia sẻ.
Từ sau chiến thắng thay đổi vị thế đội tuyển Việt Nam tại VCK Thế giới của Trần Đình Vỹ vào năm 2012 cho đến năm 2018, đội tuyển Việt Nam liên tục dành những tấm huy chương ít ỏi và quý giá. Nhiều năm, đội tuyển Việt Nam đã vượt qua cả các cường quốc CNTT như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản… để bước lên bục nhận giải, giương cao ngọn cờ Việt Nam thiêng liêng. Với số lượng huy chương giành được qua các năm, đội tuyển Việt Nam hiện nằm trong top 10 quốc gia đạt thành tích cao nhất của MOSWC thế giới.
Tiếp nối tinh thần thi đấu của các thế hệ đội tuyển đi trước, năm nay, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào chiến thắng của 3 tân vô địch cuộc thi MOSWC – Viettel 2019 tại VCK Thế giới vào cuối tháng 7 này tại New York, Hoa Kỳ. Ba gương mặt vàng của đội tuyển Việt Nam năm nay, gồm: Lê Khang Hiếu - Học sinh trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Greenfield – tỉnh Hưng Yên; Trần Hoàng Anh - Sinh viên trường Đại học Ngoại thương - Hà Nội và Nguyễn Lưu Hoàng Anh - Học sinh trường THPT Đinh Thiện Lý - TP. HCM đang nỗ lực luyện tập với mục tiêu vượt qua hàng trăm đội tuyển đến từ khắp nơi trên thế giới để lá cờ Việt Nam thiêng liêng tiếp tục được tung bay trên bục vinh quang trao giải tại New York, Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, Cuộc thi Tin học Văn phòng Thế giới - Viettel 2019 (MOSWC – Viettel 2019) đã bước sang năm thứ 10 và ngày càng giữ vững vị thế là cuộc thi về CNTT có uy tín và quy mô lớn nhất, có sức lan tỏa rộng khắp cả nước tới đông đảo học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục.
Từ năm 2018, Cuộc thi được đồng tổ chức bởi Trung ương Đoàn và Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam, đồng thời có sự tham gia của nhiều bộ ngành gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ Thông tin), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp). Đặc biệt, năm nay, cuộc thi nhận được sự tiếp tục chung tay đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thúc đẩy MOSWC ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Khát vọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước
Trong 10 năm qua, Cuộc thi đã góp phần thay đổi quan điểm đào tạo về tin học ứng dụng trong nước, đồng thời tạo ra phong trào học kỹ năng Microsoft Office theo chuẩn quốc tế MOS không chỉ trong các trường Đại học, Cao đẳng mà cả trong các trường THPT. Qua đó, cuộc thi đã đóng góp một phần trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt nam và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
MOS là chứng chỉ duy nhất đánh giá kỹ năng nghề nghiệp được công nhận trên toàn cầu, xác nhận kỹ năng sử dụng phần mềm tin học văn phòng - công cụ hữu hiệu nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. Được biết, hiện nay nhiều trường đại học lớn đã dùng chứng chỉ MOS làm chuẩn đầu ra cho sinh viên và nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng sử dụng MOS để tuyển dụng và đánh giá nhân viên.
Năm 2019 đánh dấu chặng đường 10 năm cuộc thi Vô địch tin học văn phòng Thế giới chính thức được tổ chức tại Việt Nam. “Trở lại tiếp tục đồng hành cùng cuộc thi này, Viettel mang theo khát vọng khởi tạo thực tại mới bằng cách hỗ trợ phát triển kĩ năng cho thế hệ trẻ. Chúng tôi hy vọng, thông qua cuộc thi sẽ góp phần nâng cao chất lượng lao động, nguồn nhân lực trẻ cho đất nước, qua đó nâng cao giá trị của lực lượng lao động Việt trên bản đồ thế giới; đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho thế hệ trẻ trong tương lai”, bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Viettel chia sẻ.
Là Trưởng Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia cuộc thi, Bí thư thường trực Ban Chấp hành TW Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Bước sang mùa giải thứ 10 tại Việt Nam, cuộc thi ngày càng khẳng định uy tín và sức lan tỏa tới đông đảo học sinh, sinh viên từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Trong bối cảnh cả nước ta đang tận dụng sức mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường ứng dụng số hóa để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, thì việc đào tạo ra nguồn nhân lực thành thạo công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, cuộc thi này có ý nghĩa thiết thực, không chỉ góp phần tạo ra các thế hệ lao động tiên tiến cho đất nước, mà còn góp phần khẳng định tài năng của tuổi trẻ Việt Nam trên trường quốc tế.”
Là người luôn đau đáu về khát vọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt để thu hẹp khoảng cách so sánh giữa năng suất lao động Việt với các quốc gia trong khu vực, ông Đoàn Hồng Nam chia sẻ đầy tâm huyết: “Tôi luôn ám ảnh bởi con số so sánh một người Singapore làm việc bằng 15 người Việt Nam mà Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra tại diễn đàn chính sách về những tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến thị trường lao động Việt Nam vừa qua.”
Với sự chung sức giữa TW Đoàn, IIG và sự đồng hành trở lại của Viettel, cùng sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành, nhiều người kỳ vọng rằng, cuộc thi sẽ ngày càng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu nâng cao vị thế nguồn nhân lực trẻ Việt Nam, rút ngắn khoảng cách về năng suất lao động giữa người Việt và các nước trong khu vực.