Cứ ra nước ngoài khắc nói giỏi tiếng Anh?

Cô giáo Đào Thị Hằng – người từng nhận Học bổng Năng lực lãnh đạo trị giá 112.000 USD của Bộ Ngoại giao Úc và học bổng Global Change Leaders của Bộ Ngoại giao Canada, từ chối học bổng tiến sĩ ở nước ngoài để về Việt Nam khởi nghiệp – chia sẻ những trải nghiệm của cô về việc học tiếng Anh khi du học.


Đào Thị Hằng (đầu tiên từ trái qua) và các bạn trong thời gian học tại Úc

Đào Thị Hằng (đầu tiên từ trái qua) và các bạn trong thời gian học tại Úc

Thích giao tiếp với đồng hương hơn giao lưu bạn bè quốc tế!

Tư tưởng phổ biến của người Việt Nam là: Muốn nói được tiếng Anh thì chỉ cần ra nước ngoài sống một thời gian sẽ nói được thông qua việc "học bồi".

Đây là suy nghĩ cực kỳ sai lầm mà có đến 99% người Việt Nam mắc phải nếu như chưa có trải nghiệm về việc này. Ngay tôi cũng đã từng có suy nghĩ đó!

Thực tế là khi ra nước ngoài, bạn sẽ thấy phổ biến việc cộng đồng người Việt sống với nhau và họ không cần tiếng Anh vì các dịch vụ trong các khu này và các khu trung tâm nhân viên đều nói được tiếng Việt.

Bạn sẽ cảm thấy mình đang thoải mái ở một quận nào đó ở Sài Gòn với những người đồng hương với cơ sở vật chất tiện nghi.

Điều đó nói lên rằng bạn có thể có cuộc sống thoải mái ở nước ngoài ngay khi bạn không thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

Những kiều bào ở nước ngoài thường có nhà cho sinh viên Việt Nam thuê với giá tốt nên sinh viên Việt Nam khi sang thường sinh sống ở cộng đồng này hoặc sống nơi khác một thời gian rồi quay về sinh sống cùng bạn bè.

Nói chung đi du học cô đơn, áp lực nên việc tìm kiếm bạn bè đồng hương để chia sẻ là điều dễ hiểu.

Sinh viên mới sang thường tìm nhà thông qua việc kết nối với các bạn sang trước. Một mặt ở Việt Nam tiêu tiền đồng, sang bên đó tiêu tiền đô nên dù đi tự túc hay học bổng thì tiết kiệm được từng nào hay từng đó.

Do vậy tâm lý của các bạn là tìm nhà xa trường, càng ít tiền càng hay, tiết kiệm cho gia đình nên thường ở các cộng đồng đồng hương có sẵn. Những bạn đã có gia đình thì lựa chọn này càng phổ biến hơn khi share nhà.

Cứ như vậy dần dà sinh viên Việt Nam có xu hướng thích giao tiếp với nhau hơn là giao lưu với sinh viên quốc tế. Điều đó không có nghĩa là tất cả như vậy, rất nhiều Việt Kiều và du học sinh xuất sắc về cả tiếng Anh và học hành, công việc.


Niềm vui ngày tốt nghiệp!

Niềm vui ngày tốt nghiệp!

Học tiếng Anh ở nước ngoài: Không dễ dàng như vẫn tưởng

Một số bạn nhắn tôi hỏi: “Chị ơi, khi nào chị có thời gian rảnh, chị có thể chia sẻ làm thế nào để kết bạn khi đi học nước ngoài được không chị? Em đi học hơn 1 năm rồi, đi làm thêm cũng nhiều, nhưng em vẫn chưa kết bạn được nhiều. Em cảm thấy rất khó tìm điểm chung với các bạn ạ”.

Em có biết vì sao không? Nó do hai cái: Tiếng Anh chưa đủ và tính cách chưa cởi mở.

Phát âm thường là lỗi sai căn bản của người Việt Nam. Chỉ cần nhấn sai trọng âm và thiếu âm cuối thì người ta không nghe được. Xã hội phương Tây mọi thứ diễn ra nhanh nên chẳng ai muốn dành thời gian chỉnh sửa cho mình cả (trừ những trường hợp đặc biệt).

Thêm nữa để thi được IELTS thì tiếng Anh bạn được học là tiếng Anh học thuật, dùng trong nhà trường và viết lách. Trong khi đó tiếng Anh giao tiếp bên ngoài nó khác rất nhiều, buộc bạn phải thuần thục về ngôn ngữ và hiểu văn hóa của phương Tây trước khi đến đó may ra mới hòa nhập được.

Khi ra nước ngoài học tiếng Anh, bạn tốn rất nhiều tiền. Học phí mỗi năm từ 15,000 -30,000 USD tùy trường, tùy nước. Thêm sinh hoạt phí mỗi tháng tiết kiệm cũng mất hơn 1,000 USD nữa. Mỗi năm cũng mất 30,000 - 40,000 USD, nếu thi không qua phải đóng tiền học lại, rất áp lực. Nếu thi mãi không qua phải chuyển trường hoặc tìm mọi cách ở lại, vất vả lắm.

Nhiều bạn tính qua đi làm thêm, vừa cải thiện tiếng Anh vừa kiếm tiền đóng tiền học. Việc này là không nên vì đi làm ở bên đó không như ở Việt Nam có thể vừa làm vừa nói chuyện được đâu.

Người ta trả tiền tính theo giờ nên cũng đòi hỏi bạn bỏ sức lao động tập trung cao độ, nên không có thời gian rảnh để thở nữa là nói. Làm ngập mặt may ra mới xong việc.

Khi bán bán hàng, cũng một câu nói đó bạn nói suốt ngày. Khách đến khách đi ngay lập tức, không có thời gian buôn bán với mình. Tôi đã từng đi làm móng, làm quét dọn trong thời gian học ở Úc nên tôi thấm điều này.

Đó là chưa kể mới qua tiếng Anh của bạn ù ù cạc cạc thì chỉ xin được các việc làm trong cộng đồng người Việt, lương thấp, không thuế phải làm chui. Chủ yếu nói tiếng Việt nên chẳng giúp được mình cải thiện vốn tiếng Anh.

Chị bạn tôi sang Úc lúc 18 tuổi, sống ở Úc gần 16 năm nói: Lúc mới sang chị bán hàng ở Casino mà nói từ Casino 3 tháng người ta mới nghe được, chỉ vì nhấn sai trọng âm.

Chuẩn bị du học, đừng qua quýt với tiếng Anh!

Do vậy, với tiếng Anh phải chuẩn bị kỹ càng trước khi đi du học. Không phải là thi cho được cái bằng IELTS, mà là chuẩn bị kỹ tiếng Anh nền tảng giao tiếp.

Thường khi quyết định đi du học, người học thường vội vàng, muốn học lấy bằng cho được rồi sang bên tính tiếp. Nhưng đó là suy nghĩ cẩu thả và sai lầm vì sang đó bạn sẽ bị đóng khung, không hòa nhập được với cuộc sống sôi động ngoài kia.

Cuộc sống là một hành trình, chứ không phải đích đến nên không việc chi phải vội vàng như vậy, chuẩn bị tiếng Anh cho kỹ càng ở nhà, bạn sẽ trải nghiệm trọn vẹn đời sống du học sinh.

Theo Đào Thị Hằng

Giáo dục & Thời đại