Cử nhân đốt bằng vì không tìm được việc

(Dân trí) - Sau 5 năm tốt nghiệp đại học mà vẫn ở trong cảnh ăn không ngồi rồi lại gặp nhiều trở ngại, một cử nhân ở Trung Quốc đã đốt bằng tốt nghiệp ĐH vì quá tức giận.

Mới đây, video quay cảnh chàng cử nhân này đốt bằng tốt nghiệp trong cơn tuyệt vọng vì không xin được việc đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng Trung Quốc.  

Nhân vật chính trong video giải thích rằng anh ta sinh ra trong một gia đình nghèo không có mối quen thân nào và anh cũng không tốt nghiệp từ một trường đại học nổi tiếng.

"Tấm bằng của tôi hoàn toàn vô dụng và hầu hết các nhà tuyển dụng đều không cho tôi một cơ hội kể cả một cuộc phỏng vấn”.

Cử nhân đốt bằng vì không tìm được việc - 1
Các cử nhân đại học xếp hàng vào dự một hội chợ việc làm ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo Nhân dân nhật báo, tình trạng thất nghiệp ở những sinh viên mới ra trường hiện là một vấn đề xã hội lớn ở Trung Quốc. Bởi vậy video đốt bằng tốt nghiệp đã thực sự thu hút sự chú ý của nhiều người. Đặc biệt, nhiều sinh viên đại học nói rằng họ có thể thông cảm với anh chàng cử nhân kia, nhưng họ không đồng tình với những gì anh ta làm.

Zhang, một cử nhân ra trường 5 năm trước đây, nhận xét: "Thật là hồ đồ khi đốt bằng tốt nghiệp, tấm bằng đó tượng trưng cho những gì bạn đã bỏ tiền ra và học được ở trường đại học. Thêm nữa, việc đốt bằng không thay đổi được điều gì. Kể cả khi bạn nghĩ mảnh bằng hoàn toàn vô dụng, nó có thể gợi cho bạn nhớ đến những kỷ niệm”. 
 
Chen, vừa tốt nghiệp đại học năm nay, nói rằng thật là tiếc khi đốt bằng tốt nghiệp. Theo Chen, cử nhân phải chuẩn bị thật tốt để chờ những cơ hội chưa đến.

Còn Xiao Lin, người được gọi là "người điên cuồng chứng chỉ", thì dường như phát sốt lên với việc thi lấy chứng chỉ. Lin giải thích rằng anh không phải cử nhân một trường tốt hay một chuyên ngành tốt, bởi vậy mà anh cố gắng ở mức cao nhất để học nhiều kỹ năng nghề nghiệp nhằm tăng sức cạnh tranh khi xin việc.  

Trong suốt những năm học đại học, Lin đã thi lấy nhiều chứng chỉ, trong đó có chứng chỉ kế toán, Anh văn, tiếng Nhật kinh doanh, vi tính, bằng lái xe,… Mặc dù Lin chưa tìm được việc, anh tin rằng không vô ích khi “tích lũy” đủ những chứng chỉ cần thiết.

Tuy nhiên, một cử nhân khác tên Fei, cũng có trong tay rất nhiều chứng chỉ, không nghĩ rằng việc này hỗ trợ được nhiều khi xin việc. Theo kinh nghiệm của Fei, tất cả những chứng chỉ mà anh có chỉ là vé vào cửa để bước vào những hội chợ việc làm chứ không hơn gì.

Nói về việc này, một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cho rằng bằng cấp và chứng chỉ cần thiết trong việc tuyển dụng, nhưng nhà tuyển dụng quan tâm hơn đến năng lực của các ứng viên.

Một giảng viên ở Trường đại học Sư phạm Hoa Nam cảnh báo sinh viên đừng vì áp lực của công cuộc săn việc mà chạy theo xu hướng dự thật nhiều kỳ thi lấy chứng chỉ. Sinh viên nên có những kế hoạch hợp lý dựa theo điểm mạnh và điểm yếu của mình. Ngoài ra, sinh viên cũng nên có những mong đợi phù hợp và đừng nên cố với những gì quá xa vời tầm tay mình.
 
Xuân Vũ
Theo Nhân dân nhật báo