Covid-19: Hong Kong đưa lớp học từ nhà trường về phòng ăn của mỗi gia đình

(Dân trí) - Hồng Kông (Trung Quốc) nơi có nhiều ngôi trường danh tiếng mà bất cứ gia đình nào cũng muốn gửi con đến học hiện đang có bước dịch chuyển lớn: "Đưa lớp học từ nhà trường về phòng ăn của mỗi gia đình".

800.000 học sinh nghỉ học vì covid-19

Lo ngại dịch bệnh lan rộng đã khiến Hồng Kông đóng cửa trường học tới 2 tháng và 800.000 học sinh của vùng lãnh thổ này sẽ buộc phải ở nhà cho tới ít nhất là 20/4.

Tuy nhiên, thay vì bỏ nội dung bài học, nhiều trường đã yêu cầu học sinh tham gia lớp học trực tuyến, gửi bài tập cho học sinh, yêu cầu hoàn thành và chấm điểm bài tập như thường lệ.

Hồng Kông có mật độ dân số cao và tính tới 28/2, đã có 93 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài một tuần, chính quyền sở tại đã đóng cửa tất cả các trường học và sẽ không mở lại cho tới khi an toàn trở lại. Cơ quan giáo dục Hồng Kông cũng khuyến nghị các trường học áp dụng dạy học online.

Covid-19: Hong Kong đưa lớp học từ nhà trường về phòng ăn của mỗi gia đình - 1

Cặp song sinh Isabella and Max Crowe đang làm bài tập trường giao trong khi bố lũ trẻ làm việc ngoài ban công.

Giáo viên theo dõi quá trình làm bài tập của học sinh qua máy tính bảng và điện thoại

Trong một buổi họp báo, các quan chức giáo dục đã giới thiệu các nền tảng công nghệ dạy-học ảo để thuyết phục công chúng về mức độ hiệu quả có thể thay thế trường học của chúng.

Họ cũng gợi ý sử dụng các hệ thống quản lý học tập cho phép giáo viên theo dõi quá trình làm bài tập của học sinh qua máy tính bảng và điện thoại.

Cuộc thử nghiệm quy mô lớn về giáo dục này đã khiến cả học sinh và phụ huynh mà rất nhiều người trong số họ cũng đang phải làm việc tại nhà do cơ quan đóng cửa phải tập trung làm việc và học tập trong cùng một không gian chật hẹp.

Karen Taylor là giám đốc của một công ty phần mềm có ba con đang học tại một trường quốc tế Anh ngữ ở Hồng Kông. Cô vẫn thường đưa chúng đi học mỗi sáng rồi quay về làm việc từ xa trong căn hộ rộng hơn 100m2 của mình.

Từ đầu tháng 2, ba đứa nhỏ nhà cô (một đứa 5 tuổi và hai đứa sinh đôi 10 tuổi) ở nhà với mẹ và vào đăng nhập các lớp học trực tuyến mà ở đó có chúng được gặp bạn học cùng lớp và giáo viên.

Mặc dù đã cẩn thận dán thời khóa biểu lên tường, nhưng Karen cho biết: “Rất khó có thể để mắt đến tụi nhỏ mọi lúc mọi nơi”. Chồng cô, Paul Crowe, vẫn đi làm bình thường. Anh thường giúp cô làm việc nhà khi ở nhà và đôi khi cũng làm việc từ xa ở ngoài ban công căn hộ.

Có những lúc Paul thì gọi điện, trả lời email ngoài ban công trong khi cặp song sinh 10 tuổi thì làm bài tập ở trong phòng; còn ngồi trước bàn ăn là Karen và đứa nhỏ 5 tuổi, cố gắng hoàn thành phiếu bài tập cho trẻ học mẫu giáo.

Karen thú nhận, đã rất vất vả với các bài toán về phân số và phép chia số lớn vì “chỉ nhớ lõm bõm những gì mình học trước đây”. Gần đây, cô giáo của lũ trẻ đã dừng lớp học trên Google Hangouts và chuyển sang vận hành lớp học theo các nhóm nhỏ.

Còn Teresa Liu cũng mới cho cậu con trai 3 tuổi của mình tham gia lớp học mầm non online. Trong các buổi học video đó, cô giáo mầm non kể chuyện bằng tiếng Anh, tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông và giảng giải về tác dụng của việc đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ.

Teresa cho biết gia đình tham gia các bài học trực tuyến để thằng bé có tương tác với trường và cô giáo.

Trường quốc tế học online

Với các trường quốc tế, vốn có mức học phí khá cao, từ khoảng 10.000 cho tới 22.000 đô la/năm, thì giáo viên và học sinh đã rất tích cực với các hoạt động online từ trước.

Tại Trường quốc tế Mỹ Harbour, sinh viên được yêu cầu học tất cả các lớp học ảo theo thời khóa biểu của lớp học thực. Học sinh lớp 2 ở đây đã phải viết bài tóm tắt có độ dài nhiều trang, mô tả các thí nghiệm khoa học do giáo viên thực hiện trực tuyến, trong khi các cháu mầm non đã phải ghi âm lại những con chữ phải học và đọc.

Hiệu trưởng mầm non và tiểu học của Trường Quốc tế Habour Christine Greenberg cho biết: “Tất cả đều bắt buộc phải học theo chương trình như những ngày học bình thường”.

Tarana Shah, nhân viên làm việc toàn thời gian tại một ngân hàng đầu tư của Pháp tại Hồng Kông, đã dành khá nhiều thời gian giúp cô con gái 6 tuổi của mình hoàn thành khối lượng bài học của trường giao.

Cô nói: “Rất mệt khi phải hướng dẫn con học sau khi kết thúc một ngày làm việc”. Cô phải liên tục theo dõi các bài tập trường giao và nộp bài cho con, nhưng cô cũng không quá lo lắng bởi cô ý thức được rằng: “Con bé mới 6 tuổi và sẽ không phải là điều gì quá đáng ngại nếu con bé học chậm hơn các bạn khác vài điều”.

Còn Bác sĩ Annette Berg thì đã ở nhà với con 3 tuần nay bởi cơ sở phi lợi nhuận nơi cô làm việc cũng đang tạm đóng cửa.

Mỗi sáng trong tuần, cô sẽ đặt cô con gái lên 7 tuổi của mình trước bàn ăn đã để sẵn máy tính, bút, giấy, trong khi hai đứa con 12 và 14 tuổi của cô thì tự giác ngồi làm bài tập ở góc học tập riêng của chúng. Cô cho biết điều khó khăn là làm sao để tất cả đều tập trung vào bài tập do Trường Quốc tế Đức - Thụy Sĩ giao.

Như vậy, cả nhà phải lên mạng nhiều giờ mỗi ngày. Rồi Berg kể lại cuộc cãi vã của cả nhà khi giải một bài toán: “Tôi thì chẳng biết nhiều về Toán, nhưng nói chung là bố mẹ phải là người tổ chức học tập tại nhà”.

Berg cũng cho rằng thật may mắn là một số bài học được giáo viên của trường trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn online qua ứng dụng Google Hangouts.

Nhiều gia đình lo rằng con mình sẽ tụt lại phía sau khi trường học hoạt động trở lại do trong thời gian này có rất nhiều học sinh học rất tích cực, nhưng cũng có nhiều học sinh không thể tập trung tốt vào việc học.

Trên Facebook, một số nhóm cha mẹ học sinh Hồng Kông cũng lo con họ có thể tụt dốc khi đang chuẩn bị ôn thi và phàn nàn về việc phải tìm cách cân bằng giữa công việc và giám sát việc học của lũ trẻ.

Tuy nhiên, về mặt giáo dục, mặt tích cực trong đợt dịch lần này là nó thúc đẩy các hoạt động dạy-học trực tuyến, không chỉ ở Hồng Kông.

Theo người đứng đầu Cơ quan giáo dục Hồng Kông Kevin Yeung, việc hỗ trợ học sinh học tập online tại nhà sẽ giúp vùng lãnh thổ này thực hiện được mục tiêu “đóng cửa trường học nhưng không dừng hoạt động dạy và học”.

Hữu Dương (theo Wall Street Journal)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm