Covid-19 "cướp" gần 4 tháng học tập của học sinh các nước nghèo

Dịch Covid-19 đã cướp đi gần 4 tháng đi học của trẻ em ở các nước nghèo nhất, trong khi đó học sinh ở các nước có thu nhập cao chỉ mất 6 tuần, theo một báo cáo chung do UNESCO, UNICEF và WB đưa ra.

Nghiên cứu dựa trên những phát hiện từ các cuộc khảo sát về “phản ứng của giáo dục quốc gia đối với Covid-19 bao gồm học từ xa để hỗ trợ học sinh, phụ huynh và giáo viên, kế hoạch mở cửa lại trường học, các giao thức đảm bảo y tế, cấp tài chính... được tiến hành tại gần 150 quốc gia từ tháng 6 đến tháng 10.

Covid-19 cướp gần 4 tháng học tập của học sinh các nước nghèo - 1

Trẻ em Italy quay trở lại trường học sau khi nghỉ vì Covid-19.

Báo cáo mới cho thấy học sinh ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình ít có khả năng tiếp cận các phương pháp học từ xa và được theo dõi về thiệt hại trong học tập.

Các em cũng có nhiều khả năng gặp phải tình trạng chậm trễ trong việc mở cửa trường học và tới trường khi thiếu các nguồn lực đảm bảo an toàn cho các hoạt động.

“Chúng ta không cần phải nhìn xa để thấy được sự tàn phá của đại dịch đối với việc học tập của trẻ em trên toàn thế giới.

Ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, sự tàn phá này càng lớn hơn khi khả năng tiếp cận học tập từ xa bị hạn chế, tăng nguy cơ cắt giảm ngân sách và trì hoãn trong kế hoạch mở cửa trường học trở lại, điều này thu hẹp cơ hội trở lại hoạt động bình thường của trẻ", giám đốc phụ trách giáo dục Robert Jenkins của UNICEF cho biết trong một thông cáo báo chí.

“Ưu tiên mở lại các trường học và cung cấp các lớp để có thể bắt kịp việc học là điều rất quan trọng” – ông Jenkins nói thêm.

Trong khi các trường học đã mở cửa trở lại toàn bộ hoặc một phần ở hơn 2/3 quốc gia được khảo sát, 1/4 quốc gia đã bỏ lỡ ngày mở cửa trở lại theo kế hoạch hoặc chưa ấn định ngày khai giảng các lớp học và hầu hết là các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

Báo cáo cũng tiết lộ rằng trong số 79 quốc gia được hỏi về tài chính cho biết, gần 20% các nước đã giảm hoặc có thể giảm ngân sách giáo dục trong năm tài chính hiện tại hoặc tiếp theo, so với gần 40% ở nhóm các nước trung bình và thấp.

Ngoài ra, một nửa số người được hỏi ở các nước thu nhập thấp cho biết họ không có đủ tiền chi cho các biện pháp đảm bảo an toàn Covid-19 như phương tiện rửa tay hoặc thiết bị bảo hộ cho học sinh, giáo viên. Ở các nước có thu nhập cao, tỷ lệ này là 5%.

Trợ lý Stefania Giannini của Tổng Giám đốc UNESCO về giáo dục nhấn mạnh rằng “đại dịch sẽ làm gia tăng khoảng cách chi cho GD ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Bằng cách lựa chọn đầu tư đúng đắn ngay bây giờ, thay vì chờ đợi, khoảng cách này có thể giảm đáng kể”.

Ưu tiên học từ xa

Theo báo cáo, gần như tất cả các quốc gia đã đưa giáo dục từ xa vào ứng phó giáo dục của mình như các nền tảng trực tuyến và chương trình radio...

Hầu hết các nước (9/10 quốc gia được khảo sát) đã tạo điều kiện cho việc học trực tuyến, thường là thông qua điện thoại di động hoặc bằng cách cung cấp dịch vụ internet có trợ giá hoặc miễn phí, mặc dù quy mô “rất đa dạng” – báo cáo cho biết.

Theo báo cáo, phụ huynh ở 6/10 quốc gia cũng nhận được tài liệu hướng dẫn họ cho con học ở nhà, trong khi đó có 4/10 quốc gia cung cấp tư vấn tâm lý – xã hội cho trẻ em và người chăm sóc trong thời gian trường học đóng cửa. Những nỗ lực này phổ biến hơn tại các nước có thu nhập cao và ở các khu vực đã có sẵn các nguồn lực.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động, Giám đốc giáo dục Jaime Saavedra của Ngân hàng Thế giới cho biết “mặc dù đã có những nỗ lực rộng rãi, vẫn có sự khác biệt lớn về năng lực của các quốc gia trong việc cung cấp cho trẻ em và thanh thiếu niên học tập hiệu quả”.

“Trước đại dịch, chúng tôi lo lắng về “nghèo đói trong học tập” và về bất bình đẳng trong cơ hội học tập. Giờ đây, mức cơ bản về học tập đã thấp hơn, nhưng sự gia tăng bất bình đẳng về cơ hội có thể là một thảm họa. Nhiệm vụ tái định hình quá trình học tập là vô cùng cấp bách”.

Theo Hải Yến

Giáo dục & Thời đại

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm