Công bố quốc tế của Toán học Việt Nam đang đứng ở đâu so với châu Á?

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Trên hệ thống Mathscinet, kết quả thống kê cho thấy vào thời điểm 2010, Việt Nam có khoảng 300 bài báo. Đến nay, tổng số công bố đã là 767, tăng gấp 2,5 lần so với 2010.

Công bố quốc tế của Toán học Việt Nam đang đứng ở đâu so với châu Á? - 1

Cả về số lượng lẫn mức độ tăng trưởng, công bố trên các tạp chí thuộc Mathscinet của Việt Nam nhiều hơn các quốc gia hàng đầu khác trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines.

 Sau 10 năm công bố quốc tế tăng 2,5 lần

Theo báo cáo Tổng kết chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020 của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, trên hệ thống Mathscinet, kết quả thống kê cho thấy vào thời điểm 2010, Việt Nam có khoảng 300 bài báo. Đến năm 2019, tổng số công bố đã là 767, tăng gấp 2,5 lần so với 2010.

Cả về số lượng lẫn mức độ tăng trưởng, công bố trên các tạp chí thuộc Mathscinet của Việt Nam nhiều hơn các quốc gia hàng đầu khác trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines.

Số bài báo trong danh mục MathSciNet (tính đến 15/3/2020)

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

300

301

341

370

455

436

545

613

648

767

Một nghiên cứu khác của nhóm Trắc lượng khoa học Việt Nam (Scientometrics for Vietnam - S4VN) vào đầu năm 2019 về kết quả công bố quốc tế trên các tạp chí ISI của ngành Toán Việt Nam, số lượng công bố ISI của ngành Toán học Việt Nam trong năm 2018 (tính đến 28/10/2018) dẫn đầu các nước ASEAN.

Đáng chú ý là Việt Nam liên tục giữ vị trí dẫn đầu các nước ASEAN về chỉ số này từ năm 2014 đến nay, mặc dù trước đó vị trí này liên tục thuộc về Singapore.

Bảng số lượng công bố ISI thuộc phân ngành Toán học (2010-2018)

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

10/2018

Tổng

146

152

168

193

250

238

278

368

304

2.097

Cả hai cách đánh giá trên đều cho thấy số lượng công bố ngành Toán của Việt Nam trong giai đoạn 2010 đến 2018 đã tăng hơn gấp đôi.

3 phương pháp đánh giá về thứ hạng của Toán học Việt Nam

Theo lãnh đạo Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, đánh giá, xếp hạng một nền toán học là một công việc phức tạp với nhiều tham số như số lượng và chất lượng các công bố khoa học; số lượng và chất lượng các tài liệu, giáo trình, sách chuyên khảo; các phát minh sáng chế, các giải thưởng được quốc tế công nhận… Vì độ phức tạp của vấn đề nên trên thế giới hiện không tồn tại một hệ thống đánh giá một cách toàn diện nào đối với các nền toán học trên thế giới.

Tuy nhiên, một phương pháp đánh giá khả thi, và một cách tương đối thể hiện được trình độ phát triển Toán học của một quốc gia là dựa trên các thống kê về số lượng công bố khoa học của các nhà khoa học đang làm việc trong nước.

Hiện nay có 3 phương pháp khác nhau để đánh giá về thứ hạng của Toán học Việt Nam trên thế giới và trong khu vực, cả ba phương pháp đều dựa trên nguồn dữ liệu là số lượng công bố khoa học ngành toán của các tác giả trong nước nhưng khác nhau về hệ thống tạp chí được sử dụng trong thống kê.

Cụ thể, số liệu công bố khoa học dựa trên hệ thống Mathscinet (Mathscinet của Hội Toán học Mỹ là một hệ thống trực tuyến phân loại và bình duyệt các tạp chí ngành Toán có uy tín rất lớn, được cộng đồng Toán học trên toàn thế giới thừa nhận và sử dụng rộng rãi).

Trong khuôn khổ của việc tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020, nhóm nghiên cứu của GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa (Viện Toán học, Viện HLKHCNVN) đã thực hiện thống kê các công bố của Việt Nam và một số nước châu Á trên hệ thống Mathscinet. Phương pháp thống kê này lấy tổng của tất cả các công bố có địa chỉ đơn vị (institution) tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam.

Bảng dưới đây là kết quả thu được lấy tại thời điểm 15/04/2020 về thống kê các công bố của Việt Nam và một số nước châu Á trên hệ thống Mathscinet:

Năm

Việt Nam

Hàn Quốc

Indonesia

Malaysia

Philippines

Singapore

Thái Lan

2010

300

1768

58

360

14

587

373

2011

301

1997

57

459

26

592

367

2012

341

2310

75

501

40

717

465

2013

370

2454

116

590

37

789

448

2014

455

2261

80

412

60

813

373

2015

436

2331

107

459

57

850

396

2016

545

2445

85

367

53

847

418

2017

613

2484

96

383

60

776

420

2018

648

2332

117

347

71

836

500

2019

767

2209

121

310

81

746

500

Số liệu công bố khoa học dựa trên Scopus của Scimago

Từ năm 2009, một bảng xếp hạng các đơn vị nghiên cứu khoa học (SIR - Scimago Institutions Rankings) của nhóm nghiên cứu SCImago (Tây Ban Nha) đã ra đời và được công bố mỗi năm một lần, sau đó đã được bổ sung thêm việc xếp hạng các quốc gia về công bố khoa học.

Phương pháp đánh giá, ưu và nhược điểm của hệ thống này cần đến những công trình nghiên cứu riêng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng hệ thống Scimago đã và đang được tín nhiệm, sử dụng làm căn cứ để đánh giá bên cạnh hệ thống ISI của Web of Science (WoS).

Điểm khác biệt căn bản giữa Scimago và WoS là hệ thống Scimago dựa trên cơ sở dữ liệu của Scopus gồm hơn 13000 tạp chí, kể cả kỷ yếu hội nghị, có nhiều tạp chí không nằm trong dữ liệu của WoS.

Các tạp chí thuộc danh sách Scopus phân ngành "Toán học" rộng hơn rất nhiều so với WoS vì bao gồm những tạp chí vốn không được coi là tạp chí thuộc ngành Toán đối với cả WoS cũng như Mathscinet.

Một ví dụ là tạp chí bioinformatics không nằm trong 2 nhóm tạp chí Toán của WoS lẫn Mathscinet nhưng hệ thống Scopus vẫn đưa vào nhóm Mathematics (Computational Mathematics, Statistics and Probability). Vì thế sự khác biệt trong kết quả đánh giá là không thể tránh khỏi, đặc biệt, đối với những quốc gia thiên về nghiên cứu lý thuyết và có ít kết quả nghiên cứu trên các tạp chí có tính chất liên ngành.

Kết quả này phần nào phản ánh không chỉ số lượng công bố ngành Toán mà còn là số lượng công bố của các lĩnh vực khác có sử dụng công cụ Toán học.

Về kết quả đánh giá, số liệu được lấy vào tháng 12/2019 cho thấy vào năm 2010, Toán học Việt Nam ở vị trí thứ 53, đến năm 2018 đã vươn lên vị trí thứ 35 (sử dụng lựa chọn subject categories: Mathematics - miscellaneous (1 trong 313 nhóm chủ đề cụ thể).

Tại thời điểm tháng 6/2020, có thể sau khi số liệu được cập nhật, thì xếp hạng của Việt Nam vào năm 2010 vẫn ở vị trí 53, còn năm 2018 ở vị trí 38.

Số liệu của nhóm Trắc lượng Khoa học Việt Nam (S4VN)

Đầu năm 2019, nhóm nghiên cứu độc lập "Trắc lượng khoa học Việt Nam" đã công bố một loạt các kết quả khảo sát về công bố quốc tế ISI của Việt Nam và các nước ASEAN giai đoạn 2013-2018.

Kết quả nghiên cứu này bao gồm 22 phân ngành khác nhau, trong đó có Toán học, đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng khoa học Việt Nam.

Về phương pháp lấy số liệu, nhóm nghiên cứu ghi rõ thực hiện "... công bố kết quả đo lường đối với các công bố nghiên cứu gốc dạng article theo 2 danh mục chính của Web of Science (SCIE và SSCI), 1 danh mục các tạp chí tiềm năng (ESCI) và theo 22 phân ngành…"

Theo số liệu đánh giá, hiện vẫn được lưu trữ trên trang chính thức của nhóm, thì bên cạnh các chỉ số đánh giá khác, số lượng công bố ISI của ngành Toán học Việt Nam trong năm 2018 (tính đến 28/10/2018) xếp thứ 32 trên thế giới (304 bài), dẫn đầu các nước ASEAN (tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ là các số liệu công bố luôn luôn có độ trễ và đang được cập nhật).

Đáng chú ý là Việt Nam liên tục giữ vị trí dẫn đầu các nước ASEAN về chỉ số này từ năm 2014 đến nay, mặc dù trước đó vị trí này liên tục thuộc về Singapore.

Mặc dù ba phương pháp đánh giá nêu trên còn nhiều hạn chế nhưng việc xếp hạng, đánh giá dựa trên các số liệu công bố khoa học cũng đã đem lại một bức tranh tương đối về vị trí của Toán học Việt Nam trong một nhóm các nền Toán học có trình độ xấp xỉ nhau.

Cần hỗ trợ cho các nghiên cứu có tính chất liên ngành, sử dụng công cụ toán học ở mức độ cao.

Theo tổng kết của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, trên toàn thế giới, công bố khoa học ngành Toán của Việt Nam vào năm 2010 ở thứ hạng tương đối tin cậy là 50-55 còn năm 2018 thì khá đa dạng: 32, 35 hoặc 38.

Có sự khác biệt trong kết quả đánh giá, thậm chí ngay trong cùng một danh mục xếp hạng. Nguyên nhân chính của sự khác biệt là nguồn tạp chí sử dụng trong thống kê được coi là thuộc phân ngành Toán học, trong danh mục của ISI (nay là WoS) hay Scopus, hay Mathscinet.

Thực tế là trong giai đoạn vừa qua, các tiêu chí về công bố, đánh giá kết quả, xếp hạng… không chỉ của riêng ngành Toán mà của các tổ chức, cơ quan quản lý khoa học công nghệ nói chung đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên đều dựa trên danh sách ISI (nay là SCIE của WoS).

Bảng xếp hạng Giao thông Thượng Hải, bảng xếp hạng uy tín nhất trong các bảng xếp hạng đại học cũng sử dụng nguồn dữ liệu này (WoS). Vì thế, các kết quả đánh giá dựa trên các tạp chí SCIE phù hợp và thuyết phục hơn. Và do đó có thể ước lượng rằng chúng ta đang ở vị trí 35-40.

Xét cả về công bố thuộc danh mục ISI (nay là WoS) cũng như Mathscinet, công bố khoa học ngành Toán của Việt Nam vào năm 2018 ở vị trí dẫn đầu trong số các nước ASEAN.

Các công bố ngành Toán của Việt Nam thực sự đã có những bước tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2010 - 2018 và cho đến nay. Với số lượng công bố tại thời điểm 2018 tăng hơn gấp đôi so với năm 2010.

Để nâng cao số lượng công bố của nhóm các khoa học về Toán trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán khuyến nghị: cần phải quan tâm, hỗ trợ cho các nghiên cứu có tính chất liên ngành, sử dụng công cụ toán học ở mức độ cao.

Ngoài thông tin về số lượng công bố khoa học, vị thế của Toán học Việt Nam còn được khẳng định thông qua các kết quả khác như các thành tích được quốc tế ghi nhận của Viện NCCCT, Viện Toán học (Viện HLKHCNVN), sự tiến bộ của một số khoa Toán tại các đại học lớn của Việt Nam trên bảng xếp hạng QS.

Việc hoàn thành mục tiêu này là một thành tích xuất sắc của cộng đồng Toán học Việt Nam. Tất nhiên, cần phải kể đến tác động trực tiếp và gián tiếp từ các chương trình, đề án khác, đặc biệt là từ Quỹ nghiên cứu khoa học cơ bản quốc gia (Nafosted).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm