Bạn đọc viết:

Con yêu đương sớm: Sao bố mẹ phải "ngăn sông cấm chợ"?

(Dân trí) - Tình yêu tuổi học trò là thứ tình cảm thuần khiết nhất. Lo sợ con cái bồng bột dễ xảy ra hậu quả đáng tiếc nên nhiều cha mẹ tìm cách "ngăn sông cấm chợ"…

Trong cái lo có cái mừng...

Thế nhưng liệu việc cấm cản có tốt và thực sự, có nhất thiết bố mẹ phải cấm con yêu ở tuổi học trò? Chẳng lẽ tình yêu tuổi học trò là không đáng có?

Thanh xuân là quãng thời gian tuyệt vời nhất với nhiều kỷ niệm đẹp từ thầy cô, bạn bè đến cả những rung động, xao xuyến tuổi mới lớn. Và tình yêu tuổi học trò đem đến những trải nghiệm khó quên, theo suốt mỗi người có khi cả một đời.

Nếu nói tình yêu tuổi học trò đều không tốt thì cũng chưa hẳn, bởi có rất nhiều cặp đôi yêu nhau từ thời đi học đến khi cả hai có sự nghiệp vững vàng thì vẫn có một "happy ending". Thế nhưng, tuổi teen hay còn được gọi là "tuổi nổi loạn" với nhiều hành vi bốc đồng, khó kiểm soát ham muốn của bản thân nên dễ gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Trong mắt bố mẹ, với cái tuổi "ăn chưa no lo chưa tới", con cái khó lòng có sự cân nhắc giữa được và mất. Không ít phụ huynh phát hoảng khi phát hiện con có bạn trai, bạn gái ở tuổi đi học bèn vội "ngăn sông cấm chợ".

Rất nhiều trường hợp cha mẹ mất bình tĩnh, thể hiện thái độ giận dữ, cấm đoán và đôi khi dùng những biện pháp mạnh để cắt đứt tình yêu học trò của con.

Con yêu đương sớm: Sao bố mẹ phải ngăn sông cấm chợ? - 1

Khi con cái "yêu sớm", trong cái "lo", bố mẹ cũng phải mừng vì con mình phát triển bình thường (Ảnh minh họa).

Nhìn ở góc độ tâm lý, việc bố mẹ cấm đoán con cái yêu đương là sai, bởi bản chất tình yêu không có lỗi. Con người là chủ thể của tình yêu. Yêu đúng đắn, trong sáng sẽ là động lực tiến bộ để hai người yêu nhau cùng nhìn, đi và hành động về tương lai phía trước.

Ngược lại, bố mẹ cấm đoán con cái yêu, là một sự "kìm hãm" tình cảm tâm sinh lý tự nhiên. Giống việc hoa muốn nở nhưng không được người trồng hoa cho nở.

Thời buổi hiện đại, việc nhận thức về tình bạn, tình yêu và quan niệm xã hội khác rất nhiều với thế hệ sinh ở những lứa tuổi trước đây. Thế hệ trước quan niệm cứ trưởng thành mới được yêu, học sinh trung học không được yêu. Thế hệ trước cũng không hiểu tường tận việc phát triển thể chất, tâm sinh lý của lớp trẻ hiện nay đã cách xa "một trời một vực" so với trước.

Nếu như đời sống của thế hệ trước còn khó khăn, thức ăn đa phần là rau, cá ít chất dinh dưỡng thì thời nay, con trẻ được chăm sóc nâng niu từ bé tới lớn với nhiều chất bổ, béo. Các loại sữa có nhiều hợp chất tăng trưởng hoóc-môn, làm cho "độ lớn" của trẻ tăng nhanh hơn, trẻ dậy thì sớm hơn. Mà thể chất phát triển nhanh thì tâm sinh lý cũng phát triển nhanh, nên việc con trẻ thời nay yêu sớm hơn là khách quan.

Không ít trường hợp do bố mẹ cấm đoán tình yêu, con gái đã cùng bạn trai bỏ nhà đi. Không ít trường hợp vì sự ngăn cấm của bố mẹ không cho yêu mà con cái tự tử - một thảm kịch đau lòng. Tình yêu đầu đời với những trái tim non nớt gây những cảm xúc mạnh lại bị bố mẹ "dập tắt" phũ phàng.

Để con sống với "cơn mưa rào thanh xuân"

Cấm đoán kịch liệt lúc này không chắc đem lại kết quả gì, thậm chí còn làm con cái khổ hơn, cực đoan và mất niềm tin hơn. Khi con cái "yêu sớm", trong cái "lo", bố mẹ cũng phải mừng vì con mình phát triển bình thường, thậm chí phát triển nhanh, trước so với bạn bè trang lứa, dĩ nhiên bố mẹ không "cổ súy" và "kích cầu" cho việc con yêu sớm.

Hãy cứ để cho con được hưởng những cảm giác rung động đầu đời, trong trẻo như sương mai. Đôi lúc chỉ nắm tay người ấy dù chỉ là những phút nắm trộm lúc ra chơi cũng đủ thấy hạnh phúc biết bao. Đôi lúc chỉ một ánh nhìn cũng giúp con vui vẻ cho cả một ngày học tập căng thẳng.

Yêu tuổi học trò không vụ lợi, không ích kỉ, không có những cân nhắc thiệt hơn, bàn cân vật chất hiện hữu. Yêu tuổi học trò, chỉ một cây kem người ấy tặng cho cũng đủ vui suốt cả ngày. Một cái móc khóa mấy ngàn bạc cũng giữ khư khư mấy năm liền. Yêu tuổi học trò, nếu gặp đúng người, hợp thời điểm thì đó sẽ là mối tình đẹp đi theo năm tháng của bạn. Sau này dù chia tay hay không thì cũng đều trở thành kỉ niệm đẹp.

Phụ huynh cần lắng nghe con cái bởi bố mẹ không thể nào theo con cái suốt đời được. Cũng phải đến lúc con tự vấp ngã rồi tự đứng lên mà tiếp tục chặng đường dài đầy chông gai phía trước.

Trải qua mỗi giai đoạn là những cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trong cuộc đời chúng. Do đó bạn cần biết cách giáo dục con cái để chúng tự lập và có tinh thần trách nhiệm với chính cuộc đời của chúng.

Về phương diện làm cha mẹ như chúng ta chỉ là những người bạn đồng hành cùng con mà thôi. Chúng ta không thể quyết định cuộc đời của con cái theo cách mình muốn được. Do đó, với chuyện yêu đương thay vì áp đặt, ngăn cấm bố mẹ hãy lắng nghe con, hãy luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc để con cái đặt niềm tin vào bạn, chia sẻ những tâm tư băn khoăn, thắc mắc tình cảm…

Nhẹ nhàng giải đáp những thắc mắc, trăn trở của con để chúng có suy nghĩ chín chắn hơn. Và vì con bạn cũng phải học yêu, chúng không tự dưng mà biết yêu được.

Con yêu đương sớm: Sao bố mẹ phải ngăn sông cấm chợ? - 2

Bố mẹ nên giáo dục và phổ cập kiến thức cũng như cách hành xử đúng mực cho con cái mình trong tình yêu học trò, tránh những hậu  quả đáng tiếc (Ảnh minh họa).

Tình yêu tuổi học trò thường đi kèm những bồng bột nhưng quan trọng chúng ta cần làm công tác tư tưởng hợp lý để con cái có thể tự nhận thức, tự lựa chọn cách hành xử và trưởng thành. Chuyện tình yêu tuổi học trò không nên cấm cản làm gì, vì dẫu sao đó cũng là lựa chọn của chúng. Cha mẹ sao không thử xem mình là một người bạn giúp đỡ con khi chúng gặp khó khăn hơn là áp đặt cuộc sống của chúng.

Phụ huynh hãy thử tạo điều kiện để các con yêu nhau trong sáng, không phải đề phòng, lén lút, cứ thoải mái về nhà chơi, ăn cùng gia đình. Để con và bạn của con được thoải mái, không phải đề phòng thì sẽ giúp phụ huynh nắm bắt từ đó điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của con nếu như các con quá đà.

Ở lứa tuổi 13, 14 là lứa tuổi đang muốn chứng tỏ mình đã lớn, thích làm ngược lời cha mẹ, dễ nghe lời bạn bè. Vì thế, chỉ cần ngăn cấm, đánh mắng, con sẽ lập tức phản kháng bằng những hành động bồng bột, nông nổi, nhẹ thì cãi lại, nặng hơn thì bỏ nhà đi, rất nguy hiểm.

Do đó chúng ta nên giáo dục và phổ cập kiến thức cũng như cách hành xử đúng mực cho con cái mình. Thanh xuân giống như những cơn mưa rào, khi cơn mưa ấy đi qua cuốn theo những ký ức của một thời tuổi trẻ mộng mơ. Hãy để con có những ký ức đẹp nhất và có trải nghiệm để phát triển về tình yêu.

Vậy thì sao phải "ngăn sông cấm chợ", chúng ta chỉ nên chuẩn bị những hành trang bước vào đời để con trẻ không bị cám dỗ và có nhìn nhận thực tế hơn trong chuyện tình cảm; giúp con biết tự bảo vệ mình, tránh gây ra hậu quả đáng tiếc.

Hạ Linh

Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi bài viết về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm