Con ngoan trò giỏi thành kẻ nghiện game…
(Dân trí) - Một người trưởng thành mê game đã khó dứt được mấy trò chơi đầy mê hoặc ấy huống gì là bọn trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới".
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh phải làm quen với việc học tập trực tuyến suốt thời gian dài. Các con sử dụng điện thoại và máy tính ở phần lớn thời gian trong ngày để học tập, kết nối. Mối nguy trẻ sa đà vào game online và các trò tiêu khiển thiếu lành mạnh manh nha từ đây.
Tôi nhớ mãi câu chuyện buồn của Hiệu, cậu học trò nức tiếng là con ngoan trò giỏi đã sa ngã thành kẻ nghiện game. Tất cả thay đổi không ngờ sau khi con được bố mẹ sắm cho "dế cưng" hiện đại, sành điệu. Chuyện xảy ra đã hơn hai năm vẫn khiến tôi giật mình và cảnh báo phụ huynh học sinh mỗi dịp gặp mặt.
Hiệu là lớp phó phụ trách học tập của lớp. Con ngoan ngoãn, học giỏi và có tinh thần trách nhiệm rất cao đối với công việc của lớp và trường. Con còn là "gà cưng" của đội tuyển học sinh giỏi toán, máy tính cầm tay. Đầu năm học lớp 8, con vẫn hòa mình vào hoạt động trường lớp và say mê việc học.
Đùng một cái, Tết xong, việc học của Hiệu sa sút hẳn. Nhiều giáo viên bộ môn đánh tiếng về sự bê trễ trong bài tập, lơ đễnh trong giờ học cùng hiện tượng ngáp ngắn ngáp dài liên miên. Tôi chủ động liên lạc với phụ huynh và dò hỏi mới được biết con đang say sưa trong thế giới riêng ở điện thoại.
Sau lời cảnh báo của tôi, bố mẹ Hiệu vẫn chủ quan về việc con sa đà vào điện thoại, mọi người nghĩ đơn giản là con trai mình vừa được sắm điện thoại nên mê mẩn và say sưa khám phá rồi sẽ nhanh chóng chán và quay lại tập trung việc học. Bố mẹ con cũng hứa là sẽ để ý và nhắc nhở con sử dụng điện thoại hợp lý.
Nhưng rồi tình hình ngày càng tệ hơn. Các bạn trong lớp bảo Hiệu đang say sưa với trò chơi "đột kích", "liên minh"… Những tựa game mà tôi chưa hề biết đến. Rồi con trốn mấy tiết cuối rồi trốn học nguyên buổi. Bố mẹ con tức tưởi chạy đến trường khóc nghẹn sau những cuộc gọi của tôi rồi tỏa đi các quán game để tìm con.
Đe nẹt cũng có, khuyên nhủ cũng nhiều, chỉ tiếc là game online không còn đơn thuần là trò giải trí mà là "cơn nghiện" chiếm trọn tâm trí của cậu bé đang trên đà sa sút, bỏ rơi việc học. Bố mẹ con tịch thu điện thoại rồi mỗi bữa đón đưa con tận cổng trường, theo sát con trong từng tiết học ở trường lẫn thời gian ở nhà suốt một thời gian, cậu bé mới dần dần dứt được game.
Tuy nhiên, sức học giảm hẳn, Hiệu chẳng còn là "lá cờ đầu" trong phong trào trường lớp. Bố mẹ con từng chua chát thốt lên: "Không ngờ một chiếc điện thoại thông minh lại khiến con trai sa ngã và gượng dậy khó khăn đến thế!".
Hiệu chỉ là một trong vô số đứa trẻ đang bị cuốn hút bởi thế giới kết nối không giới hạn, thế giới game kỳ ảo, thế giới của những trào lưu rộ lên đầy cuốn hút khắp nơi nơi. Điện thoại thông minh đem lại vô số tiện ích công nghệ khiến chúng ta mê mẩn rồi nghiện lúc nào không hay.
Một người trưởng thành mê game đã khó dứt được mấy trò chơi đầy mê hoặc ấy huống gì là bọn trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới". Một người trưởng thành nghiện mạng xã hội đã có thể dứt bỏ hoàn toàn mấy trang mạng ngập tràn cảnh sống ảo, nhí nha nhí nhố ấy chưa? Huống hồ gì mấy đứa trẻ đang tuổi tò mò, thích khám phá làm sao biết điểm dừng để không bị sa đà vào thú vui trên mạng mà chỉ sử dụng điện thoại thông minh để kết nối học tập, khai thác tài liệu, phục vụ việc học!
Smartphone đang hỗ trợ tối đa việc học của học sinh trong bối cảnh học trực tuyến nhưng nếu không thể quản được ý thức tự giác của học sinh thì chẳng khác nào khiến giáo viên thêm việc, phụ huynh thêm lo và học sinh thêm nhiều "cơ hội" nghiện…