Con ngã dập môi: Mẹ nổi giận, cô giáo mới xin lỗi

(Dân trí) - Nghe nhiều câu chuyện trẻ mầm non bị bạo hành, tôi thấy xót ruột và bức xúc vì các cháu còn quá nhỏ, cần lắm bàn tay chăm sóc ân cần và lòng yêu trẻ từ các cô giáo đứng lớp, vậy mà...

Ai cũng hiểu, nuôi dạy trẻ con ở cấp mẫu giáo là công việc nặng nhọc, áp lực. Cô giáo mầm non phải kiên trì với nghề nghiệp mình lựa chọn. Có không ít phụ huynh chia sẻ với các cô giáo: "Mình ở nhà còn đánh vật với con, quát tháo, bạt tai khi con lười ăn, mè nheo không vâng lời, cô giáo quản mấy chục cháu làm sao mà tránh khỏi".

Nhưng đấy chỉ là sự đồng cảm trên lời nói vì sự thật những người nói câu này khi con họ chưa bị bạo hành. Tôi dám chắc ít ai giữ được bình tĩnh khi đón con về thấy con tím má, lằn lưng. Ít nhất thì phụ huynh cũng bức xúc vì con mình bị cô đánh, dù bất cứ lý do gì. Cô giáo không thể bì với bố mẹ các cháu ở nhà. Các cô có nghiệp vụ sư phạm, am hiểu tâm lý trẻ con, dù mệt mỏi đến đâu các cô cũng không thể mang các con ra trút giận. Với mỗi ngành nghề đặc thù đều tồn tại những khó khăn riêng, không thể so sánh rồi bao biện cho sai phạm mình mắc phải.

Ở thành phố, nhiều vụ bạo hành trẻ được phanh phui cũng nhờ sự lên án mạnh mẽ của mạng xã hội. Còn ở khu vực nông thôn, không thiếu gì trường hợp con bị đánh mà bố mẹ không dám hé răng vì sợ cô thù ghét con mình. Có những phụ huynh cả gan lên trình bày với cô hiệu trưởng thì được xem là mẫu phụ huynh ngoa ngoắt, con có xây xước một tí mà đã ỏm tỏi lên. Em gái tôi nằm trong trường hợp như thế.

Cuộc gọi điện chừng nửa tiếng, em gái tôi kể lể trong nỗi xót xa và tức giận. Em kể, chồng em đi đón con thấy con sưng vều môi, cô giáo chạy ra bảo "Con anh nghịch quá, tự ngã". Thế là ông bố cục tính này đèo con về tới nhà còn tìm roi vụt con một trận nữa "cho mày chừa nghịch ngợm, láo toét đi". Em gái tôi không phải là người lu loa, muốn vu vạ cho cô giáo mà em bảo là nín nhịn mấy lần rồi. Con em bị thâm tím chân tay, đến đón con thì cô thanh minh là con đi vệ sinh trơn trượt nên ngã, lần thì cô bảo con ra sân nô đùa không may ngã, em đều thông cảm bỏ qua.

Nhưng lần thứ ba này con ngã đau quá, trán con sưng cục, môi chảy máu sưng vều lên, mặt mũi bẩn, cô đã chẳng xin lỗi phụ huynh một câu còn nói hết sức vô trách nhiệm "con nghịch bảo không được nên tự ngã". Trong giờ cô đứng lớp, con em ngã đau như thế mà cô phủi trách nhiệm, đổ lỗi cho một đứa trẻ mới lên 4 tuổi, ngay một lời xin lỗi cô cũng không nói với phụ huynh.

Hôm sau, em tôi tức tốc lên gặp cô hiệu trưởng trình bày thì tận ngày hôm sau nữa, cô giáo đứng lớp mới đến xin lỗi. Em bảo các cô còn đi dò la xem em tôi làm ở đâu, con dâu nhà ông bà nào trong xóm mà "ghê gớm, lắm chuyện" thế. Hóa ra trường mầm non ở làng, hàng chục năm nay chưa có phụ huynh nào "to gan" như em gái tôi, dám lên nói chuyện phải trái với cô hiệu trưởng. Em rể tôi thậm chí còn trốn tránh việc đưa đón con đi học vì xấu hổ với các cô, vì vợ làm to chuyện khiến chú ấy ngại.

Một tâm lý dây chuyền trong gia đình là khi con đi học về bị đau chỗ nọ chỗ kia thì từ ông bà đến bố mẹ trong nhà đều cho đó là lỗi con mình chưa ngoan, không ai dám động vào cô giáo vì sợ cô ghét, bỏ mặc con cháu mình không quan tâm. Ai cũng lo, con cháu còn bé mà không được cô để ý thì thiệt thòi cho đứa trẻ nên đa phần nín lặng bỏ qua. Em kể chị dâu từ Hà Nội về còn bảo "Sao em lại làm thế, sau này còn đứa bé đi lớp nữa, cô giáo bỏ mặc thì chết, chỉ khổ con mình".

Tôi cho em gái lời khuyên, em thấy cái gì tốt cho con thì em làm. Em không có đơn thư kiện cáo, không tung ảnh con bị ngã bầm dập lên mạng xã hội làm ầm ĩ là em đã cư xử rất chín chắn rồi, đừng lăn tăn về thái độ bất mãn của chồng cũng như sự lo lắng thái quá của ông bà nội. Nếu mỗi người đều dung túng cho những việc làm sai thì các cô giáo vẫn nghiễm nhiên cho rằng "vì tôi thương cháu, muốn cháu ăn ngủ đúng giờ, muốn cháu ngoan nên tôi mới đánh con anh chị".

Tôi nghĩ, việc đánh đập trẻ nhỏ vì các cháu quấy khóc, nghịch ngợm, biếng ăn biếng ngủ là biểu hiện của cô giáo vô trách nhiệm, thiếu lương tâm khi đứng lớp. Tôi tự hỏi nếu em gái tôi không nổi giận tìm gặp cô hiệu trưởng thì chắc chắn cô giáo dạy con không đời nào chịu xin lỗi. Có lẽ các cô cho rằng phải xin lỗi phụ huynh khi mình làm sai là tự hạ mình và không bao giờ chủ động tự làm việc đó.

Mỹ Đức

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm