Ý kiến giáo viên:

Còn chuộng thành tích, còn “xin điểm”

(Dân trí) - Tôi có những đồng nghiệp thường xuyên tắt điện thoại mỗi mùa thi, có những người thẳng thừng từ chối chuyện sửa điểm, nâng điểm. Nhưng đổi lại là lời dèm pha “không biết thương trò”, “điểm số trong tay mà không biết tận dụng”, “nâng cho trò một vài điểm có chết ai đâu”…

Dõi theo tâm sự của cô giáo L.T. trong bài viết “Nỗi niềm khi dạy lớp chọn”, tôi nhận ra bóng dáng của tôi cùng những người đồng nghiệp quanh mình về nạn “xin điểm”. Cứ mỗi một mùa thi về, khi học sinh vừa hoàn thành xong các bài kiểm tra cuối năm, giáo viên tất bật với việc chấm chữa bài, vào điểm, thống kê, báo cáo thì những cuộc điện thoại hỏi thăm, nhờ vả lại đến.

Mỗi khi nhấc máy lên nghe giới thiệu rằng đầu dây bên kia là phụ huynh của em này, lớp kia là y như rằng sau những câu từ xã giao vội vàng là lời thăm dò bọn trẻ có làm bài được không, bao nhiêu điểm, có đủ điểm giỏi hoặc khá và thiếu hụt bao nhiêu phẩy nữa…

Thú thật, nhận những cuộc điện thoại đó, chúng tôi “oải” vô cùng. Trò thì em nào cũng thương, nhưng điểm số đã rõ ràng trên giấy trắng mực đen. Vậy nhưng lời nhờ vả xin điểm của phụ huynh vẫn vang lên liên tục trên máy điện thoại rồi chuyển sang nhắn tin, hẹn gặp. Mà đâu chỉ có trường chuyên lớp chọn mới xin điểm, ngay tại các trường phổ thông, trong các lớp học đại trà vẫn tồn tại nạn “xin - cho”.

Đặc biệt là những năm cuối cấp, khi học bạ là một trong những “chiếc vé” ưu tiên để xét tuyển cộng điểm cùng với bài thi chuyển cấp, tốt nghiệp thì tình trạng xin điểm này càng chóng mặt hơn. Bởi vậy mới có tình trạng hàng loạt học bạ “đẹp như mơ” với cơn mưa điểm 10 ở tiểu học, học bạ lớp 9 và lớp 12 có điểm số tăng đột biến. Tất cả không thể nào là lẽ tự nhiên vốn thế mà chắc chắn rằng đằng sau có “bàn tay phù phép” của giáo viên, lời gửi gắm của phụ huynh. 

Tôi có những đồng nghiệp thường xuyên tắt điện thoại mỗi mùa thi, có những người thẳng thừng từ chối chuyện sửa điểm, nâng điểm. Nhưng đổi lại là lời dèm pha “không biết thương trò”, “điểm số trong tay mà không biết tận dụng”, “nâng cho trò một vài điểm có chết ai đâu”…

Phụ huynh đã ví đó là những thầy cô có “trái tim sắt đá” đã làm con họ vuột mất danh hiệu thi đua, hẹp cửa trong thi cử chuyển cấp… Đáng buồn biết bao nhiêu!

Thi đua lập thành tích trong dạy học là một phong trào lớn, đúng đắn của ngành giáo dục. Nhưng khi thi đua không công bằng thì sẽ tồn tại song song thành tích thật và thành tích ảo. Thành tích thật sẽ là động lực để đổi mới nước nhà, dựng xây con người tương lai. Ngược lại, thành tích ảo sẽ là lực cản không hề nhỏ cho bất kỳ sự chuyển động nào của quá trình đổi mới, sáng tạo.

Thử hỏi học sinh có biết năng lực thật của bản thân không thì hẳn là các em sẽ tường tận hơn ai hết. Khi bố mẹ can thiệp để sửa điểm, nâng danh hiệu, chưa chắc gì các em đã thật sự tự hào với tấm bằng khen mà các em được nhận. Và bằng việc xin điểm, nâng điểm, chính người lớn đã dạy cho các em làm quen với sự giả dối, thiếu trung thực. Điều này thật sự nguy hại, không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai lâu dài của bọn trẻ! 

Tiếc rằng trong bối cảnh nhà nhà chuộng bằng cấp, người người chuộng điểm số như hiện nay thì tình trạng xin điểm sẽ còn tha hồ đâm chồi tươi tốt trên “mảnh đất màu mỡ” - bệnh thành tích!

Toàn ngành giáo dục đã phát động phong trào “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục” nhưng để xóa triệt để căn bệnh này thì không chỉ mỗi nhà trường và giáo viên phải nỗ lực! Chính phụ huynh và gia đình phải thay đổi quan niệm của mình về điểm số, thành tích!

Nguyễn Thùy

(Thừa Thiên Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm