Con chúng ta có đang cô đơn không?

Hoài Nam

(Dân trí) - Một cô bé học lớp 6, rạch tay tứa máu rồi chụp hình, chia sẻ trên một diễn đàn. Em kể, mỗi lần làm như vậy, em nhận được sự quan tâm, lo lắng từ người lạ trên mạng, em thấy bớt cô đơn hơn.

Từ câu chuyện của cô bé, rạch tay để nhận được quan tâm, hỏi han, tôi giật mình khi nhìn cậu con trai đang ngủ say trong đêm. Lần đầu tiên tôi quặn lòng tự hỏi: "Con chúng ta có đang cô đơn không?".

Con trai tôi 6 tuổi, vừa kết thúc bậc mầm non tại TPHCM. Bao năm nay, cuộc sống thường nhật của cháu là hằng ngày đến trường, chiều tối quanh quẩn vui chơi ở nhà, ở sân chơi ở chung cư. 

Con chúng ta có đang cô đơn không? - 1

Trẻ nhỏ thời hiện đại thiếu không gian, môi trường tương tác (Ảnh minh họa)

Những người bạn cùng lớp thì chỗ ở mỗi người một nơi, chỉ có thể gặp nhau ở trường. Phụ huynh nào kết nối với nhau thì lâu lâu các con giao tiếp bằng cách gọi điện.

Sống ở chung cư, chúng tôi có khá nhiều không gian, môi trường chung cho trẻ nhưng việc giao tiếp, vui chơi với trẻ không dễ dàng. 

Có lần, cháu bắt được một con dế. Cháu sang khoe em Bon cạnh nhà, rủ em chơi cùng thì bố mẹ Bon hất hất: "Dơ lắm, con về vứt nó ngay! Bon tránh ra!". Cháu ỉu xìu quay về, còn cu Bon ở bên kia gào khóc: "Con dế, con dế! Con muốn con dế!"

Nhiều lần, cháu từ hàng xóm chạy về thở dài: "Các anh chị bận chơi game hết rồi". 

Những ngày cuối tuần, bố mẹ nếu không bận rộn đi làm cuối tuần thường sẽ tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt, tám chuyện, lên mạng... Những đứa trẻ trở thành "kẻ bên lề", bố mẹ dễ dàng thả con cho game hoặc tivi để được rảnh tay. 

Con chúng ta có đang cô đơn không? - 2

Nhiều trẻ nhỏ đang đối diện với nỗi cô đơn kiệt quệ không chỉ từ tác động của đời sống hiện đại mà cả từ sự vô cảm của bố mẹ (Ảnh minh họa)

Chúng ta hay nói, dành những gì tốt đẹp cho trẻ em nhưng có lẽ không phải vậy, ngay từ gia đình, ngay từ bố mẹ. Hình ảnh trẻ nhỏ làm bạn với điện thoại, máy tính mọi lúc mọi nơi đã trở nên quá thân quen đến mức trở thành bình thường.

Người lớn chúng ta hiện nay rất dễ dàng đến dễ dãi khi nhiệt tình, thương cảm, sốt sắng, lên án, bức xúc thậm chí chửi bới một con người, hành vi nào đó trên mạng xã hội. Chúng ta say sưa  với điện thoại, máy tính để share, bình luận, phản hồi... Trong khi, có thể con chúng ta đang gào khóc níu tay bố mẹ: "Chơi với con!" rồi bị hất ra phũ phàng... 

Một học trò ở TPHCM từng kể trước một tọa đàm: "Con muốn nói chuyện gì với bố mẹ, thì phải ghi lên giấy dán ở cửa tủ lạnh vì bố mẹ con không có thời gian". 

Hay một nữ sinh khác, đang phải cai nghiện game online, đã bật khóc khi chia sẻ: "Lịch học của em từ sáng đến tối và hàng ngày, bố mẹ chỉ nhắc mỗi chuyện "Lo học đi". 

trong nếp sinh hoạt đó, bố mẹ dùng những buổi phim, ăn uống, đi trung tâm thương mại hay đi du lịch xô bồ và vội vã như một sự bù đắp cho con. 

Trẻ thiếu thốn giờ đây không chỉ là những đứa trẻ mồ côi, nghèo khó, không được đến trường mà là còn là những đứa trẻ bề ngoài tưởng như đủ đầy nhất. 

Trẻ cô đơn không chỉ là chuyện không ai chơi cùng, phải làm bạn với điện thoại, máy tính, với game, với những trang youtube hay vô số trang độc hại. 

Trẻ cô đơn là khi bố mẹ không cho con động tay động chân vào việc nhà với những mệnh lệnh tưởng như cao cả: "Con chỉ cần học, cả thế giới đã có bố mẹ lo".

Trẻ cô đơn là khi chúng bị áp đặt, bị gánh những kỳ vọng, phi lý đến tàn nhẫn của người lớn. 

Trẻ cô đơn là khi tiếng nói, nỗi lòng của chúng bị gạt đi; trẻ cô đơn là khi không được nêu lên quan điểm, ý kiến; trẻ cô đơn khi mất đi sợi dây kết nối với chính những người sinh thành... 

Rất nhiều trẻ hiện nay không còn mang nỗi lo thiếu ăn, thiếu mặc, thậm chí có hội chứng trẻ thừa thãi vật chất.

Nhưng trẻ cô đơn là khi bố mẹ dành cho con rất nhiều thứ vật chất tốt nhất, đắt tiền nhất nhưng chúng không thể nào cảm nhận được tình yêu của bố mẹ dành cho mình.

Con chúng ta có đang cô đơn không? - 3

Trẻ luôn cần sự kết nối với người thân, bạn bè 

Nhiều người đổ lỗi con trẻ hiện nay vô cảm, vô ơn nhưng bên trong đó là một sự trống rỗng cùng kiệt từ tác động của người thời đại và cả từ sự vô tâm của người lớn. 

Ít ai biết rằng, bỏ bê trẻ, không tương tác với trẻ, không chơi với trẻ cũng là hình thức bạo hành trẻ nhỏ. 

Một chuyên gia tâm lý tại TPHCM bày tỏ, rất nhiều vấn đề bất ổn của con trẻ như chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, nghiện game online cho đến quan hệ tình dục bầy đàn, trầm cảm... với nhiều trẻ như là một lối thoát, một cách chống chọi lại với thực thế phải đang đối diện. Với rất nhiều trường hợp đó là dấu hiệu của tình trạng mất quân bình trong giao tiếp giữa bố mẹ và trẻ. 

Ngoài kia có nhiều cạm bẫy, nguy cơ với trẻ nhỏ. Nhưng có lẽ, không có điều gì đáng sợ hơn với một đứa trẻ bằng sự thờ ơ, vô tâm từ chính bố mẹ...