Bạn đọc viết:
“Con chỉ mong ba mẹ đừng so sánh với con người ta”
(Dân trí) - Một buổi sáng, mới có 5h sáng, chuông điện thoại nhà tôi đã đổ dồn. Tôi ngáp ngắn, ngáp dài bước dậy bốc điện thoại. Đầu dây đằng kia là giọng thổn thức của cô bé học trò…
“Cô ơi, con buồn lắm. Suốt tối qua, ba mẹ la rầy con không tiếc lời. Lí do là con không đạt học sinh giỏi. Chưa kể, mẹ còn đem chuyện học hành của con ra để so sánh với bạn Thanh Vy gần nhà. Kiểu này chắc em chết quá”. Nói rồi em lại thổn thức khóc rồi nấc lên.
Cô bé này là học trò lớp 9 của tôi, em học khá và rất ngoan. Học kì 1 vừa rồi, điểm tổng kết trung bình môn em đạt 8,3. Tuy nhiên, em lại bị điểm thấp ở môn tiếng Anh. Thế là em rớt danh hiệu học sinh Giỏi.
Ngay khi biết điểm, mẹ em đã mắng em không tiếc lời. Mẹ trách em lười học nên kết quả mới vậy. Em cũng đã xin lỗi mẹ và hứa sẽ cố gắng ở học kì 2. Vậy mà mẹ em vẫn rất tức giận. Suốt buổi tối, cả ba và mẹ đều mắng em về tội chểnh mảng chuyện học hành. Mẹ bảo em ăn gì mà học ngu thế. Điều em buồn nhất là mẹ cứ so sánh chuyện học của em với người này, người kia.
Cứ thế, em kể về những nỗi khổ của mình từng trải qua. Chỉ cần điểm số của em thấp một chút là mẹ mắng ngay. Thấy ai khoe con học giỏi mẹ cũng hậm hực mắng em không tiếc lời. Thực tế, em vẫn biết là mẹ thương em nên mới thế thôi. Mẹ chỉ mong sau này chúng em có cuộc sống tốt hơn mẹ. Điều này thì em rất hiểu mẹ. Thế nhưng em không muốn mẹ suốt ngày so sánh việc học hành của em với con người ta. Em chỉ mong mẹ hiểu rằng, sức học của em chỉ có thế. Em đã cố gắng hết sức rồi. Em là em chứ không phải là bạn Quỳnh, bạn Vy.
Nghe em nói với giọng giàn giụa nước mắt, tôi bỗng giật mình về câu nói quen thuộc của mình khi dạy con trước đây. Đã không ít lần tôi thường sử dụng cụm từ này. Thỉnh thoảng tôi vẫn thường nói với các con: “Các con thấy không, bạn An có hoàn cảnh khó khăn như vậy mà vẫn rất nỗ lực trong học tập. Bạn Yến chẳng được học thêm mà vẫn đạt học sinh giỏi huyện. Còn các con thì sao, mẹ thất vọng về các con quá.”
Và rồi, tôi chỉ thực sự tỉnh ngộ trong một lần cô giáo chủ nhiệm của con cho đọc bức thư nói về ước mơ của con. Con đã viết rằng: “Ước gì mẹ đừng so sánh việc học tập của con với ai. Con sợ nhất mẹ hay so sánh con với những bạn trong xóm...”. Sau đó, tôi đã xin lỗi con và hứa không bao giờ dùng cụm từ ấy nữa.
Trong cuộc sống, khi dạy con, nhiều bậc phụ huynh thường hay so sánh với con người ta. Mục đích chính là để mong các con cố gắng học hành hơn. Phụ huynh chúng ta thường nghĩ đấy là những tấm gương sáng để các con học hỏi, noi theo. Vậy mà ai ngờ rằng, cụm từ “con người ta” lại trở thành nỗi ám ảnh ghê gớm trong lòng những đứa trẻ. Đã không ít em bị tổn thương và trở nên tự ti cũng vì chuyện so sánh này.
Và cũng có rất nhiều bậc phụ huynh thường nhìn thành tích con người ta rồi về nhà bực bội và chì chiết con mình không tiếc lời. Lúc nào họ cũng lấy con người ta ra để đem so sánh với con mình. Cuối cùng là con khổ, rồi mình cũng khổ theo.
Các bậc phụ huynh ơi, xin đừng hơn thua nhau về điểm số nữa. Thực tế mỗi đứa trẻ sẽ có những thế mạnh khác nhau. Điều quan trọng là cha mẹ cần phát hiện ra điểm mạnh của con và động viên chúng phát huy điểm mạnh ấy. Xin đừng nhìn con người ta rồi lại hậm hực về trách mắng con mình.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!