Cô thủ khoa nghèo miền sơn cước

(Dân trí)-Nhà xa trường hơn 20km, mỗi tuần Lê Thị Thoa chỉ xin bố mẹ 50 nghìn tiền ăn, bữa cơm của em là ít rau, lạc rang mang từ nhà đi. Vượt lên khó khăn, Thoa luôn nỗ lực học tập và em vừa đỗ thủ khoa khối C ĐH Luật Hà Nội, trong đó hai môn Văn và Địa đều 9 điểm, Sử 8,25 điểm.

Từ khi biết tin em Lê Thị Thoa (học sinh lớp chuyên Sử Địa, Trường THPT Chuyên Biên Hòa, Hà Nam) đậu thủ khoa khối C Trường ĐH Luật Hà Nội, người dân ở xóm 2 (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) cũng vui lây với cô học trò nhà nghèo chăm ngoan, học giỏi và giàu nghị lực vượt khó. Thoa đạt tổng 26,5 điểm (làm tròn) trong đó Văn và Địa đều 9 điểm; Sử 8,25 điểm.

 Cô học trò nghèo Lê Thị Thoa với niềm vui đỗ thủ khoa
 Cô học trò nghèo Lê Thị Thoa với niềm vui đỗ thủ khoa khối C Đại học Luật Hà Nội.

Cô học trò giỏi Sử

Sau khi đọc bài viết trên báo điện tử Dân trí, nhiều bạn đọc ngỏ ý muốn liên hệ để động viên, chia sẻ với em Lê Thị Thoa. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi xin đăng tải số điện thoại của em Thoa: 01665 422 097 (địa chỉ:  xóm 2, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam)

Quê Thoa ở Ba Sao - thị trấn miền núi của huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), tiếp giáp với huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình). Người dân ở đây vốn còn khó khăn, gia đình Thoa cũng không phải là ngoại lệ.

Thoa sinh ra trong một gia đình có hai anh chị em, gia đình chuyển đến khu tái định cư mới, cuộc sống vốn khó khăn vất vả, cả gia đình bốn người đều chỉ dựa vào ít ngô, sắn từ việc làm đồi núi. Cuộc sống ngày càng vất vả hơn khi anh trai Thoa mất đi trong một vụ tai nạn. Gia đình vốn đã neo người lại càng vắng vẻ và khó khăn chồng chất.

Chỉ còn lại đứa con duy nhất trong nhà nên bố mẹ dồn hết tình yêu thương cho Thoa. Với quan niệm học tập chính là con đường duy nhất để thoát khỏi đói nghèo, bố mẹ Thoa luôn động viên con cố gắng học tập thật tốt. Đền đáp tấm lòng bố mẹ, Thoa luôn chăm chỉ học hành và đạt được những thành tích cao trong học tập.


Sau 9 năm theo học ở xã, đến kỳ thi cấp 3, biết con mình học lực giỏi, nên bố mẹ quyết định cho em đăng ký dự thi vào Trường THPT Chuyên Biên Hòa của tỉnh Hà Nam. Nhà cách trường hơn 20km, sống ở thành phố mọi thứ lại đắt đỏ, đằng sau đó là món nợ xây nhà ở khu tái định cư chưa trả xong, nhưng bố mẹ Thoa vẫn cố gắng bòn từng đồng nuôi con 3 năm học, mong con mình sẽ học thật giỏi để sau này có công ăn việc làm ổn định phụ giúp gia đình.
 
Vui vì con thi đậu ĐH, nhưng phía trước bố mẹ Thoa là cả một chặng đường khó khăn
Vui vì con thi đậu đại học, nhưng phía trước bố mẹ Thoa là cả một chặng đường khó khăn.

Trong những năm học cấp 3, cứ cuối tuần Thoa lại đạp xe hơn 20km về nhà, vào ngày mùa thì giúp bố mẹ thu hoạch ngô, sắn. Cũng trong 3 năm học mỗi tuần Thoa chỉ xin bố mẹ đúng 50 nghìn tiền ăn uống, bữa cơm của cô học trò nghèo chủ yếu chỉ là ít rau với ít lạc mang từ nhà đi. Khó khăn đủ đường, nhưng chưa bao giờ em nghĩ sẽ chùn bước trên con đường học tập.

Nhìn vào bảng thành tích học tập của Thoa mới thấy thêm thán phục cô học trò nghèo này, 12 năm liền là học sinh giỏi, năm lớp 9 và 12 đạt giải Nhất môn Sử cấp tỉnh, lớp 10 và lớp 11 đạt giải Ba môn Sử trong kỳ thi học sinh giỏi duyên hải đồng bằng Bắc Bộ, lớp 12 đạt giải Nhất môn Sử quốc gia...

Được xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhưng ước mơ của Thoa là được làm luật sư, nên trong kỳ thi tuyển sinh Đại học vừa qua, Thoa đăng ký dự thi vào trường ĐH Luật Hà Nội. Kết quả là em đã xuất sắc giành ngôi thủ khoa khối C.

Thoa tâm sự: “Lúc đầu em định dự thi vào Học viện An ninh hoặc Học viện Cảnh sát Nhân dân để bố mẹ em đỡ vất vả, nhưng do chiều cao không đủ nên em đăng ký vào khoa Luật Kinh tế của ĐH Luật Hà Nội. Em chỉ đặt mục tiêu sẽ thi đậu, kết quả đỗ thủ khoa làm em hơi bất ngờ, nhưng em rất vui vì đã không phụ lòng bố mẹ”.

“Con không đậu cũng lo, đậu rồi càng lo hơn”

Trong niềm vui, niềm tự hào về người con gái giỏi giang của mình, nhưng trước mắt bố mẹ Thoa là những chuỗi ngày khó khăn. Anh Lê Văn Trường - bố Thoa tâm sự: “Nói thật với các anh là nhà ai có con cái đaauj đại học mà không mừng, không vui. Nhưng gia đình tôi khó khăn quá, ngoài ít ngô, ít sắn, hai vợ chồng chỉ dựa vào việc làm đi phụ hồ, mà công việc bấp bênh quá, không ổn định. Nhưng hai vợ chồng tôi cũng đã quyết tâm sẽ cho cháu theo học đến cùng, dù có khó khăn đến mấy”.

Ngày Thoa đi thi đại học, hai vợ chồng anh Trường đi tìm việc khắp nơi, ai thuê gì cũng làm, cố gắng gom góp, chắt chiu từng đồng một cũng chỉ được gần 2 triệu để làm lộ phí lên Hà Nội.

 7 điều Thoa đặt ra trong khi ôn tập và làm bài thi
Thoa đặt ra 7 điều trong khi ôn tập và làm bài thi

Ngay chính thời điểm học cấp ba, thương bố mẹ vất vả, nên vào đợt hè ngoài việc đi học, Thoa xin đi làm thuê kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, ngay cả tiền học bổng của trường Thoa cũng mang về đưa cho bố mẹ hoặc trích ra một ít mua sách về học chứ không dám tiêu hoang phí.

Để có thành tích học tập như ngày hôm nay, Thoa phải trải qua quá trình rèn luyện bản thân vất vả, cô học trò không ngần ngại chia sẻ về phương pháp học tập của mình. Mỗi ngày ngoài việc học trên lớp, Thoa ngồi vào bàn học từ 6h tối đến 12h đêm dành cho môn Địa, từ 12h đêm đến 2h sáng dành cho môn Văn, sau đó Thoa ngủ đến 5h sáng và tiếp tục học môn Sử đến 6h sáng.

Thoa chia sẻ: “Theo em học khối C không nên học theo kiểu thuộc lòng, chúng ta cần phải hiểu được bản chất của mỗi bài học và cái quan trọng nhất là đam mê, chứ không nên ép bản thân. Trong các môn thì môn Địa, em thấy khô khan nên em dành thời gian nhiều hơn, khi học Địa cần kết hợp với atlat địa lý sẽ thấy thú vị hơn nhiều, môn Văn thì cần hiểu bản chất, cốt truyện của bài văn, nắm vững kiến thức. Với môn Sử, em học theo cách cổ điển là sự kiện quan trọng, ngày tháng em viết vào giấy dán khắp nơi... Ngoài ra em còn đặt ra 7 điều trong khi làm bài thi”.

Để giải tỏa những áp lực trong học tập mỗi khi căng thẳng, cô thủ khoa tiết lộ: "Mỗi lúc bị áp lực em thường thì em đóng cửa phòng lại rồi múa một mình. Nếu không thì em lại đi mượn tiểu thuyết đọc, đọc tiểu thuyết với em cũng có hai mặt, cái lợi là em làm giàu được vốn ngôn ngữ, nhưng đó cũng là cái bất lợi với em vì em quá mê tiểu thuyết, nhiều lúc em đọc quên cả học".

Ngoài sự động viên của bố mẹ, động lực từ hoàn cảnh gia đình thúc đẩy Thoa học tập, còn phải kể đến sự động viên giúp đỡ của các thầy cô trong trường đã giúp Thoa rất nhiều kể trong việc học tập lẫn trong cuộc sống.

Sau 12 năm đèn sách, giấc mơ tiến đến giảng đường đại học của Thoa đã thành hiện thực. Nhưng với hoàn cảnh gia đình khó khăn không biết rồi đây cô thủ khoa khối C Đại học Luật Hà Nội có đủ sức bước tiếp trên con đường đã chọn...

Đức Văn
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm