Đắk Lắk:
Có nên nhân rộng phạt học sinh vi phạm luật giao thông bằng "thụt xì dầu"?
(Dân trí) - Trước việc công an xử phạt học sinh đi xe đạp điện chở 3, không đội mũ bảo hiểm bằng hình thức yêu cầu các em "thụt xì dầu", đã có nhiều ý kiến trái chiều liên quan hình thức xử lý này.
Vừa qua, đoạn clip ngắn ghi hình 3 học sinh (khoảng 13-14 tuổi) đang bị Cảnh sát cơ động (CSCĐ) - Công an tỉnh Đắk Lắk xử phạt về hành vi vi phạm luật giao thông gây xôn xao mạng xã hội.
Theo đó, 3 học sinh đi xe đạp điện kẹp 3 và không đội mũ bảo hiểm trên đường Hùng Vương (TP Buôn Ma Thuột). Khi phát hiện, các chiến sĩ CSCĐ đã yêu cầu các em xuống xe, phạt "thụt xì dầu" (đứng lên ngồi xuống) 20 cái và cam kết không tái phạm.
Sau khi đoạn clip đăng tải rất nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm xử phạt "siêu đáng yêu" của các chiến sĩ công an và cho rằng đây sẽ là bài học "nhớ đời" cho các em thuộc độ tuổi thiếu niên.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng liệu việc xử lý có phần "nhẹ nhàng" này liệu đã đủ sức răn đe và cần gắn thêm trách nhiệm của phụ huynh đối với các em vi phạm.
Anh Mai Văn Cường (34 tuổi, ngụ phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) cho biết, anh rất hài lòng về cách xử lý của các chiến sĩ CSCĐ vừa mang tính răn đe các em vi phạm, vừa nhắc nhở để các em biết lỗi và cam kết không xử phạt.
"Theo tôi ở độ tuổi dậy thì 13-14 tuổi, việc xử phạt này rất hợp lý, không quá căng thẳng nhưng vẫn cho các em ghi nhớ lỗi vi phạm. Ở đây các chiến sĩ công an đã linh hoạt trong việc xử phạt và tạo điều kiện cho các em sửa sai", anh Cường cho hay.
Trái với quan điểm trên, chị Võ Thị Linh Chi (29 tuổi, ngụ xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) cho rằng: Việc xử phạt trẻ ở độ tuổi vị thành niên nên mời cả phụ huynh và nhà trường nơi các cháu học tập cùng đến làm việc để phối hợp trong việc giáo dục con em mình mới thực sự hiệu quả.
Bà Lê Thị Thảo - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD - ĐT Đắk Lắk - cho rằng, các chiến sĩ CSCĐ đã xử lý các học sinh vi phạm giao thông bằng cách yêu cầu "thụt xì dầu" là hình thức giáo dục tích cực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Tuy nhiên, bà Thảo cũng trăn trở nếu việc xử phạt này nếu lặp lại nhiều lần, liệu có đủ sức răn đe với các em hay không? hay sẽ phải chọn hình thức phù hợp theo quy định?
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk - cho biết: Hình thức xử phạt của các chiến sĩ CSCĐ đã tạo nên hai luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
"Việc xử phạt bằng cách hướng dẫn, nhắc nhở và yêu cầu các em "thụt xì dầu" để nhớ, không tái phạm về mặt giáo dục đó là hình thức kỷ luật tích cực, nhưng hình thức này không có trong các quy định. Do đó, khi xử lý các vụ việc theo quy định sẽ tạo sự đồng thuận mà không tạo ra những luồng ý kiến trái chiều", ông Khoa bày tỏ quan điểm.
Cũng theo ông Khoa, với hình thức phạt "thụt xì dầu", các gia đình có thể áp dụng cho con, cháu khi phạm lỗi để vừa răn đe vừa để rèn luyện thể lực cho các em.
Trước đó, lãnh đạo Phòng CSCĐ, Công an tỉnh Đắk Lắk cho rằng với việc vi phạm giao thông ở lứa tuổi vị thành niên, theo quy định, bố mẹ sẽ phải đóng phạt, phía công an có thông báo gửi nhà trường… Hình phạt này khả năng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các em. Do đó, các chiến sĩ yêu cầu "thụt xì dầu" để nhắc nhở, yêu cầu không tái phạm.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng nêu rõ quan điểm, với những trường hợp thiếu niên vi phạm nghiêm trọng như đua xe, lạng lách, đánh nhau, phá phách… phải cương quyết xử lý nghiêm.