Cơ hội khởi nghiệp hậu Covid-19 cho chị em học ngành chăm sóc sắc đẹp
(Dân trí) - Theo các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp, ngành chăm sóc sắc đẹp là ngành dễ học, dễ khởi nghiệp nhất cho lao động nữ. Nhu cầu làm đẹp của người dân hiện nay rất cao.
Nhiều cơ hội việc làm
Trao đổi tại hội thảo "Việc làm - Cơ hội khởi nghiệp của phụ nữ thời kỳ hậu Covid-19" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, các chuyên gia lao động và giáo dục nghề nghiệp đều chung nhận định là Covid-19 đã khiến rất nhiều lao động nữ mất việc làm.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch Covid-19 là các ngành dịch vụ, lưu trú, ăn uống... Đây lại là nhóm ngành có tỷ lệ lao động nữ rất cao và chủ yếu là lao động phổ thông, không có tay nghề. Do đó, sau thời gian giãn cách, họ cũng khó tìm được việc làm, cần đào tạo nghề phù hợp để tạo công ăn việc làm mới.
Phát biểu tại hội thảo, cô Bùi Thị Tháp, giảng viên ngành chăm sóc sắc đẹp cho biết, chăm sóc sắc đẹp là một ngành rất phù hợp với chị em phụ nữ vì đa dạng nghề cho mọi lứa tuổi.
Theo cô Tháp, hiện nhu cầu làm đẹp của người dân Việt Nam rất lớn, các cơ sở làm đẹp xuất hiện ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở các đô thị lớn như TPHCM thì ngành này càng phát triển. Loại hình kinh doanh này cũng rất đa dạng, từ các tiệm tóc, tiệm móng, tiệm trang điểm nhỏ cho đến những cơ sở kinh doanh quy mô như spa, thẩm mỹ viện, salon...
Cô Bùi Thị Tháp cho rằng, nhờ nhu cầu cao và cơ sở kinh doanh đa dạng mà người học ngành này rất dễ kiếm việc làm. Thậm chí, họ có thể dễ dàng khởi nghiệp khi có tay nghề vững chắc với những cơ sở kinh doanh nhỏ cũng có thu nhập ổn định ở mức trung bình khá so với làm công nhân phổ thông.
Điều đặc biệt là ngành này có những khóa đào tạo sơ cấp, ngắn hạn với thời gian chỉ từ một vài tháng là có thể ra nghề, người học có thể làm được việc nên quá trình đào tạo, chuyển đổi nghề có thể thực hiện rất nhanh, hiệu quả, ít tốn kém chi phí đào tạo.
Ngoài ra, với những lao động học chuyên sâu lên trung cấp và có vốn ngoại ngữ thì có rất nhiều cơ hội xuất ngoại làm việc vì ngành này nằm trong nhóm ngành xuất khẩu lao động, rất được thị trường các nước ưu chuộng.
Học viên giỏi trong ngành còn có nhiều cơ hội tiếp xúc với các giới nổi tiếng, người đẹp, tạo dựng các mối quan hệ trong kinh doanh nên cơ hội phát triển nghề nghiệp rất lớn.
Ngành học rộng, có thể làm nhiều việc
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Hiệu phó phụ trách trường Trung cấp Lê Thị Riêng, ngành chăm sóc sắc đẹp hệ trung cấp thì thời gian học mất 1,5 năm, nhưng ở hệ sơ cấp và đào tạo ngắn hạn thì thời gian chỉ từ 1 đến 3 tháng.
Đặc biệt là ở hệ sơ cấp, ngành này được chia thành nhiều nghề cơ bản rất cụ thể như: Trang điểm; Cắt - Uốn tóc; Kỹ thuật chăm sóc da; Kỹ thuật làm móng... Học một nghề thành thạo là đã có các kỹ năng cần thiết để làm việc tại các cơ sở làm đẹp, hoặc tự mở cơ sở kinh doanh.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh cho rằng, học viên ngành chăm sóc sắc đẹp có thể làm rất nhiều việc như: Quản lý, kinh doanh, chủ các salon, studio, spa; Chuyên viên thẩm mỹ, đào tạo và tư vấn viên cho các doanh nghiệp mỹ phẩm; Chuyên viên thẩm mỹ cho studio, hãng phim, đài truyền hình, show thời trang, báo, tạp chí; Chuyên viên thẩm mỹ độc quyền cho ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ; Giáo viên tại trường và trung tâm thẩm mỹ…
Về mức thu nhập, cô Bùi Thị Tháp cho biết, một kỹ thuật viên ở spa cũng có mức thu nhập khởi điểm từ 7-15 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào tay nghề.
Theo Hiệu phó trường Trung cấp Lê Thị Riêng, cơ hội làm việc tại nước ngoài của học viên ngành này hiện nay rất cao. Trường Lê Thị Riêng cũng như nhiều trường trung cấp khác đều nhận thấy nhu cầu này nên đang đầu tư trọng điểm cấp độ ASEAN cho ngành chăm sóc sắc đẹp nhằm đào tạo học viên đạt yêu cầu đưa sang các nước làm việc.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh cũng đánh giá điểm ưu việt của ngành này là lao động nữ có thể khởi nghiệp rất dễ dàng và thuận tiện, phù hợp ở cả đô thị lẫn nông thôn. Phụ nữ học nghề này chỉ cần một mặt bằng nhỏ là có thể khởi nghiệp, hoặc có thể làm việc tại nhà để có thể tiện việc chăm sóc con cái, gia đình.
Theo ông Nguyễn Tấn Huy (Tổng thư ký Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Vườn ươm khởi nghiệp Việt), trong các dịch vụ truyền thống mà phụ nữ có thể khởi nghiệp thì nhóm nghề chăm sóc sắc đẹp rất phổ biến.
Ông cho rằng, trong cơn bão Covid-19 thì ai cũng có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng muốn thay đổi cuộc sống thì phải chủ động học hỏi, trang bị kỹ năng cần thiết để đáp ứng thị trường lao động.