Cô học trò người dân tộc Mường đạt 27,75 điểm khối A

(Dân trí) - Thông minh, năng động, nhiệt tình, tự tin và học giỏi là nét nổi bật của Bùi Thị Bích Liên (lớp 12 A1 trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Hòa Bình). Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, cô học trò người dân tộc Mường đạt 27,75 điểm khối A và 27,5 điểm khối B.

Các điểm cụ thể của Bích Liên: Toán 9; Hóa 10; Lý 8,75; Sinh 8,5 điểm.

Ngoài ra, Liên còn được cộng 3,5 điểm ưu tiên khu vực và người dân tộc thiểu số.

Cô học trò người dân tộc Mường đạt 27,75 điểm khối A - 1

Em Bùi Thị Bích Liên (học sinh lớp 12 A1 trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Hòa Bình) đạt 27,75 điểm khối A và 27,5 điểm khối B trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Ước mơ trở thành bác sĩ

Bùi Thị Bích Liên sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, bố là một cán bộ xã, mẹ là nông dân ở xã Phong Phú (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của bố mẹ, ngay từ nhỏ, cô học trò người dân tộc Mường đã cố gắng học tập tốt để bố mẹ vui lòng. 12 năm đến trường là 12 năm liên tục em được công nhận là học sinh giỏi toàn diện.

Vóc dáng nhỏ bé hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng Liên cũng sớm chứng tỏ mình là một cô học trò thông minh, hiếu học. Em học đều ở tất cả các bộ môn. Cho đến những năm cuối THCS, chính các thầy cô giáo trường THCS Phong Phú (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) đã phát hiện ra em rất có khả năng trong việc học các môn tự nhiên.

Chyển cấp từ THCS lên THPT, Liên đã lựa chọn thi vào trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Hòa Bình.

Với sự nỗ lực không ngừng để đạt được ước mơ trở thành một bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh, Liên vào học lớp tự nhiên của trường với cương vị là lớp phó học tập. Do đặc thù là trường PTDTNT nên học sinh học tập và sinh hoạt tại trường 24/24 giờ trong ngày. 1 tháng Liên mới về thăm gia đình 1 lần, nhưng chính điều đó đã khiến cho Liên sớm có được cuộc sống tự lập, hàng ngày em đều tự xây dựng thời gian biểu cho riêng mình.

Ngoài thời gian học tập chính khóa trên lớp, là thời gian tự học trên lớp, tự học dưới thư viện và không học thêm ở đâu khác. Liên luôn nỗ lực để lĩnh hội những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa ngay trên lớp, tích cực xây dựng bài, sẵn sàng giúp đỡ các bạn trong lớp cùng tiến bộ, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, của lớp…

Cô học trò người dân tộc Mường đạt 27,75 điểm khối A - 2
Bà nội, em gái, Liên và mẹ tại một góc sân nhà. (Ảnh từ trái qua phải)

Để tiến dần tới ước mơ trở thành bác sĩ, ngay từ đầu năm lớp 10, Liên đã dành thời gian cho các môn học thi khối A và khối B nhiều hơn nhưng em khẳng định tất cả các môn khác đều không được xem nhẹ. Trong các môn học, có lẽ môn Hóa là môn em yêu thích nhất, vì môn học này luôn tạo cho em những nguồn cảm xúc để học các môn học khác tốt hơn.

Những say mê và nỗ lực học tập không ngừng của cô học trò nhỏ đã đem lại những kết quả đáng khích lệ: Năm lớp 11 đoạt giải Nhất môn Toán, giải Nhất giải Toán trên máy tính cầm tay tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 tỉnh Hòa Bình, đoạt huy chương Vàng môn Toán lớp 11 tại Festival các trường Phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc. Năm lớp 12 đoạt giải Nhất môn Hóa, giải Nhì giải toán môn Hóa trên máy tính cầm tay tại các kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 tỉnh Hòa Bình. Kết thúc năm học 2014-2015, điểm trung bình các môn của Liên đạt 9,0, cao nhất trường.

Bí quyết là sự đam mê

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Liên tự tin nói: “Em không có bí quyết gì cả, chỉ là luôn cảm thấy đam mê với các môn học và cảm thấy thật sự lý thú khi biết thêm được những kiến thức mới. Em nghĩ yêu cầu đầu tiên là phải nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, lĩnh hội được nội dung giảng dạy của thầy cô, rồi mới học đến phần nâng cao, mở rộng. Em cũng chưa từng tham gia học thêm ở đâu ngoài việc ôn luyện trong các đội tuyển để dự các kỳ thi”.

Cô học trò người dân tộc Mường đạt 27,75 điểm khối A - 3
Bích Liên hướng dẫn em gái Phương Linh cách giải một bài toán.

Khi được hỏi có thể đưa ra lời khuyên về phương pháp học tập để đạt kết quả tốt, Liên cho biết: “Để học tốt phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa đã, rồi sau đó mầy mò làm thêm nhiều dạng bài tập nâng cao, cần tự học, tự nghiên cứu để có thể hiểu được bản chất và nhớ lâu, có thể giảng giải lại cho các bạn khác hiểu, giúp bạn cùng tiến bộ nhưng cũng là một lần để khắc sâu những nội dung kiến thức. Theo em, các nhà trường, các bậc phụ huynh cần có những xúc tác nhằm tạo cảm hứng, niềm đam mê cho học sinh học tập thay cho việc thúc ép, kèm cặp, tạo áp lực hay cho đi học thêm quá nhiều sẽ không thật hiệu quả, làm giảm khả năng tư duy sáng tạo của các em”.

Liên chia sẻ thêm: “Đối với học môn Hoá học, muốn đạt kết quả cao cần phải học cả phần lý thuyết và thực hành, trong đó phần Hóa vô cơ tập trung làm nhiều bài tập để rèn luyện kỹ năng, còn đối với Hóa hữu cơ cần đọc nhiều, nhớ tốt và có sự sáng tạo”.

Văn Hùng

(Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình)

 

Cô học trò người dân tộc Mường đạt 27,75 điểm khối A - 4