Có hay không việc ĐH Bách khoa Hà Nội “chê” giảng viên cao niên?

(Dân trí)-Nhằm quản lí tốt cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra một số quy định nhằm “siết chặt”. Tuy nhiên, một số giảng viên đầu ngành đã nghỉ hưu nhưng vẫn hợp đồng dạy tại trường cho rằng quy định đang đưa họ vào thế khó.

Quy định làm "khó" giảng viên cao niên?

Được biết, vào tháng 6/2012, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (BKHN) có thông báo đến các Viện quản ngành hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS) khóa 2010 và 2011 phải thực hiện các điều: Đề tài luận án Tiến sĩ thuộc định hướng nghiên cứu của đơn vị; Ưu tiên các bộ đang chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học nhận hướng dẫn NCS; Người hướng dẫn 1 của NCS phải là 1 cán bộ đương chức của Trường ĐH BKHN, có tuổi không quá 57 đối với người hướng dẫn có học vị TS, TSKH; không quá 62 đối với người hướng dẫn có học hàm GS, PGS.
 
Việc ĐH Bách khoa HN đưa ra quy định mới trong việc giám sát NCS khiến một

Việc ĐH Bách khoa HN đưa ra quy định mới trong việc giám sát NCS khiến một số thầy giáo cao tuổi không hài lòng (Ảnh minh họa)

Sau đó, vào 9/2012, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo sau ĐH đã có công văn yêu cầu các Viện chuyên ngành xem xét người hướng dẫn NCS theo hướng nếu NCS chỉ có 1 người hướng dẫn hiện tại không là cán bộ đương chức của trường ĐH BKHN thì phải bổ sung thêm 1 người hướng dẫn mới là cán bộ đương chức của trường. Nếu NCS có 2 người hướng dẫn nhưng cả hai hiện tại không là cán bộ đương chức của trường ĐHBKHN thì phải bổ sung thêm 1 người mới là cán bộ đương chức của trường, thay thế một trong 2 người hướng dẫn cũ.

Chia sẻ với báo chí, GS.TSKH Lê Hùng Sơn (đã nghỉ hưu và hợp đồng làm việc với Trường ĐH BKHN đến năm 2014) cho rằng với các quy định ràng buộc trên sẽ làm khó cho các giảng viên “già”. Thực tế trong số những người không là cán bộ đương chức trường hiện có khả năng đề xuất những đề tài nghiên cứu khoa học lớn và thật sự xứng đáng là hướng dẫn chính cho NCS đa số là các GS, PGS của trường đã hoặc sắp nghỉ hưu (trên 62 tuổi). Đây là những giảng viên giàu kinh nghiệm, năng lực - các cán bộ khoa học đầu ngành có công xây dựng, làm nên danh tiếng ĐH BKHN cũng như có công đào tạo một đội ngũ hùng mạnh cán bộ KHCN.

Cũng theo quan điểm của GS Lê Hùng Sơn thì đây là sự lãng phí chất xám khi đất nước đang hết sức cần đội ngũ cán bộ khoa học và giáo dục giỏi. Đối tượng chịu nhiều thiệt thòi chính là SV ĐH BKHN nói riêng, và nhiều NCS muốn làm bằng TS tại ĐH BKHN nhưng không tìm được thầy hướng dẫn đạt chất lượng như họ mong muốn. Ngay ĐH BKHN cũng tự làm yếu mình với quy định này, khi khá nhiều cán bộ khoa học ở tuổi quy định nhưng chưa chắc đủ trình độ, kinh nghiệm để hướng dẫn chính 1 luận án Tiến sỹ. Quyết định này còn tước quyền làm khoa học của nhiều nhà khoa học hàng đầu giàu khả năng, tâm huyết.

Chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng NCS

Trước những thông tin phản hồi của chính một giảng viên đang hợp đồng với trường, ngày 31/10, ĐH BKHN đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với nhiều cơ quan báo chí xung quanh vụ việc.

GS.TS Nguyễn Trọng Giảng - hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Đây mới chỉ là hai thông báo giửi tới các đơn vị để xem xét chứ không phải là quyết định. Việc xem xét sẽ được nghiên cứu phù hợp. Quy định đưa ra nhằm mục đích nâng cao công tác quản lý NCS không ảnh hưởng đến đội ngũ giảng viên cao tuổi đang làm việc hợp đồng với trường”.

GS Giảng cũng cho biết thêm, từ năm 2009, Trường ĐH BKHN bắt đầu thực hiện thíđiểm môhình tựchủ trong quản lí và đảm bảo chất lượng đào tạo. Ở bậc đào tạo tiến sĩ khoa học, mỗi năm, trường chỉ nhận dưới 350 NCS và coi họ là những người nghiên cứu khoa học thực sự. Để làm điều đó trường yêu cầu NCS phải tham gia các công tác khoa học và sinh hoạt học thuật của bộ môn chủ quản, kể cả việc giảng dạy và có cơ chế trợ giảng.
 
Lãnh đạo trường ĐH Bách khoa HN trao đổi với báo chí sáng 31/10.

Lãnh đạo trường ĐH Bách khoa HN trao đổi với báo chí sáng 31/10.

Với người làm tiến sĩ toàn thời gian, trường yêu cầu phải làm việc 100% thời gian tại trường (trong 3 năm).Với người đào tạo không tập trung (trong 4 năm) yêu cầu này là100% thời gian trong năm thứnhất, 3 năm sau phải cókếhoạch tháng, năm. Tổng thời gian làm việc tại trường phải đạt 2 năm.

Trong khâu đào tạo NCS trước đây đã xảy ra bất cập. Những vấn đề này đã được trực tiếp Ban giám hiệu nhà trường đích thân kiểm tra ở từng khoa, bộ môn. Kết quả cho thấy một số NCS không tập trung không vào trường, thầy hướng dẫn cũng không vào trường. Có NCS không đảm bảo có thời gian làm việc ít nhất 1 năm tại trường. Có NCS đăng ký làm toàn thời gian cũng vậy, chỉ tới một chút rồi đi. Thậm chí, có người 1 năm không tới trường. Thầy hướng dẫn đến bộ môn không quản lí được NCS và đề tài của họ. Nếu để điều này tiếp tục xảy ra thì chất lượng NCS sẽ rất kém.

PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương - Phó hiệu trưởng nhà trường thông tin thêm: Việc gửi thông báo đến các đơn vị là nhằm chấn chỉnh chứ không xử lý ngay. Qua trình ra soát nếu các NCS cam kết từ nay trở đi thực hiện nghiêm túc các quy định, nếu cơ quan cử đi phải có quyết định chính thức gửi lại trường để họ yên tâm bảm đảo thời gian làm NCS. Bên cạnh đó thầy hướng dẫn cũng phải có cam kết thì chúng tôi vẫn để cho các NCS tiếp tục thực hiện đề tài.

“Quá trình rà soát cho đến nay nhà trường mới chỉ xử lý 2 NCS bởi họ không đáp ứng được những điều nhà trường yêu cầu cam kết. Họ đồng ý với quyết định dừng này” - hiệu phó Nguyễn Cảnh Lương cho biết.

Cũng theo chia sẻ của Ban lãnh đạo Trường ĐH BKHN, ngoài vấn đề trên thì cũng có một số bất cập như, nếu chỉ để một thầy hướng dẫn NCS sẽ dẫn đến tình trạng có thể xảy ra sự việc quan trọng thầy không thể tiếp tục lúc đó NCS sẽ rơi vào tình cảnh “bơ vơ”. Bấy ổn hơn, nếu thầy hướng dẫn duy nhất ấy không phải là cán bộ đương chức của trường lúc đó rất khó để cho NCS tiếp tục đề tài nghiên cứu. Câu chuyện này đã xảy ra với trường.

Chính vì thế, việc đưa ra định hướng NCS có hai người hướng dẫn trong đó có một là cán bộ đương chức của trường là nhằm khắc phục “lỗ hổng” này. Bởi cán bộ đương chức vừa kèm cặp, hỗ trợ thầy già và quản lí thời gian của NCS. Nhà trường luôn khai thác đối đa những thầy giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn có sức khỏe để công tác tiếp được.

Với việc quy định độ tuổi người hướng dẫn NCS thì GS Nguyễn Trọng Giảng giải thích: “Theo quy định của ngành thì độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60, nam là 65. Việc đưa ra quy định về độ tuổi nhằm mục đích sau 3 năm, nếu NCS hoàn thành đề tài thì thầy cô sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Tính toán đó nhằm đảm bảo trong thời gian trên, NCS không bị bơ vơ vì vấn đề sức khỏe”.

“Riêng năm 2012, Trường ĐH BKHN dành trên 5,25 tỷ đồng để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Trong đó có những đề tài được cấp ngân sách khá lớn. Chính vì vậy, việc quản lý chặt NCS cũng nhằm mục đích tránh thất thoát lãng phí tiền ngân sách trong việc nghiên cứu khoa học. Không thể có chuyện dùng ngân sách, chỉ tiêu đào tạo của nhà trường nhưng lại không tham gia hoạt động tại trường” - GS Nguyễn Trọng Giảng chốt lại vấn đề.

S.H