Đà Nẵng:

Cô giáo về hưu mở lớp miễn phí giúp học trò khó khăn

(Dân trí) - Dù đã tuổi hưu, nhưng nhiều năm nay, cô giáo Đào Thị Nhung (64 tuổi) vẫn đứng lớp dạy học miễn phí, giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn

Lớp học nhỏ của cô giáo tuổi hưu

Căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ bên đường Trưng Nữ Vương, suốt 2 năm qua đã trở nên quen thuộc với nhiều em học sinh nghèo tại TP Đà Nẵng. Đó là nơi đã ươm mầm cho bao ước mơ, hoài bão của các em từ những buổi học miễn phí cho trẻ em nghèo do chính cô Đào Thị Nhung là người trực tiếp đứng lớp.

Chúng tôi tìm đến lớp học của cô Nhung đúng vào lúc các em đang được ra chơi. Thấy sự xuất hiện của tôi, những đứa trẻ nhanh chóng khoanh tay lễ phép chào. Đứa nhanh hơn thì chạy vào thưa: "Thưa cô có người đến tìm cô ạ".

Cô giáo về hưu mở lớp miễn phí giúp học trò khó khăn - 1

Lớp học của cô Nhung đón các m học sinh đến học miễn phí vào 17h  thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần

Sau vài lời chào hỏi, cô giáo mái tóc đã điểm sương song đôi mắt vẫn tinh anh chia sẻ, từ nhỏ, cô đã có niềm đam mê đứng trên bục giảng để truyền dạy những lời hay ý đẹp. Nên khi lớn lên, cô đã quyết tâm thi vào ngành Sư phạm.

Và sau này ước mơ đã thành hiện thực khi cô là giáo viên dạy môn Ngữ văn tại trường THCS Lê Độ (Q.Sơn Trà). Gắn bó với sự nghiệp "trồng người" suốt 35 năm. Rời bục giảng ở trường, cô lại về tham gia công tác xã hội và mở một lớp học tại nhà.

Bận bịu với công việc xã hội ở địa phương, cô Nhung còn đang chăm sóc người mẹ đã già yếu và chị gái mang trong mình căn bệnh ung thư. Thế nhưng cô luôn có cách sắp xếp mọi việc để vừa hoàn thành nhiệm vụ xã hội, vừa chu toàn việc nhà và điều quan trọng cô vẫn luôn duy trì đều đặn lớp học cho các em học sinh.

Cô giáo về hưu mở lớp miễn phí giúp học trò khó khăn - 2

Các em tiểu học, cô Nhung dạy tất cả các môn. Còn các em cấp 2, cô chủ yếu dạy môn Ngữ văn

Lớp học của cô Nhung hiện có khoảng 20 em nhỏ đang theo học. Các em khác nhau về độ tuổi nhưng nhiều nhất là các em tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi em cũng có một hoàn cảnh khác nhau song điểm chung là con em gia đình khó khăn.

Lớp học mở cửa vào lúc 17h từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Mỗi buổi học, học trò của cô Nhung được chia thành hai nhóm và ngồi hai dãy khác nhau, tuy nhiều lớp học chung với nhau nhưng mỗi lớp chỉ khoảng 4 đến 5 em.

Với các em tiểu học, cô dạy tất cả các môn. Với các em cấp 2, cô chủ yếu dạy môn Ngữ văn. Có một điều đặc biệt, ở lớp của cô Nhung, nhiều em là con hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cô dạy hoàn toàn miễn phí.

Cô giáo như "mẹ hiền"

Trước khi đem đến cho các em cái chữ thì cô giáo Nhung phải hiểu về gia đình và hoàn cảnh của từng học trò, giống như cái cách một "người mẹ" hiểu về "đàn con" của mình.

Cô giáo về hưu mở lớp miễn phí giúp học trò khó khăn - 3

Suốt 2 năm nay, cô Nhung luôn cần mẫn "đưa đò" cho biết bao thế hệhọc trò tại lớp học của mình

Đưa ánh mắt trìu mến nhìn về hai anh em ruột Vũ Trọng Bình (học sinh lớp 5) và Vũ Trọng Khang (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Bạch Đằng), cô Nhung cho biết: Đây là hai trong số nhiều học sinh được cô dìu dắt, chỉ dạy tận tình suốt thời gian qua.

Trong một lần đi thăm bà con khu chung cư ở địa phương, thì cô tình cờ biết đến hoàn cảnh gia đình của hai em Bình và Khang.

Hoàn cảnh của hai em rất khó khăn. Bố mẹ ly hôn, hai em sống với ông bà ngoại lớn tuổi, gia đình thuộc hộ nghèo, bà lại đau ốm thường xuyên. Các em không có điều kiện để học tập nâng cao kiến thức và không ai kèm cặp, nên thời điểm đó kết quả học tập của hai anh em rất yếu.

Cô giáo về hưu mở lớp miễn phí giúp học trò khó khăn - 4

Thấy hai anh em Bình, Khang có hoàn cảnh khó khăn, cô Nhung gọi các em đến lớp học miễn phí

Hay em Phan Thị Thùy Trang (học sinh Trường Tiểu học Bạch Đằng) cũng được cô Nhung dạy miễn phí nhiều năm nay. Gia đình Trang có hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ không có việc làm ổn định, thường xuyên vắng nhà.

Em sống cùng ông bà đã lớn tuổi vì thế không có người kèm cặp, nhắc nhở thường xuyên nên Trang dần xao nhãng trong việc học.

Những hoàn cảnh khó khăn như vậy, cô Nhung đều đi đến gặp bố mẹ từng em để vận động và trò chuyện với gia đình đưa các em đến lớp để cô chỉ dạy.

Cô giáo về hưu mở lớp miễn phí giúp học trò khó khăn - 5

Không chỉ dạy học miễn phí, cô Nhung còn mua tặng các em đồ dùng học tập từ tập vở, cuốn sách đến cây viết

Chị Lê Thị Hồng Vân (42 tuổi, phụ huynh của hai em Bình và Khang) chia sẻ: "Gia đình tôi thuộc hộ khó khăn nên cũng không có điều kiện cho các con đi học thêm. Khi được cô Nhung động viên tôi đã đưa con đến đây để học.

Suốt 2 năm qua, hai con tôi từ học kém nay đã tiến bộ rất nhiều. Cô Nhung không những dạy miễn phí, cô còn thường xuyên chu cấp sách vở, bút mực cho các cháu suốt thời gian qua".

Cô giáo về hưu mở lớp miễn phí giúp học trò khó khăn - 6

Cô Đào Thị Tuyết (65 tuổi, chị ruột cô Nhung) dù đang mang bệnh song vẫn phụ giúp cùng cô Nhung dạy học các em  nhỏ

Bên cạnh cô Nhung, lớp học còn có sự tham gia giảng dạy của cô Đào Thị Tuyết (65 tuổi, chị ruột cô Nhung). Cứ những lúc cô Tuyết khỏe hay những hôm cô Nhung bận việc, cô Tuyết lại đứng chỉ dạy những cho các em. Ngoài Ngữ Văn, cô Tuyết còn giúp các em ôn tập kiến thức tổng hợp của các môn Toán, Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, làm bài tập để củng cố kiến thức.

Không chỉ dạy kiến thức cô Tuyết còn dạy các em biết lễ phép, đi thưa về chào, dạy những điều hay lẽ phải. Trước mỗi buổi học, các em được dạy đến sớm để vệ sinh lớp học, kê lại bàn ghế, tập thói quen tự giác, tự lập và biết lao động.

"Nghề giáo như một cái duyên đến với chị em tôi. Với bọn trẻ, tôi không những giúp chúng củng cố lại kiến thức ở trường, mà còn luôn nhìn thấy tình cảm của các em dành cho tôi giống như giành cho một người mẹ thứ 2. Đó là động lực để 2 chị em luôn muốn duy trì lớp học này", cô Tuyết tâm sự.

Những dịp Tết Thiếu nhi, Trung thu, Tết Nguyên đán, cô Nhung đều tổ chức liên hoan cho các em tại lớp, tặng quà bánh để các em mang về nhà. Đặc biệt cuối năm nay, cô Nhung dự định tặng 2 chiếc xe đạp cho 2 em học sinh khó khăn của lớp để các em có thể tự đến trường.

Cứ thế suốt 2 năm qua, từ những điều nhỏ nhoi trong ngôi nhà đặc biệt ấy, biết bao nhiêu em đã trưởng thành, đỗ đạt, có em nhớ đến cô để về thăm cũng có những em chưa một lần trở lại nhưng cô Nhung luôn vui vẻ chẳng bao giờ trách oán gì ai.

Với cô nhìn đám học trò nghèo vui vẻ, trưởng thành đó là sự đền đáp lớn lao nhất mà người giáo viên già này mong được nhận từ các em.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm