Khánh Hòa:

Cô giáo tiểu học kể chuyện vượt biển dạy học cho học sinh hải đảo

(Dân trí) - Những năm tháng dạy học trên vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) là quãng thời gian khó quên với cô giáo Phan Thị Thủy. Việc ra đảo công tác dù khó khăn do “cách sông trở đò” nhưng bù lại sự chân chất, gần gũi của các em học sinh, người dân khiến cô nhớ mãi.

Hiện nay, cô giáo Phan Thị Thủy đang công tác tại Trường Tiểu học Cam Đức 2, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Chia sẻ về lý do chọn nghề giáo, cô Thủy cho biết, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cô đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, yêu thương và che chở tận tình của các thế hệ thầy, cô giáo.

“Khi ấy, tôi cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc của những người thầy, người cô của mình khi làm một nhà giáo. Vì thế, trong tôi hun đúc một ước mơ sau này sẽ trở thành nhà giáo”, cô Thủy tâm sự. Mang trong mình hoài bảo ấy, cô Thủy đã thi vào Trường CĐ Sư phạm Nha Trang.

Cô giáo Phan Thị Thủy - (Ảnh: NVCC)
Cô giáo Phan Thị Thủy - (Ảnh: NVCC)

Năm 2000, cô Thủy ra trường và về công tác tại điểm trường đảo Bình Ba, thuộc trường THCS Cam Bình (học 2 cấp) - một điểm trường hải đảo nằm trên vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa hiện nay.

Để ra đảo Bình Ba công tác, các giáo viên phải đi đò khoảng một giờ đồng hồ, từ cảng cá Đá Bạc (Cam Ranh). Họ được miễn tiền đò qua lại và thường ở nội trú khoảng 1-2 tuần mới về nhà một lần.

Nữ giáo viên cho biết, do điểm trường “cách sông trở đò” nên việc đi lại của giáo viên khá vất vả, nhất là những tháng mùa đông, biển động. “Tôi còn nhớ có lần bị say sóng và bất tỉnh trên đò. Người dân thấy vậy đã xúm vào sơ cứu, đưa vào nhà để chăm sóc nhiều giờ liền”, cô Thủy xúc động kể.

Sau một năm công tác ở đảo Bình Ba thì cô Thủy được chuyển sang dạy học ở điểm trường đảo Bình Hưng - một điểm đảo khác trên Vịnh Cam Ranh, mất khoảng 90 phút đi đò từ đất liền. “Chuyện bị sóng biển đánh ướt sũng quần áo là chuyện bình thường vào những hôm có gió to, sóng lớn. Không có cảm giác nào khác ngoài lo lắng, sợ hãi”, nữ giáo viên tâm sự.

Chuyến đò đưa người dân, giáo viên cùng hàng hóa ra đảo Bình Ba trên Vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa – (Ảnh: Thủy Nguyên)
Chuyến đò đưa người dân, giáo viên cùng hàng hóa ra đảo Bình Ba trên Vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa – (Ảnh: Thủy Nguyên)

Những hôm có bão to, đò không chạy thì các giáo viên đành phải đi nhờ ghe cá của người dân. Bù lại những hiểm nguy mỗi lúc đi đò thì nữ giáo viên cho biết, người dân trên đảo sống rất chan hòa, quý mến giáo viên. Cô kể, những khi người dân trúng cá, mực thì họ thường mang đến biếu giáo viên. Tuy không nhiều, nhưng tình cảm đó khiến các giáo viên cảm động. Vì thế, những bữa cơm nội trú của giáo viên đầy ắp tiếng cười nhờ hương vị biển, tấm lòng của ngư dân.

Nữ giáo viên cho biết, đến nay đã có 17 năm dạy học cho học sinh tiểu học. Nhiều năm trong nghề, nữ giáo viên cho rằng, học sinh hải đảo với học sinh ở đất liền cũng có nhiều điểm khác biệt.

“Học sinh ở đất liền thì độ nhạy, nhanh nhẹn hơn so với học sinh ở điểm đảo. Sự hiểu biết của học sinh ở điểm đảo cũng hạn chế hơn nhưng đa phần các em ngoan hiền so với học sinh đất liền”, nữ giáo viên kể và cho biết, những hôm trễ đò thì học sinh trên đảo thường đến trò chuyện cùng giáo viên.

Cô Thủy kể, sự nghiệp trồng người của mình cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn cùng học trò nhưng có lẽ ký ức về một cậu học trò bị bạn bè xa lánh chỉ vì bố mẹ mất sau căn bệnh AIDS khiến cô ám ảnh mãi. Đó là kỷ niệm về một nam học sinh lớp 4 ở điểm trường đảo Bình Hưng, năm 2001.

Một góc đảo Bình Ba, Cam Ranh, Khánh Hòa - (Ảnh: Thủy Nguyên)
Một góc đảo Bình Ba, Cam Ranh, Khánh Hòa - (Ảnh: Thủy Nguyên)

“Tôi thấy rằng, em rất hụt hẫng và buồn phiền. Những lúc ấy, em luôn bên tôi và xem tôi như một người mẹ”, nữ giáo viên hồi tưởng. Trước sự việc này, nữ giáo viên đã tìm hiểu cặn kẽ câu chuyện từ các bên và giảng giải cho những em học sinh hiểu thêm về căn bệnh AIDS.

Sau đó, nhà trường cùng chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc tuyên truyền, đưa 4 anh em của nam học sinh này đi khám. Kết quả, 4 anh em không hề bị nhiễm “căn bệnh thế kỷ”. “Mọi người không còn xa lánh và yêu thương em hơn. Cảm giác của tôi thật hạnh phúc và càng thấy yêu nghề giáo của mình hơn”, nữ giáo viên rưng rưng kể với PV Dân trí.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, năm học 2015-2016, cô Phan Thị Thủy đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện; năm học 2016-2017, đạt giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện; đạt giáo viên dạy xuất sắc cấp tỉnh năm học 2016-2017, được Giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa tặng giấy khen; nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và được UBND tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen năm học 2014-2015.

Thủy Nguyên

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm