Cô giáo tiên phong đưa Tiếng Anh vào bài học Địa lý
Nhờ tích cực đổi mới phương pháp dạy học môn Địa lý, tạo hứng thú cho học trong học tập, cô Nguyễn Thị Thúy Nga- giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) đã được tuyên dương tại Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học.
Sáng kiến “Bước đầu thực hiện dạy Địa lý bằng Tiếng Anh” khi được áp dụng trong giảng dạy đối với các em học sinh lớp chuyên Tiếng Anh bước đầu mang lại kết quả tốt, tạo bước đột phá trong việc thực hiện mục tiêu dạy học ngoại ngữ tại trường chuyên.
Là một học sinh lớp chuyên Anh hồi còn đang học THCS, lên cấp 3 cô Nga bất ngờ rẽ ngang sang lớp chuyên Địa trường chuyên Nguyễn Trãi. Sau đó, cô Nga đã đạt giải Nhì trong kì thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý và thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Cô Nga chia sẻ: Hồi nhỏ tôi thích cả môn Địa lý và Tiếng Anh, thấy hai môn học này có mối liên hệ rất gần gũi với nhau. Nếu có vốn tiếng Anh tốt thì học Địa lý cũng rất dễ.
Địa lý mang màu sắc của nhiều môn học, có tính cập nhật cao, những vấn đề này ở chương trình Tiếng Anh phổ thông cũng được đề cập. Tôi đã thử nghiệm soạn giảng một số tiết học địa lý bằng Tiếng Anh để biến ngoại ngữ thành ngôn ngữ chứ không phải môn học.
Khi thử nghiệm một số chủ đề nhưng tôi thấy học sinh rất thích thú. Tôi thấy học như thế này, vốn từ tiếng Anh của các em được mở rộng và kiến thức Địa lý được các em dễ dàng tiếp thu hơn là những bài học thông thường ở trên lớp.
Ví dụ, trong giờ học về khí hậu thì tên các khối khí: Khối khí cực (A), Khối khí ôn đới (P), Khối khí chí tuyến (T), Khối khí xích đạo (E) nếu để tiếng Việt thì học sinh hay nhầm lẫn.
Nhưng khi cung cấp các từ tiếng Anh thì học sinh lại liên hệ với kiến thức bài học tiếng Anh ở cấp THCS, học sinh lại nhớ luôn. Đó là sự thú vị khi học Địa lý bằng tiếng Anh.
Theo cô Nga, để soạn một bài dạy Địa bằng tiếng Anh, giáo viên cần nắm vững kiến thức của cả hai môn học, tìm hiểu những vấn đề liên quan đến bài học. tìm hiểu xem nó có những vấn đề gì liên quan.
Sau đó giáo viên lên ý tưởng, định hướng trước cho học sinh. Học sinh sẽ cùng cô giáo thực hiện chủ đề này để các em có ý thức xây dựng được vốn từ nhất định. Và tiếp theo là đưa cấu trúc bài học đơn giản để học sinh có thể tiếp thu.
Cô Nga chia sẻ: Dù trước đây từng học chuyên Anh nhưng tôi cũng gặp nhiều khó khăn và phải đầu tư rất nhiều. Bởi lẽ để diễn đạt một số vấn đề chuyên môn bằng tiếng mẹ đẻ đã khó huống chi là tiếng nước ngoài. Vì vậy, để có được một bài giảng trọn vẹn là rất khó khăn.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng sự tìm tòi, đổi mới và sáng tạo chính là động lực giúp tôi vượt qua tất cả. Đổi mới là nhu cầu cần thiết nhất là trong thời kì bùng nổ công nghệ thông tin và xu hướng hội nhập đang diễn ra.
Để thực hiện đổi mới thì bản thân mỗi thầy cô phải có động lực đổi mới tự thân, tránh tâm lý trông chờ cầm tay chỉ việc phải coi đổi mới đấy chính là nhiệm vụ sống còn của mình thì mới có thể lan truyền tinh thần đó tới các em học sinh và mới thực hiện được mục tiêu giáo dục của mình.
Theo Vân Anh
Giáo dục & Thời đại