Cô giáo quên mình vì học trò
(Dân trí) - Chính với tấm lòng yêu học trò, vì học trò đã giúp cho cô giáo vượt qua được đau đớn của bệnh tật, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vượt qua được chính bản thân mình… và trở thành chân dung cô giáo đáng kính trong lòng học sinh và mọi người.
“Bà tiên” của học trò nghèo
Nhắc đến cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng, giáo viên trường THPT Tân Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, nhiều người dân và học sinh ở đây gọi đó là “bà tiên” bởi những việc làm của cô đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trong một buổi tối cô Phượng bắt gặp hình ảnh một em học sinh nam nhỏ nhắn, đang mặc một chiếc áo đã quá cũ, nước da thâm đen, khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt u buồn, hình ảnh đó đã để lại cho cô Phượng nhiều ấn tượng. Đêm đó, cô Phượng trằn trọc không ngủ, một sự cảm thương, một sự đồng cảm vô cùng khó tả. Trong đầu luôn chất chứa câu hỏi: em ở đâu?, hoàn cảnh thế nào?...
Đến tiết học hôm sau, cô Phượng đã gặp học sinh đó trò chuyện thì được biết tên em là Nguyễn Hải Đông là một học trò học giỏi, ngoan, lễ phép, cha mẹ ly hôn và bỏ rơi em từ bé. Em sống chung cùng bà nội nhiều tuổi, sau đó bà mất, em cũng không còn chỗ nương thân. Không người thân, không tiền bạc, không chỗ ở… em phải đi đâu?
Đau đáu về hoàn cảnh của học sinh Đông nhưng hoàn cảnh gia đình cô Phượng cũng không mấy khá giả, cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng lương, bản thân cô có một bé trai 3 tuổi và sắp có em bé thứ 2, nếu đỡ đầu em Đông liệu mình có gánh vác nổi không? …trăn trở là vậy nhưng sau khi bàn bạc thống nhất giữa 2 vợ chồng, và bằng tình thương của một người cô, người mẹ, gia đình cô giáo Phượng đã nhận đỡ đầu em Đông để em có điều kiện tiếp tục tới lớp.
Không chỉ vậy, khi nhận đỡ đầu, cô giáo Phượng đã chăm chút Đông rất chu đáo vì em sức khỏe yếu. Ngoài chú trọng đến dinh dưỡng, cô Phượng còn chú ý đến những loại thức ăn có thể làm Đông giảm đi căn bệnh viêm xoang và đau bao tử. Để giúp Đông không cảm thấy mặc cảm và xa lạ trong ngôi nhà mới, vợ chồng cô Phượng thường xuyên tâm sự, động viên, khích lệ Đông sống vui vẻ, cởi mở năng động, hòa nhập với cộng đồng. Thấu hiểu được tình thương vợ chồng cô giáo Phượng dành cho mình, Đông đã vươn lên học tốt và đậu ngành Luật trường ĐH Cần Thơ và đến nay đã tốt nghiệp ra trường.
Cô Phượng đang hướng dẫn cho học sinh Thiên Kim làm bài tập môn Sinh học tại nhà
Trong các năm tiếp theo, vợ chồng cô giáo Phượng đã nhận đỡ đầu trên 10 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hiện các em đã đậu tốt nghiệp, một số em đã có việc làm ổn định. Hàng tháng, vợ chồng cô giáo Phượng đã trích tiền lương của mình để mua sách vở, quần áo, các khoản phí học tập. Học sinh nào ở xa thì cô Phượng lo cho các em ăn trưa và nghỉ trưa tại nhà mình, chỉ dẫn cho các em trong vấn đề học tập. Cô Phượng thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, chia sẻ những em có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
“Có những em học sinh luôn mặc cảm, tự ti, rất ít nói và rất ít chia sẻ. Những lúc gặp học sinh như vậy bản thân tôi luôn tự nhủ là không được bỏ cuộc, phải kiên nhẫn, phải khéo léo, mềm dẻo, trò chuyện như một người bạn, người thân để dần dần các em cởi mở và thay đổi bản thân” – Cô Phượng tâm sự.
Bao năm qua đi, cũng có những thuận lợi và những khó khăn, nhưng hàng năm vợ chồng cô giáo Phượng vẫn tiếp tục công tác đỡ đầu cho học sinh nghèo ở trường và xem đó là một bổn phận của một nhà giáo.
“Bổn phận này không phải là một gánh nặng, một nhọc nhằn mà là một niềm vui, một động lực cho bản thân tôi phấn đấu. Khi nhìn lại những công việc tôi đã làm được, nó như thêm sức mạnh cho tôi phấn đấu, bản thân luôn tự nhủ, công việc này sẽ luôn luôn được gìn giữ, phát huy và nhân rộng trong và ngoài nhà trường, kêu mọi người cùng chung tay chăm lo cho các em vượt qua khó khăn để học tập” – cô Phượng chia sẻ.
Chính việc làm của cô Phượng đã trở thành một phong trào đỡ đầu học sinh ở trường THPT Tân Phú thể hiện lòng nhân ái cao cả của con người. Nhưng để phong trào này có hiệu qủa thì đòi hỏi những người tham gia phải có cái tâm trong sáng và một tấm lòng cao cả, phải biết hy sinh, phải kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt không nghĩ đến việc được đền đáp từ các em.
Vượt qua bệnh hiểm nghèo để trở thành giáo viên dạy giỏi
Đó là cô giáo Đỗ Thị Thu Nga, GV trường THPT Tháng 10 tỉnh Tuyên Quang. Đang ở những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời tuổi trẻ là được làm việc đúng sở thích, ước mơ của cô giáo dạy Văn nhưng bất ngờ năm 2009, cô giáo Đỗ Thị Thu Nga bàng hoàng khi phát hiện mình mắc căn bệnh hiểm nghèo: suy thận.
Tuổi đời và tuổi nghề còn quá trẻ đối với một cô giáo để đối diện với sự thực nghiệt ngã ấy khi nghĩ đến gia đình và con gái nhỏ mới 5 tuổi. Thêm nữa, để điều trị căn bệnh suy thận sẽ tốn kém rất nhiều công sức, thời gian và chi phí, kinh tế gia đình còn đang khó khăn, chồng lại là quân nhân làm việc xa nhà…Nhiều lúc cô giáo Nga đã rơi vào trạng thái khủng hoảng về tâm lý với cảm giác tuyệt vọng và bế tắc, cô khóc vì tủi thân bởi số phận kém may mắn của mình.
“Điều giúp tôi thoát khỏi trạng thái khủng hoảng đó là sau 2 tháng điều trị tại Hà Nội, bệnh tạm ổn định, tôi trở lại trường. Không gian thân thiện, sôi nổi của mái trường thân yêu, nơi tôi đã gắn bó suốt thời gian qua khiến lòng tôi ấm lại. Các em học sinh lớp chủ nhiệm ùa ra reo vui đón chào tôi, các bạn đồng nghiệp ai cũng hỏi thăm, chia sẻ, động viên… tôi thấy mình không còn là bệnh nhân mang căn bệnh nan y nữa. Tôi tự nhủ, dù thể trạng đau yếu thế nào, nhưng tâm huyết và nghị lực của mình sẽ không bao giờ vơi cạn. Với quãng đời còn lại, mình sẽ sống và cống hiến hết mình cho công việc, coi đó là niềm vui và sức mạnh vượt lên số phận nghiệt ngã” – cô Nga tâm sự.
Chính vì lẽ đó, cô Nga cảm thấy những ngày còn lại của cuộc đời mình là vô cùng quý giá, cần phải chắt chiu nỗ lực mỗi ngày để làm những việc có ý nghĩa, sau này không phải hối tiếc. Với tâm niệm như vậy, dù đau đớn mệt mỏi đến đâu, cô Nga vẫn giữ cho mình phong thái vui vẻ, yêu đời và luôn say mê tìm tòi và ứng dụng những phương pháp giảng dạy theo hướng đổi mới, đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin.
Liên tiếp nhiều năm liền, cô Nga đã thực hiện được nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt hiệu quả cao như sáng kiến “Ứng dung mô hình sơ đồ (Graph) vào giảng dạy môn Ngữ văn THPT” đã có tác dụng tốt trong việc hệ thống hóa kiến thức, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh như đăng tải các hình ảnh, âm nhạc, video minh họa sinh động…hay như sáng kiến “Ứng dụng hình thức ngoại khóa vào dạy học tiết bám sát Tấm Cám môn Ngữ văn lớp 10”, trong đó, cô Nga sử dụng các hình thức như: sân khấu hóa, tổ chức các trò chơi, vẽ sơ đồ, bản đồ tư duy, trả lời các câu hỏi trắc nghiệp, giải ô chữ… tạo hứng thú và sự tham gia tích cực của học sinh. Nhiều giáo viên khác trong trường đã ứng dụng phương pháp Graph này cho các môn Địa lý, Lịch sử, Hóa học và Vật lý…. Tạo nên phong trào đổi mới phương pháp dạy học mới sôi nổi, hào hứng trong nhà trường.
Với sự nỗ lực không ngừng, vượt qua bệnh tật để theo đuổi nghề mơ ước của mình, trong 5 năm qua, cô Nga luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được tặng giấy khen, được xét nâng lương trước thời hạn. Được biết đã hơn 6 năm nay, cứ đều đặn tuần 3 buổi, cô giáo Nga phải đến viện để chạy thận nhân tạo.
“Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố” – Đó là câu nói của Bác sĩ – Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm mà cô Nga luôn tâm đắc.
Hồng Hạnh
(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)