Khánh Hòa:
Cô giáo miền núi chia sẻ kỷ niệm buổi học làm quen với học sinh Raglai
(Dân trí) - Nữ giáo viên vào lớp và giới thiệu tên mình với các bé học sinh mầm non người Raglai. Đến lượt một bé người Raglai đứng lên tự giới thiệu và bé đã nói một đoạn dài bằng tiếng bản địa khiến giáo viên lúng túng, bật cười!
Đó là kỷ niệm về những em học sinh mầm non Raglai của cô giáo Phạm Thị Hoa, Trường Mầm non 1/6 (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa).
Chia sẻ về lý do chọn nghề giáo viên mầm non, cô Hoa cho biết, cô sinh ra trong một gia đình công chức, viên chức có 5 người thì có đến 4 người theo nghề giáo. “Khi còn nhỏ, tôi luôn có ấn tượng đặc biệt về hình ảnh mẹ tôi - một cô giáo mầm non hiền hòa, trẻ trung được các em nhỏ vây quanh. Mẹ tôi dạy các em múa, hát, đọc chuyện, thơ... Nụ cười của các em lúc nào cũng nở trên đôi môi, nhìn rất hồn nhiên và dễ thương”, cô Hoa tâm sự.
“Chính từ truyền thống của gia đình và sự đam mê nghề giáo của bản thân, vì thế tôi ao ước sau này sẽ trở thành một giáo viên mầm non giống như mẹ để được dạy những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng đó”, cô bộc bạch.
Nữ giáo viên dạy học ở huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay mình đã có gần 10 năm dạy học cho học sinh mầm non. Kể về công việc mỗi ngày, nữ giáo viên cho biết, vào khoảng 6h40 buổi sáng, cô đến lớp sớm để đón trẻ. Sau đó cho trẻ tham gia các hoạt động trong ngày, cho ăn trưa, ngủ trưa… Đến cuối buổi chiều, sau giờ trả các bé là vệ sinh, dọn dẹp, sắp xếp đồ dùng học tập, đồ chơi... để chuẩn bị cho buổi học hôm sau.
“Nếu không có niềm đam mê nghề nghiệp, tình thương yêu con trẻ thật sự thì khó có thể theo nghề cô giáo mầm non”, nữ giáo viên nói về nghề của mình.
Nữ giáo viên cho biết, các giáo viên mầm non miền núi ngoài việc cho trẻ ăn, dỗ ngủ, dạy cho bé các kỹ năng sống, kiến thức về môi trường xung quanh, làm quen với toán, với chữ cái, với hội họa, âm nhạc, phát triển thể chất… thì việc dạy cho các cháu hiểu và nói rõ tiếng Việt cần rất nhiều nỗ lực.
Do đó, để thuận lợi cho công tác dạy học thì giáo viên phải dùng thời gian rảnh để học tập, tìm hiểu tiếng Raglai để có thể hiểu và giao tiếp tốt được với trẻ, thường xuyên trao đổi với phụ huynh cho cháu đến lớp đều đặn…
“Những lúc nghe trẻ ríu rít nói cười, hát ca, kể chuyện và nhìn vào những đôi mắt thơ ngây ấy, bao nhiêu mệt mỏi trong công việc dường như tan biến và khiến tôi càng thêm gắn bó với nghề hơn”, nữ giáo viên xúc động chia sẻ.
Cô giáo Phạm Thị Hoa cho biết, ngoài chương trình chung cho toàn quốc do Bộ GD-ĐT ban hành, việc dạy học ở miền núi và những nơi khác về cơ bản không có gì khác nhau. Tuy nhiên, giáo viên miền núi phải biết lựa chọn những phương pháp, biện pháp dạy học phù hợp với tình hình thực tế để giúp cho các bé mầm non khám phá, trải nghiệm một cách tốt nhất.
Nữ giáo viên cho biết, Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, với hơn 75% là người dân tộc thiểu số. Đời sống của người dân đa phần còn nghèo, với trình độ dân trí thấp, việc học tập của trẻ trong độ tuổi mẫu giáo chưa được phụ huynh thực sự quan tâm, hầu hết phó thác cho giáo viên.
“Giáo viên phải thường xuyên đi vận động các cháu ra lớp, duy trì các cháu đi học đều đặn. Đôi khi cô và trò cũng như phụ huynh không hiểu tiếng của nhau nên rất khó khăn khi trao đổi vấn đề giáo dục, chăm sóc trẻ”, cô tâm sự.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong đời giáo viên của mình, cô Hoa kể, năm mới ra trường, cô được phân công dạy học tại Trường Mầm non 1/6, huyện Khánh Sơn. “Tôi bước vào lớp và tự giới thiệu rồi cho từng trẻ đứng lên tự giới thiệu. Sau đó, tới lượt giới thiệu của một bé Raglai mới ra lớp, rất dễ thương.
Tôi nói: ‘con hãy tự giới thiệu về mình đi’! Bé trả lời tôi bằng một đoạn dài tiếng Raglai mà tôi không thể hiểu. Tôi cứ tròn mắt nhìn bé mà cười!”, nữ giáo viên hóm hỉnh.
“Bạn ấy đã nói gì?”, nữ giáo viên hỏi to trước lớp và biết rằng, bé đã nói mình tên là Trường, không biết mình mấy tuổi và học trường mẫu giáo nào.
Sau kỷ niệm đó, nữ giáo viên đã tìm hiểu tiếng nói cũng như phong tục, tập quán của người Raglai. “Nhờ đó, tôi đã hiểu trẻ hơn và dễ dàng hơn trong việc giảng dạy của mình”, nữ giáo viên bồi hồi tâm sự với PV Dân trí.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cô Phạm Thị Hoa từng đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện (xếp loại xuất sắc), chiến sĩ thi đua cơ sở. Ngoài ra, cô Hoa cũng được ghi nhận là giáo viên có sáng kiến đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy.
Thủy Nguyên