Cô giáo mầm non xúc động tại lễ kỷ niệm, mong "được trải lòng, thấu hiểu"
(Dân trí) - "Là giáo viên mầm non, tôi mong nhận được những chia sẻ, trao đổi, góp ý từ phụ huynh để mình được trải lòng và thấu hiểu…"
Đó là lời chia sẻ của cô Nguyễn Thụy Ngọc Trâm, giáo viên Trường Mầm non 4, quận 3, TPHCM tại lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, vinh danh Nhà giáo ưu tú và trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024 diễn ra vào sáng 18/11.
Là một trong những gương mặt đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, cô Trâm cho hay, việc giảng dạy ở trường mầm non không chỉ ở sách vở, chăm sóc trẻ mà còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, sáng tạo nhằm giúp trẻ phát triển các năng lực quan trọng đầu đời.
Khi những kết quả tích cực trong việc giảng dạy và chăm sóc trẻ được phụ huynh, đồng nghiệp và xã hội công nhận, giáo viên cảm thấy được khích lệ và động viên.
Tuy nhiên, theo cô Trâm, đâu đó vẫn còn những nghi ngại của dư luận, của phụ huynh về công việc của giáo viên mầm non.
Cô trải lòng: "Là giáo viên mầm non, có lẽ tôi cũng như nhiều giáo viên khác, rất mong nhận được những chia sẻ, trao đổi, góp ý từ phụ huynh để mình được trải lòng và thấu hiểu. Qua đó, cùng nhau hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ".
Nói đến đây, cô Trâm xúc động rơi nước mắt, nghẹn ngào...
Với cô Đinh Lan Phương, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, phía sau mỗi học trò khuyết tật là một hoàn cảnh, một câu chuyện, một nhu cầu riêng biệt không em nào giống em nào...
Khó khăn của các em cũng chính là thách thức với người thầy. Đã không ít lần cô bật khóc vì bất lực khi đi tìm cách để bước vào cánh cửa thế giới không âm thanh, không ánh sáng của học trò khi các em không nghe được, không nhìn thấy được...
Giờ đây, trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, giáo viên có nhiều thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm và sử dụng các nguồn tư liệu hỗ trợ giảng dạy.
Nhưng dù công nghệ có phát triển đến đâu, theo cô Phương cũng không thể thay thế được sự chăm chút, ân cần từ người thầy, người cô dành cho học trò.
Chia sẻ tại chương trình, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay, ngày nay, khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng có thể đem lại kiến thức cho học sinh nhanh chóng, mọi nơi mọi lúc, phong phú, hình thức chuyển tải rất đa dạng và hấp dẫn.
"Nhưng những giá trị như khơi lên cảm xúc, truyền ngọn lửa tình yêu, đánh thức tiềm năng, hình thành và phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh, đem lại những giá trị sống tốt đẹp… thì không có máy móc khoa học công nghệ nào làm được, chỉ có thầy cô mới làm được", ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM bày tỏ, nghề giáo cao quý nhưng cũng nhiều khó khăn, vất vả, áp lực và thầy cô đã vượt qua những khó khăn, vất vả, áp lực ấy để đem lại những giá trị tốt đẹp cho ngành giáo dục thành phố.
Bên cạnh những kết quả nhìn thấy được như các giải thưởng quốc gia, quốc tế trong các kỳ thi học sinh giỏi; những thứ hạng trong thi tốt nghiệp THPT, hiệu suất đào tạo hàng năm... thì còn những giá trị không thể đo đếm được của ngành giáo dục đều có sự đóng góp công sức của mỗi thầy cô giáo.
Đó là những trường học hạnh phúc, nơi học sinh được dạy dỗ, được yêu thương; thầy cô được thỏa sức sáng tạo, được nuôi dưỡng đam mê với nghề. Đó là sự thay đổi, trưởng thành của học sinh, là niềm vui của học trò mỗi ngày đến trường.
Năm 2024, Sở GD&ĐT TPHCM vinh danh 14 Nhà giáo Ưu tú và trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản cho 50 thầy cô giáo có nhiều cống hiến đối với sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo thành phố.
Thầy cô là những tấm gương lan tỏa sự nhiệt huyết, gắn bó với nghề; xin được chúc mừng các thầy cô và xin được tri ân những cống hiến của thầy cô.