Quảng Nam:
Cô giáo cảm hóa học sinh hướng thiện, giúp người nghèo khó, bất hạnh
(Dân trí) - Không chỉ tận tâm với công tác giảng dạy, cô giáo Đặng Thị Thanh Thảo còn là tấm gương sáng cảm hóa học sinh hành thiện, giúp đời.
Về phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), nhắc đến cô giáo Thảo (giáo viên dạy toán Trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc, từ trẻ con đến người lớn đều bày tỏ sự yêu quý, kính trọng với người đã dành cả cuộc đời gắn bó với các thế hệ học trò ở đây.
Đã ngoài 50 tuổi nhưng ngoài công việc chuyên môn, cô còn miệt mài với nhiều hoạt động giúp đỡ học trò nghèo khó, bất hạnh, các gia đình khó khăn, neo đơn… Đặc biệt, cô còn là cầu nối cảm hóa nhiều học sinh noi theo cùng làm việc thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn.
Để việc thiện nguyện lớn mạnh, có sức lan tỏa, cô Thảo cùng với những người chung chí hướng lập nên CLB thiện nguyện Tình Quê. CLB tập hợp gần 40 thành viên nhiệt huyết và mong muốn được làm việc thiện.
Thành viên chủ chốt của CLB gồm các chị em phụ nữ trú tại phường Điện Ngọc, ngoài ra còn có rất nhiều học sinh, sinh viên tham gia.
CLB hướng đến giúp đỡ các trường hợp khó khăn, bất hạnh tại phường Điện Ngọc hoặc tiếp nhận thông tin yêu cầu giúp đỡ từ nhiều địa phương trong và ngoài thị xã Điện Bàn rồi khảo sát, kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ.
Nhiều học sinh mồ côi trên địa bàn phường cũng được CLB Tình Quê trao học bổng khuyến học thường xuyên. Một số học sinh bỏ học giữa chừng có cơ hội làm lại cuộc đời khi CLB làm cầu nối đến những cơ sở đào tạo nghề miễn phí.
Riêng các cụ già neo đơn bệnh tật sẽ được hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt và nấu bữa cơm yêu thương qua chương trình “Ấm áp tình quê” vào mỗi dịp cuối tuần. Việc giúp đỡ các cụ sẽ được các thành viên phân công thực hiện.
Cô giáo Đặng Thị Thanh Thảo chia sẻ: “Ngoài việc được học kiến thức ở trường, thì việc rèn luyện cho các em về lòng bao dung, nhân ái yêu thương mọi người cũng rất quan trọng. Vì vậy, tôi cũng vận động, khuyên nhủ các em cố gắng làm việc thiện, giúp đỡ mọi người”.
Các em tuổi nhỏ làm việc nhỏ, ví dụ như đến hè hoặc các dịp nghỉ lễ, rảnh rỗi cô sẽ cùng các em đến các hộ neo đơn để dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn giúp các cụ…; hoặc để các em được tự tay phát quà cho các trường hợp khó khăn, bất hạnh tại phường; để các em cùng lên ý tưởng tổ chức trung thu cho các trẻ em bất hạnh; tổ chức đến thăm và tặng quà tại các trại trẻ mồ côi, khuyết tật....
Theo cô, đây là những bài học rất tốt để các em rèn luyện đạo đức bản thân, cảm hóa các em hướng thiện, giúp đỡ người yếu thế hơn. Khơi gợi lòng yêu thương gia đình, thầy cô, bạn bè, hướng đến con người tốt đẹp.
Cô kể, trong nhóm học sinh theo cô tham gia thiện nguyện cũng có nhiều em thuộc trường hợp quậy phá, bướng bỉnh; nhưng sau những chuyến từ thiện cùng cô, các em đã dần trưởng thành hơn rất nhiều.
Như em Nguyễn Mạnh Đô (học sinh lớp 9, thành viên của CLB), từng được liệt vào “danh sách đen” của trường vì quậy phá, lêu lổng. Tuy nhiên, từ ngày được cô Thảo dìu dắt và cũng tham gia những chuyến thiện nguyện cùng cô em đã học được cách bỏ đi “cái tôi” của mình.
“Khi chứng kiến những mảnh đời khó khăn, bất hạnh hay chứng kiến các bạn đồng trang lứa không có sách vở đến trường, Đô đã suy nghĩ và nhận ra nhiều điều trong cuộc sống. Từ dạo đó, em trưởng thành hơn và nỗ lực hướng thiện, giúp đỡ mọi người. Điều đó làm cô rất vui mừng, cô hy vọng sẽ có nhiều em học sinh cố gắng vươn lên làm điều hay, lẽ phải, là con ngoan trò giỏi”- cô Thảo tâm sự.
Ngoài những học trò cô đang giảng dạy, các học trò cũ của cô Thảo cũng là những “chiến binh” tích cực hỗ trợ cô giáo kính mến của mình trong công tác thiện nguyện. Dù đi làm bất kỳ nơi phương xa nào, nhưng khi CLB kêu gọi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh thì học sinh cũ của cô Thảo luôn sẵn sàng “đồng hành” cùng cô giáo của mình.
Chia sẻ về hoạt động tình nguyện của cô giáo Đặng Thị Thanh Thảo, bà Nguyễn Thị Sáu - Phó Chủ tịch phường Điện Ngọc - cho biết: “Thời gian qua, nhờ tấm lòng của cô Thảo và các thành viên trong CLB Tình Quê, không ít mảnh đời khốn khó ở địa phương được giúp chăm sóc và giúp đỡ. Đặc biệt những hoạt động có ý nghĩa của cô Thảo cũng giúp rất nhiều em học sinh, đặc biệt là học trò hư thay đổi nhận thức, giúp ích cho cộng đồng”.
N.Linh-C.Bính