Cô gái khuyết tật hiếu học phá kỷ lục Asean Paragames

(Dân trí) - Bấy lâu nay, Hồ Thị Loan, cô gái Vân Kiều sinh năm 1991 ở thôn Klu, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị được dân làng biết đến như là một tấm gương học sinh khuyết tật hiếu học. Mới đây, Loan còn “rinh” về bản hai huy chương vàng, một huy chương bạc Asean Paragames 4.

Nghèo khó, tật nguyền vẫn ham học

Hồi còn nhỏ, Loan bị xe ô tô tông phải và bị cụt mất bàn chân bên phải. Thế là đang từ người lành lặn cô bé trở thành người khuyết tật. Nhà gần trường, nhìn những học sinh rộn rã cười đùa, Loan thấy thèm đi học quá. Nhưng cô chỉ im lặng vì nhà nghèo, bố mẹ ốm đau mà ngày ngày vẫn bám rẫy. Với tình cảm của người mẹ, bà Pí Khâng nhận ra niềm khao khát khao của con gái và bàn với chồng cho Loan đị học.

Buổi đầu làm quen với cái chữ không khó. Điều khiến cô bé tật nguyền âu lo nhiều nhất là những lời trêu chọc. Nhiều lần, Loan đã định bỏ học, nhưng lại nghĩ bố mẹ đang trông đợi ở mình, rồi sáu anh chị em đã nhường ước mơ đi học cho mình, cô bé tự nhủ phải vượt qua tất cả để đến trường.

Thời gian dần trôi, ngày càng nhiều bạn bè thông cảm với Loan. Có lần vào dịp 20/11, em được các bạn trong lớp chọn vào đội văn nghệ và tiết mục múa Hoa đẹp ChămPa của Loan được giải nhất.

Cô gái biết lo từ sớm này còn xin bố mẹ cho đi làm rẫy thuê kiếm tiền mua sách vở. Vì vậy mà mỗi quyển sách, trang vở, ngòi bút… đối với Loan thực sự quý giá. Những hôm trở trời, chân nhức nhối, Loan vẫn cố gắng đến lớp bởi “ở nhà không biết làm gì, lại mất mấy tiết học”. Tối đến, bố mẹ tắt điện đi ngủ, Loan lại lén khêu ngọn đèn tù mù học bài. Niềm say mê và sự nỗ lực không ngừng ấy được đền đáp: năm nào, em cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến hoặc học sinh giỏi. Và Loan đang nuôi ước mơ trở thành người cõng con chữ về bản như các thầy cô mà em ngưỡng mộ.

Bén duyên với thể thao

Con đường đến với Asean Paragame 4 của Loan bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với cán bộ phòng Văn hóa Thông tin huyện. Phát hiện Loan có năng khiếu trong môn bơi lội, các anh xin phép cho Loan tham gia tập luyện, thi đấu thể thao. Bố mẹ đã thuận lòng nhưng Loan lại chần chừ. Cô băn khuăn vì “cả học, cả tham gia thi đấu thể thao em đều thích nên chẳng biết chọn cái nào”. Cuối cùng, Loan quyết định chọn thi đấu thể thao. “Học là ước mơ lớn nhất của em. Nhưng nhà em khó khăn quá, cái bụng đi học lúc nào cũng lo mình không thực hiện ước mơ ấy trọn vẹn. Nếu tham gia thi đấu thể thao, em có thể có thêm tiền thực hiện mơ ước trở thành giáo viên sau này”, Loan lý giải thật bình dị.

Cô gái khuyết tật hiếu học phá kỷ lục Asean Paragames  - 1

Hồi còn nhỏ, Loan bị
xe ô tô tông phải và bị
cụt mất bàn chân bên
phải. (Ảnh: Q.Hiệp).

Suy nghĩ thế, Loan cố gắng vừa tự học vừa tham gia tập luyện. Các huấn luyện viên vẫn nhớ hình ảnh cô học trò tật nguyền sau mỗi giờ luyện tập lại cặm cụi với trang sách, hay luôn chăm chú tìm hiểu những điều mới lạ xung quanh.

Bơi lội là môn thể thao không quá khó đối với Loan nhưng tập luyện để đạt thành tích cao, quả không dễ dàng. Ngày ngày, Loan phải làm quen với những bài tập thể lực “khó nhằn” như kéo dây, cơ lưng, cơ bụng… Những buổi đầu chưa quen, tối nào người cũng ê ẩm, chân tay mỏi nhừ như bị đánh. Lúc mệt, Loan thường khó thở nhưng em vẫn cố gắng tập đều.

Trời chẳng phụ lòng người, ngay ở giải đấu đầu tiên - Hội thi Thể thao Người khuyết tật toàn quốc, Loan giành giải nhất với thành tích vượt xa kỉ lục Asean Paragames diễn ra trước đó. Với thành tích này, Loan vinh dự có mặt trong danh sách các vận động viên người khuyết tật tham gia thi đấu tại Asean Paragames 4 diễn ra đầu tháng 1 vừa rồi tại Thái Lan.

Khi “đem chuông đi đấm xứ người”, cô gái chưa đầy 17 tuổi ấy đêm nào cũng nhớ nhà. Em lao vào tập luyện cần mẫn với mong ước đem huy chương vàng về cho mẹ vì “bố mẹ em cả đời chưa thấy chiếc huy chương vàng thế nào”. Và kết quả mà Loan đạt được thật trên cả mong đợi: huy chương bạc ở cự li 100m bơi tự do, hai huy chương vàng môn bơi bướm ở cự li 50m (phá kỉ lục Paragames với thành tích 46 giây 11) và cự li 100m (lập kỉ lục Paragames với thành tích 1 phút 42 giây). “Khi chuẩn bị thi đấu, em sợ thua đến chảy nước mắt. Nhờ cô Vân (huấn luyện viên - PV) và các anh chị động viên, em mới tự tin hơn. Cảm giác đứng trên bục nhận huy chương, thấy lá cờ nước mình kéo lên, em xúc động vô cùng”, Loan tâm sự.

Kết thúc Asean Paragames, Loan trở về bản trong tiếng chiêng trống vang lừng thôn Klu. Những tấm huy chương của Loan được nâng niu chuyền từ tay người này sang tay người khác. Trong niềm vui lớn lao, cô vẫn không khỏi âu lo: “Em đi thi đấu thế này, giờ sợ thầy cô cho ở lại lớp quá!”. Và cô gái hiếu học lại gác những tấm huy chương sang một bên, lấy sách vở ra chép bài.

Trương Quang Hiệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm