Tuổi thơ đòn roi:

Cô gái 5 lần tìm đến cái chết vì đòn roi của mẹ

(Dân trí) - Sau mỗi lần bị mẹ đánh đập, chửi rủa, Ngân lại nghĩ đến cái chết. Đã 5 lần cô thực hiện ý định tự tử rồi ngưng vào phút chót. Cô gái muốn quá khứ ngủ yên nhưng nỗi đau vẫn là hiện tại, giờ đây cô đang mang trong mình căn bệnh trầm cảm nặng nề...

Đánh để chứng minh dạy con tốt

Da trắng, người mảnh mai, tóc dài, khi tiếp xúc với người khác, cô gái Lê Bích Ngân hay cười, dễ nói chuyện… Nhưng cô gái 27 tuổi lắc đầu ngay với nhận xét này về mình. Cô nói ít ai biết cô mang đủ thứ bệnh kỳ quặc trong tính cách và phải điều trị căn bệnh trầm cảm từ nhiều năm nay.

Bích Ngân đã 5 lần tìm đến cái chết và đủ số trò hành hạ bản thân để quên sự hà khắc của mẹ (Ảnh nhân vật cung cấp)
Bích Ngân đã 5 lần tìm đến cái chết và đủ số trò "hành hạ" bản thân để quên sự hà khắc của mẹ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngân không biết chắc nguyên nhân từ đâu mình ra nông nỗi này. Chỉ có điều, cô cứ mãi ám ảnh bởi tuổi thơ lớn lên trong sự hà khắc và đòn roi của mẹ. Ngân muốn quên đi những ký ức toàn nước mắt, tủi hờn mà rồi càng muốn quên lại càng nhớ. Chỉ cần nghe đến chuyện đòn roi, mắng mỏ thôi là cô bật khóc ngay tức thì.

Mẹ Ngân là giáo viên, bà hay đánh Ngân trước mặt mọi người, nhất là trước đồng nghiệp như để chứng minh sự nghiêm khắc của mình, chứng minh mình dạy con tốt và con rất sợ mình.

Từ ngày bé tí, Ngân đã bắt đầu ăn đòn, bà mẹ đánh rất nặng như nhấn đầu cô xuống đất, lấy dây điện trói, vụt, túm hai tai giằng giật khiến đầu liên tục lắc lư ra trước rồi đẩy ra sau làm cô chóng mặt, hoa mắt, sợ hãi khóc ré lên.

Đáng sợ nhất là khi mẹ đánh Ngân, chỉ cần có ai lên tiếng can ngăn thì bà càng đánh mạnh, đánh nhiều. Ngân chẳng bao giờ dám cầu cứu ai và cũng không ai dám can thiệp. Bà muốn con nghe lời một cách tuyệt đối.

Bạn bè ít ai dám chơi với Ngân, chẳng ai đến nhà chơi vì sợ mẹ cô. Bà không cho con ra ngoài chơi nên cô bé chỉ quanh quẩn trong nhà một mình. Cô tưởng tượng ra rất nhiều câu chuyện, nào mình là công chúa được nhiều người quan tâm, những chuyến phiêu lưu mình là nhân vật chính với nhiều ánh mắt theo dõi và cô hay cười một mình trong bóng tối như tự tìm hạnh phúc, niềm vui cho bản thân.

Những biểu hiện bất thường của Ngân lại càng làm mẹ nổi khùng. Bà nói Ngân là "con ma ám cái nhà này", nói con gái bị điên để cho ngay vào trại và hiển nhiên mỗi lần la mắng con bà luôn kèm theo vài ba cái tát.

Cứ nhìn thấy mẹ là Ngân sợ, hoảng loạn. Lúc mới là cô học trò lớp 3, cô đã nghĩ đến việc lấy rèm cửa sổ treo cổ tự tử để khỏi bị mẹ đánh, khỏi nhìn thấy mẹ. Lúc đó, Ngân còn quá bé để hiểu căn bệnh trầm cảm của mình xuất hiện từ rất sớm.

Chỉ cần Ngân viết chữ xấu, chưa đúng nét là "ăn đòn"ngay lập tức, không có lấy một cơ hội để sửa sai. Trong những chuyện khác cũng vậy, cô không có lối thoát nào khác ngoài việc nhận đòn. Ngân không biết mình phải làm thế nào để mẹ hài lòng, làm thế nào để không bị chửi mắng, làm thế nào để không bị đánh.

Không thể nhớ hết số lần cô bị mẹ đánh cũng tương ứng với số lần cô nghĩ đến cái chết.

Một lần bị mẹ đánh, cả đêm Ngân không ngủ được. 5h30 sáng, chuẩn bị soạn sách vở đi học mà Ngân chảy nước mắt như mưa. Trong vô thức, Ngân treo sợi dây cước cửa sổ với ý định tự tử. Khi sợi dây đã treo lên thì Ngân nghe tiếng rống ở lò mổ lợn ngay sát nhà mình. Cô học trò đứng quan sát toàn bộ cảnh hai người đàn ông đang chọc tiết lợn, tiếng rống rồi tiếng rên rỉ cho đến khi lịm dần của chú lợn làm Ngân sợ hãi giật ngay sợi dây xuống.

Cô tự nhủ: “Thế nào cũng không được chết! Không được chết!” rồi đến trường với một tâm trạng hoảng loạn, bất an mà chẳng ai quan tâm, hay biết.

Năm lớp 9, ở trường học, các bạn có trò ghi số điện thoại lên tờ tiền 1.000 đồng rồi mua đồ ăn ở căng tin như một cách kết bạn. Sau đó, có hai cô bạn gái gọi điện cho Ngân làm quen rồi hay tâm sự với nhau rất vui vẻ. Ngân không hề biết rằng, mọi cuộc nói chuyện của mình mẹ đều nghe lén qua điện thoại bàn ở tầng trên. Đến tối, mẹ kể lại với bố và lôi Ngân ra tra khảo rồi đánh em tối tăm mặt mũi.

Cô nhận cái tát của mẹ kèm lời cảnh cáo: “Mày làm gì tao biết hết, đừng có trí trá với mẹ”.

Cô gái trẻ với căn bệnh trầm cảm

Khi Ngân lên cấp 3, có thể do cô đã lớn, mẹ không đánh cô nữa nhưng giữa hai mẹ con đã có một khoảng cách rất lớn, sống trong một nhà nhưng ánh mắt luôn né tránh nhau. Ngân không còn tin tưởng ở mẹ, không nghe lời bà nói.

Ngân yêu thích “hành hạ” bản thân bằng cách... dùng lưỡi lam rạch nát tay chân Ngân bắt đầu từ cấp 2 cứ theo cô đến khi vào đại học. Nhờ nỗi đau thể xác, ánh mắt dữ dằn cho đến những cái tát, cái đánh của mẹ mờ dần, mờ dần. Đến khi cơn đau qua, điều khủng khiếp lại hiện lên trước mắt cô.

Trải qua nhiều mối tình nhưng Ngân chưa từng nghĩ đến chuyện lập gia đình, cô sợ mình sẽ giống mẹ, sợ mình là bản sao của bà. Ngân yêu và chia tay nhiều người và phần lớn tan vỡ bởi họ không chịu đựng nổi tính cách thất thường của cô.

Tuổi thơ tủi hờn kéo theo nhiều nỗi đau hiện tại cho cô gái trẻ (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tuổi thơ tủi hờn kéo theo nhiều nỗi đau hiện tại cho cô gái trẻ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngân mơ hồ nhận ra mình có xu hướng dằn vặt và hành hạ mọi người xung quanh. Trong mối quan hệ tình cảm, càng yêu cô càng làm họ đau đớn để rồi khi chia tay lại hối tiếc sao mình không cư xử với người ta tốt hơn. Nhưng rồi đến người khác, lại như cũ… Ngân không điều khiển được cảm xúc của mình.

Trái với vẻ ngoài thanh mảnh, nhẹ nhàng, Ngân tự đánh giá mình cục tính, ích kỷ và bạo lực, ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ và công việc. Cô lý giải do thèm khát sự yêu thương nên cô trở nên nhỏ nhen hay ghen tuông, đố kỵ và lúc nào cũng muốn bản thân mình phải được quan tâm, phải tỏa sáng… dẫn đến rất nhiều trắc trở trong cuộc sống, trong công việc.

Nhắc lại chuyện cũ, Ngân đặt câu hỏi với tôi: “Nếu em được bố mẹ yêu thương, trân trọng từ nhỏ liệu con người em có thế này không chị?”. Hiện giờ Ngân vẫn đang uống thuốc điều trị bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm.

Trước câu hỏi đó, tôi và Ngân cùng bật khóc!

Phải chăng tuổi thơ ám ảnh cô gái quá nặng nề. Nếu Ngân như cô nói, chắc sẽ không có cuộc nói chuyện hôm nay, Ngân đã chẳng mở lòng chia sẻ câu chuyện quá khứ mà cô từng nghĩ sẽ là bí mật của riêng mình. Ngân kể ra với mong muốn sẽ không còn đứa trẻ nào phải lớn lên, phải sống bằng những ký ức khủng khiếp mà mình đang tìm cách vượt quá. Bởi nó đáng sợ lắm, tổn thương lắm.

Có chăng đúng như Ngân nói, do không được yêu thương theo cách mà một đứa trẻ cần nên cô tự nhìn nhận giá trị bản thân thấp đi.

Giữa hai mẹ con luôn có một ngăn cách rất khó hàn gắn, nói chuyện qua lại vài câu là cãi nhau. Ngân cũng tự hỏi rằng liệu có mẹ có bao giờ biết lý do bắt nguồn từ những ký ức Ngân đã trải qua, bắt nguồn từ cách dạy con của mẹ…

Đến giờ, dù sao Ngân cũng đã hiểu được sự căng thẳng của cha mẹ khi sợ con mình hư, tin là roi vọt sẽ giúp con mình ngoan ngoãn. Họ thà nhẫn tâm đánh con để con ngoan, còn hơn con bị dụ dỗ hư hỏng sau này. Ngân không còn trách hay giận mẹ vì quá khứ. Chỉ có điều, nỗi sự sợ hãi và đau đớn vẫn còn là hiện tại.

*Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)