Tuổi thơ đòn roi: Những ký ức tăm tối

(Dân trí) - Khi một đứa trẻ bị đánh đòn, chúng ta thường chỉ nhìn thấy những thương tích, vết bầm tím trên thân thể con. Nỗi đau về thân thể rất dễ lành, nhưng tổn thương về tinh thần có thể đeo đẳng đứa trẻ cho đến khi lớn lại có những “biến hóa” đáng sợ.

Những trang nhật ký ức đầy nước mắt

Chẳng biết từ lúc nào, chỉ biết từ bé tí, Phạm Hữu Mạnh, 26 tuổi, quê ở Con Cuông, Nghệ An đã quen với việc được bố “thương” không phải bằng roi mà bằng... dây thừng, thắt lưng. Chẳng cần phải hỏi lý do, gần như mọi giao tiếp hàng ngày, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, bố Mạnh đều vung đòn với con cái.

Khi nào thấy chồng đánh con mạnh quá, mẹ Mạnh mới nói vài ba câu còn nữa bà chỉ im lặng, xem đó là cách dạy con hiển nhiên. Bà cũng đánh con và bà cũng bị bố đánh…

Mạnh từng bị bố dùng đòn roi để yêu thương và giờ cậu lại tiếp tục là bản sao của bố trong việc dạy vợ con (Ảnh: Hoài Nam)
Mạnh từng bị bố dùng đòn roi để "yêu thương" và giờ cậu lại tiếp tục là bản sao của bố trong việc "dạy" vợ con (Ảnh: Hoài Nam)

Rất nhiều lần, Mạnh bị bố trói trước cửa nhà cả tiếng đồng hồ rồi ông đi ngủ, đến khi hàng xóm thấy tay cậu bầm máu mới liền cắt dây trói. Mạnh chìa đôi tay chai sạn lên rồi cười chua chát: “Không thì hoại tử cắt bỏ tay lâu rồi”. Còn việc ông bố rút thắt lưng vụt tới tấp vào người, dùng điếu cày đánh vào đầu con thì kể không hết.

Nhà Mạnh có anh em trai, tất cả những đứa con đều được bố mẹ dạy bằng đòn roi. Cả ba đều bướng bỉnh, quậy phá, được xem như là thành phần “bất hảo” ở trong làng và khi đến trường. Anh em Mạnh hay gây gổ, đánh người. Ở trường, Mạnh nhờn với việc bị kỷ luật, bị gọi tên trong lễ chào cờ, bị thầy giáo tổng phụ trách bạt tai… Chẳng như kỳ vọng con sẽ ngoan, học giỏi bởi sự nghiêm khắc của bố, hết lớp 9 Mạnh bỏ học.

“Đã có nhiều lần tôi muốn bỏ nhà đi để thoát khỏi đòn roi của bố, thoát khỏi cảnh nhìn bố đánh mẹ và hai em. Nhưng rồi tôi chai lỳ, xem việc mình bị đánh và nhìn người khác bị đánh là chuyện bình thường”. Mạnh kể. Chỉ bây giờ, mỗi khi nhớ lại Mạnh lại cắn chặt môi và không khỏi sợ sệt, hoảng loạn.

Phạm Diệu Kỳ, một cô giáo dạy nhạc trẻ tuổi ở TPHCM cũng có một tuổi thơ với những ký ức tối tăm bởi đòn roi. Bố mất sớm, mẹ sống cùng người đàn ông khác cũng là lúc chị em Kỳ chịu cảnh đòn roi của mẹ và bố dượng.

Kỳ nhớ nhất một lần bố dượng thức để chờ mẹ, vào phòng thấy Kỳ chưa đi ngủ thì ông điên loạn lôi cô bé đang tuổi mới lớn xuống nhà đánh giữa đêm.

Đáng sợ nhất là mọi người xung quan, cả mẹ và cả bản thân Kỳ lúc đó dù hận nhưng vẫn nghĩ ông ta thương chị em mình. Mẹ cô luôn nói rằng có thương mới đánh, Kỳ hận lắm và không lý giải nổi, không hiểu nổi tại sao đầu năm học, mẹ luôn nói với tất cả giáo viên của con gái: “Cô cứ đánh nó nhiều vào cho tôi”.

“Cứ mỗi dịp Tết lễ là mẹ gửi chị em mình sang nhà bác nội rồi đi du lịch. Cứ nghĩ đến cảnh hai chị em tủi thân ôm nhau khóc là mình đau nhói, ký ức kinh hoàng lại tràn về”, Kỳ tâm sự.

Sau đó, mẹ gửi chị em Kỳ lên dòng sơ mà ở đó bà sơ chăm quá nhiều trẻ, hay khùng và cũng đành đòn trẻ thường xuyên. Còn mẹ Kỳ mới đầu tháng đến thăm con một lần, sau hai tháng, sau nửa năm rồi vắng dần. Đến năm Kỳ học lớp 9, dòng sơ giải tán, Kỳ trở về nhà và mọi xung đột với bố mẹ mới thật sự bắt đầu.

Nhưng từ lúc đó, cô bắt đầu phản kháng bằng việc cáu gắt, chửi bới thậm chí là nguyền rủa mẹ - những điều mà đến giờ Kỳ không muốn nhớ, không muốn nhắc đến mà vẫn nhức nhối trong lòng.

Chị Thu Hoài, một nhân viên ngân hàng làm việc ở TPHCM cũng có một tuổi thơ kinh hoàng bởi đòn roi của mẹ. Nhà đông con, bố vô tâm, một mình mẹ chị phải cáng đáng mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình. Bà không biết con cái đến lớp thế nào, bạn bè ra sao, còn chẳng có thời gian đi họp phụ huynh cho con nhưng luôn yêu cầu con phải học giỏi, con điểm kém là… vụt.

Đòn roi có thể nói là phương tiện duy nhất bà dùng để dạy con, không cho con trình bày lý do chứ chưa nói là chấp nhận ý kiến của con. Đã có những lần mẹ dốc ngược đầu chị nhúng vào nồi cám lợn rồi có vô số lần chị bị mẹ lôi ra giữa đường đè ngửa ra đánh tới tấp, cả làng kéo nhau tới xem.

Đúng vào tuổi dậy thì ương bướng, chị kháng cự bằng cách không hề giao tiếp bằng lời với mẹ, chỉ im lặng lắc hoặc gật. Mẹ chị càng điên - càng đánh - chị càng lỳ đòn và trút những ấm ức của mình khi đến trường. Từ một học sinh được đánh giá là giỏi, ngoan chị bỏ bê học hành, quậy phá, đánh bạn, cãi thầy, kéo bè kéo cánh.

Bản sao đáng sợ

Đến giờ trên đầu, vai, thân, tay chân của Mạnh vẫn chi chít những vết sẹo - dấu ấn những trận đòn của bố và cả những lần cậu đi đánh nhau chí tử. Nỗi đau thể xác, những vết thâm tím rồi cũng lành theo thời gian chỉ có những ký ức là sự sợ hãi với những ám ảnh, đeo đẳng trong những đứa trẻ lớn lên bằng roi vọt. Và đáng sợ hơn, tâm sinh lý của con trẻ lớn lên bằng đòn roi vừa hận, vừa sợ bạo lực nhưng họ lại có xu hướng yêu bạo lực và tiếp tục xem bạo lực như một cách “dạy dỗ” người khác.

Sau khi thấy mẹ con sống với nhau chỉ thêm căng thẳng, ức chế, Kỳ ra ngoài sống riêng. Đến giờ, Kỳ đã hiểu phần nào những bất hạnh, trắc trở của mẹ, biết mẹ cũng là “nạn nhân” của thế hệ bạo lực mang tính kế tiếp, thương bà nhiều hơn và tự nhủ sẽ tha thứ cho bà. Nhưng rồi thật không dễ dàng khi cô rất nóng nảy, khó tính và hà khắc với mẹ. Cô xét nét, khó chịu với bà từng ly từng tí như ngày trước mẹ đối với mình để rồi cô lại tự dằn vặt bản thân.

“Đến bao giờ tôi mới có thể mở lòng mình? Tôi muốn xếp quá khứ ngủ yên nhưng ký ức vẫn cứ tràn về với sự hoảng loạn, sợ hãi và nhất là khi ký ức đang hiện hữu trên chính con người mình?”, Kỳ đặt câu hỏi.

Mỗi đứa trẻ cần được yêu thương, tôn trọng để có sự phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần (Ảnh: Học trò ở TPHCM tham gia chuyên đề nói không với bạo lực)
Mỗi đứa trẻ cần được yêu thương, tôn trọng để có sự phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần (Ảnh: Học trò ở TPHCM tham gia chuyên đề nói không với bạo lực)

Hay như Mạnh, nghĩ đến những trận đòn của bố ngày trước, cậu đau lắm, hận lắm nhưng giờ lấy vợ, sinh con cậu lại là bản sao của bố: Đánh vợ và đánh con bởi "đánh thì nó mới sợ".

Cũng có lúc Mạnh tự dằn vặt mình, trách mình, tự hứa sẽ thay đổi mà rồi đâu lại vào đấy. Cậu nói, co con thì phải dạy. Mà từ bé đến giờ, đã lúc nào Mạnh được yêu thương, được tiếp xúc, dạy dỗ bằng cách nào khác ngoài cách “yêu cho roi” đâu. Ông bố trẻ đang tiếp tục gieo những tổn thương của tuổi thơ của mình vào đứa con nhỏ.

Được tiếp xúc nhiều với các phương pháp dạy con khoa học, chị Hoài luôn tự nhủ sẽ không để con mình phải chịu đựng ám ảnh kinh hoàng của đòn roi. Chị ý thức được điều đó nhưng rồi chẳng hiểu sao mỗi khi con bướng, không chịu ăn, chị lại đánh con.

Người mẹ đã rất nhiều lần bật khóc, thậm chí nghĩ đến cái chết khi không kiềm lòng được với con: “Đòn roi khủng khiếp không chỉ ở những vết tầm hay những vết thương tứa máu. Tôi đang là bản sao của mẹ ngày trước, tôi chán ghét chính bản thân mình”.

Khi bị đánh đòn thì đau thể xác nhanh lành nhưng để lại hậu họa dai dẳng về tinh thần. Theo các chuyên gia tâm lý, đứa trẻ sẽ trở nên cục cằn, nóng nảy và cho dù ý thức được đánh người khác là sai nhưng tiềm thức lại có xu hướng, yêu bạo lực và ra tay một cách bột phát, không kiểm soát được. Có thể những ông bố bà mẹ đánh con bởi vì họ cũng là nạn nhân của bạo lực, được dạy dỗ bằng bạo lực và có tính “kế thừa” từ thế hệ này kéo theo thế hệ khác.

Chính bố mẹ với biện pháp “yêu cho roi” đang tạo ra những ông chồng, ông bố tương lai bạo hành vợ con, tạo ra những bà vợ cam chịu, không dám lên tiếng khi bị bạo hành nhưng lại có xu hướng “trút giận” vào con nhỏ bằng chính bạo lực.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)