Chuyện về lớp học đặc biệt nơi biên cương của thầy giáo mang quân hàm xanh

Hạnh Linh

(Dân trí) - Màn đêm buông xuống nơi núi rừng vùng biên Mường Lát, Thanh Hóa cũng là lúc từng tốp người ở Pa Búa í ới gọi nhau đến lớp xóa mù chữ. Lớp học đặc biệt với các bà, các mẹ đã 50, thậm chí ngoài 60 tuổi…

Khi bố mẹ đi học xóa mù chữ!

Hẹn mãi cuối cùng tôi cũng có dịp dự lớp học đặc biệt của thầy giáo mang quân hàm xanh Hơ Văn Di (45 tuổi), nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Trung Lý tại lớp xóa mù chữ ở điểm Trường tiểu học Trung Lý 2, bản Pa Búa, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Tôi gọi đây là lớp học "đặc biệt" bởi thầy giáo đứng lớp là người lính mang quân hàm xanh. Học viên lớp học là các bà, các mẹ, chị em đồng bào dân tộc Mông. Lớp có hơn 40 học viên, người trẻ nhất ngoài 30 tuổi, người già cũng ngoài 60. 

Chuyện về lớp học đặc biệt nơi biên cương của thầy giáo mang quân hàm xanh  - 1

Lớp học xóa mù chữ do đồn biên phòng Trung Lý phối hợp với Hội LHPN huyện Mường Lát tổ chức đã và đang tạo hiệu ứng tích cực (Ảnh: Hạnh Linh).

Bà Vàng Thị May (54 tuổi), đã hơn nửa đời người chỉ biết quanh quẩn với đồi xoan, nương sắn, đây là lần đầu bà May được đến lớp học con chữ. Bà bảo, trước đây nhà đông anh em, lo cái ăn, cái mặc đã khó nói gì đến việc đi học. Giờ đi học trước hết để biết cái chữ, không còn bị chê lạc hậu, mù chữ và để con cháu noi gương học hành.

Những tấm gương và câu chuyện nỗ lực dạy học, xóa mù chữ nơi bản cao chính là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực thực hiện hiệu quả Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Bàn tay chai sạn lần dở từng trang sách, bà May tiếp lời, tháng 10 vừa qua, trưởng bản Pa Búa - Sùng A Thể cùng cán bộ biên phòng đến vận động đi học lớp xóa mù chữ của thầy Di.

Ban đầu bà May cũng thấy ái ngại, nghĩ mình già rồi học làm gì. Song, được cán bộ vận động, đi học để biết viết tên mình, biết tính con trâu, bò, lắng nghe được những thông báo của xã, bản về các chủ trương, chính sách.

"Cái bụng thấy học chữ có nhiều cái lợi, mình cùng mấy chị em trong bản đi học thôi à!", bà May cười hóm hỉnh.

Nhớ về những ngày mới đến lớp học xóa mù chữ, chị Thao Thị Sanh còn thẹn thùng, e ngại. Chị Sanh kể, cái tay của Sanh lâu nay chỉ quen cầm dao chặt ngô, cầm cuốc xới đất, đào sắn chứ không biết cầm bút viết. Thầy Di thấy Sanh cứ loay hoay với bút, vở, thầy ân cần cầm tay chỉ bảo: "Cứ viết từ từ, dần dần sẽ quen".

Sanh nói, từ nhỏ đến giờ chưa từng rời khỏi Pa Búa bởi sợ bị lừa khi không biết đọc, biết viết. Nay có lớp học xóa mù của thầy Di, Sanh vui lắm! Nhờ thầy hướng dẫn, Sanh đã biết đọc, làm toán, viết được tên mình ở tuổi 41.

Chuyện về lớp học đặc biệt nơi biên cương của thầy giáo mang quân hàm xanh  - 2

Thầy giáo Hơ Văn Di cầm tay, hướng dẫn các học viên viết những nét chữ đầu tiên (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chị Sanh cho biết, thầy Di dạy rất dễ hiểu. Ban đầu thầy dạy các chị em bằng tiếng phổ thông, nhưng chỗ nào chưa rõ thầy lại phiên dịch sang tiếng Mông cho chị em dễ tiếp nhận.

Ngoài dạy chữ, thầy Di còn hướng dẫn bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan, nhất là vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Gian nan "gieo chữ"

Sau 1 giờ ê a luyện đọc, tập viết, thầy Di cho lớp nghỉ giải lao.

Thầy Di nói lớp xóa mù đầu tiên do thầy đứng lớp là năm 2009. Từ đó đến nay, thầy Di không nhớ mình đã dạy bao nhiêu lớp, xóa mù cho bao nhiêu bà con nữa.

Sinh ra và lớn là con của bản Mông, thầy Di cho biết, đồng bào mình thường có tâm lý tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp, sống xa lánh với các dân tộc anh em trên địa bàn. Tâm lý sống di cư nên ít người đặt nặng vấn đề xây dựng, phát triển làng bản mang tính lâu bền, kiên cố.

Bà con quan niệm "cái chữ không làm no cái bụng" vì thế việc vận động bà con đi học lớp xóa tái mù là điều không dễ.

Thầy Di nhớ, có lần thầy đến nhà anh Giàng A Sáng, bản Khằm 2, xã Trung Lý vận động vợ chồng Sáng đi học. Sáng cổ hủ và không muốn vợ đi học. Thuyết phục mãi không được, biết Sáng thích uống rượu, thầy Di mua rượu đến biếu thì Sáng tươi cười đồng ý.

Chuyện về lớp học đặc biệt nơi biên cương của thầy giáo mang quân hàm xanh  - 3

Bà con đồng bào Mông ở Pa Búa quý mến Đại úy Hơ Văn Di, gọi anh là thầy Di (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Dạy đồng bào phải kiên trì, không nóng vội. Có người dạy trong vòng một tháng đã biết đọc, viết, làm toán cơ bản nhưng có người phải đến 2 tháng mới viết được nét chữ đầu tiên.

Bởi không được đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ về sư phạm nên thầy Di phải soạn, tìm hiểu kỹ nội dung trong sách giáo khoa xóa mù chữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.

Sau hơn 10 năm đứng trên bục giảng, Đại úy Di đã đi đến nhiều nơi trên rẻo cao Mường Lát dạy chữ cho đồng bào. Anh Di bảo, dù được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng con đường đến với bản Mông còn nhiều khó khăn.

Để đến được với Pa Búa, Đại úy Di phải đi đò vượt sông Mã rồi hành trình ngược đồi, ngược núi gần 30km với những cung đường nguy hiểm luôn rình rập. Vì đường xa, khó đi, đầu tuần Đại úy Di vào Pa Búa "cắm bản", ở lại đến sáng thứ 7 mới về đơn vị. Ban ngày anh thực hiện nhiệm vụ của người lính, tối đến lại lên lớp dạy chữ cho bà con.

Nhớ lại gần 30 năm trước, ước mơ được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh áo lính, chàng trai đồng bào Mông Hơ Văn Di, bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát nỗ lực băng rừng, lội suối đến trường.

Thế rồi đến lúc củ sắn, bắp ngô ở trong nhà không còn, Di phải rời ghế nhà trường khi học xong cấp 2.

Năm 22 tuổi, thầy Di viết đơn đi bộ đội, được phân công về Đồn biên phòng Quang Chiểu (Mường Lát). Là người đam mê học, năm 2001, chiến sĩ Hơ Văn Di được chỉ huy đơn vị cử đi học lớp văn hóa ngoại ngữ ở Hưng Yên.

Sau khi tốt nghiệp Trung cấp biên phòng, thầy được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý cho đến nay.

Là người lính song thầy Di có năng khiếu sư phạm, lại là người đồng bào, hiểu được tập quán văn hóa, nói tiếng Mông, Thái thành thạo nên thầy được đơn vị tin tưởng, giao nhiệm vụ đứng lớp xóa mù chữ cho bà con.

Chuyện về lớp học đặc biệt nơi biên cương của thầy giáo mang quân hàm xanh  - 4

Thầy Di dạy học viên đánh vần, đọc bài (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thiếu tá Hoàng Ngọc Trung, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Trung Lý, cho biết, lớp học xóa tái mù do Đại úy Hơ Văn Di có hiệu quả tốt. Là người đồng bào, thầy Di không chỉ dạy chữ mà còn tâm sự, giảng giải, lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

"Lớp học xóa tái mù ban đầu chỉ có vài người đăng ký những sau khi biết thầy Di nhiệt tình, dạy dễ hiểu, bà con tham gia học rất đông, có lúc đến 60 người", Thiếu tá Trung chia sẻ.

Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, cho biết, Pa Búa là nơi định cư của đồng bào Mông, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Trước đây bà con không có điều kiện đến trường nay được Đại úy Di về dạy chữ bà con rất vui, tích cực đi học.

Chia tay thầy Di khi lớp học đang hăng say với âm thanh đánh vần vang vọng giữa núi rừng. 3 tháng sau thời gian ở Pa Búa, thầy Di sẽ tiếp tục hành trình gieo chữ của mình ở một nơi khác. Dẫu còn nhiều khó khăn, song thầy Di luôn tin rằng, con chữ sẽ giúp cho đồng bào ở vùng đất nghèo khó từng ngày sớm ấm no, hạnh phúc.