Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Lớp học "xóa mù" đặc biệt ở Gia Lai

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Cô giáo Phan Thị Khánh, Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh đã khắc phục khó khăn, nỗ lực duy trì sĩ số, sáng tạo trong công tác giảng dạy, để mang con chữ đến với học sinh nghèo vùng khó.

Việc phát triển giáo dục đào tạo, xóa mù chữ cho bà con dân tộc là một trong những nội dung nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ba tháng nay, lớp học xóa mù chữ cho người Jrai (làng Bẹk, xã Ia Bă, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) của cô giáo Phan Thị Khánh luôn nhộn nhịp tiếng cười nói, dạy nhau tập đọc, đánh vần. 

Lớp học có 25 học viên, nhỏ nhất 20 tuổi, lớn nhất đã ngoài 50, toàn bộ đều là người Jrai chưa từng biết tiếng Việt.

Cô Khánh kể, để mở được lớp xóa mù chữ này, cả một mùa hè, cô cùng các đồng nghiệp của mình đã phải lặn lội vào làng, hỏi han xem còn hộ nào có người chưa biết đọc, để vận động ra lớp.

Lớp học xóa mù đặc biệt ở Gia Lai - 1

Những học sinh trong lớp xóa mù (Ảnh: T.N).

Có người hồ hởi, có người lại e ngại, vì nghĩ lớn tuổi không thể học nữa. Nhưng cũng vì nghe cô nói rằng biết chữ để đọc báo, sử dụng điện thoại, hay hát karaoke,… dần dà, tất cả học viên "mù chữ" đều tới lớp để được "xóa mù".

Cô Khánh vui mừng cho biết, sau chưa đầy ba tháng làm quen với con chữ, tới nay hầu hết học viên đều đã biết đánh vần và đọc được. Những học trò lớn tuổi tập đánh vần và không giấu được ngại ngùng vì được cô khen đọc đúng, cô Khánh cảm thấy rất vui mừng.

Ngoài lớp dạy xóa mù chữ hiện nay, cô giáo Phan Thị Khánh đã có 28 năm giảng dạy cho học sinh cấp Tiểu học. Trong đó thời gian giảng dạy ở vùng khó khăn dân tộc thiểu số hơn 5 năm thuộc địa bàn xã Ia Bă, huyện Ia Grai tỉnh Gia Lai.

Lớp học xóa mù đặc biệt ở Gia Lai - 2

Cô Khánh tâm huyết dạy chữ cho đồng bào dân tộc Jrai (Ảnh: T.N).

Cô cho biết: "Ở đây, điều kiện gia đình học sinh hầu hết đều khó khăn, ít giao tiếp bằng Tiếng Việt, vì vậy, việc dạy Tiếng Việt với các em khó khăn hơn gấp đôi".

Các bài giảng thường được kết hợp với ứng dụng tranh ảnh, câu chuyện để trở nên dễ hiểu hơn đối với học trò.

Người dân Jrai ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai cũng đã quen với hình ảnh một cô giáo ngày lên trường giảng dạy, tranh thủ ngoài giờ học đi vận động học sinh, giúp đỡ các em bằng việc đi xin áo quần cũ, chăn ấm hay đồ dùng học tập, sách vở.... Bên cạnh đó cô còn tạo niềm tin để các em mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập, luôn quan tâm động viên, gần gũi với các em.

Anh Rơ Mah Hêm, phụ huynh ở làng Ngai Yố, xã Ia Bă cho biết, cô Phan Thị Khánh không chỉ là cô giáo của tụi nhỏ, mà dần trở thành người thân, người quen của các buôn làng, luôn được bà con Jrai ở xã Ia Bă tin tưởng, yêu mến.

Trong 28 năm làm công tác giảng dạy, cô Phan thị Khánh đã có 14 lần được đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 7 lần nhận bằng khen của UBND tỉnh, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm