Chuyện về cô giáo có tình yêu đặc biệt với trẻ đặc biệt

Tú Như

(Dân trí) - Cô Nguyễn Thị Tú Trân (sinh năm 1981) đã có hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật.

Trước đây, cô Nguyễn Thị Tú Trân (Tây Ninh) có mong muốn được theo dạy bộ môn sinh học. Khi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười về địa phương chỉ đạo xây dựng trường học dành cho trẻ khuyết tật, cô Trân đã quyết định chuyển hướng theo đuổi sự nghiệp giáo dục đặc biệt.

Quyết định mang tính bước ngoặt này đã dẫn cô đến một con đường giáo dục đầy ý nghĩa, nơi cô dành trọn 21 năm để chăm sóc, giảng dạy và hỗ trợ những học sinh đặc biệt.

Hiện tại, cô Nguyễn Thị Tú Trân là Hiệu trưởng Trường khuyết tật tỉnh Tây Ninh. Mới đây nhất, cô có vinh dự được nhận danh hiệu "Nhà giáo tiêu biểu năm 2024" cao quý.

Chuyện về cô giáo có tình yêu đặc biệt với trẻ đặc biệt - 1

Cô Nguyễn Thị Tú Trân (bên phải) hiện là Hiệu trưởng Trường khuyết tật tỉnh Tây Ninh. Cô Trân đã có hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục đặc biệt (Ảnh: NVCC).

Ngôn ngữ ký hiệu, chữ Braille và toán Soroban

Cô Nguyễn Thị Tú Trân học khoa giáo dục đặc biệt chuyên ngành khiếm thính. Nhưng vào năm 2003, khi mới về Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh, cô Trân lại được phân vào lớp trẻ khiếm thị.

Chia sẻ cảm xúc của mình ở thời điểm ấy, cô Trân cho biết: "Tôi có phần hơi lo lắng vì tôi không có các kiến thức và kỹ năng dạy học dành cho trẻ khiếm thị. Song, hiểu được khi công tác tại Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh, thì người đứng lớp phải hiểu biết và có khả năng dạy cho trẻ ở tất cả dạng khuyết tật.

Tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu chữ Braille và toán Soroban. Hai kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người khiếm thị để có thể giảng dạy cho các em".

Chữ Braille là hệ thống chữ nổi được đa số người mù và người khiếm thị sử dụng. Còn toán Soroban là một phương pháp tính nhẩm.

Cô Trân vừa học thêm các kỹ năng, vừa đứng lớp. Thời điểm mới ra trường, cô Trân không có nhiều kinh nghiệm, nhưng chính sự ân cần và chăm chỉ đã giúp cô tiến bộ hơn.

"Trong hành trình giảng dạy, tôi đã học được rằng mỗi học sinh sẽ có một thế giới riêng, đòi hỏi phương pháp tiếp cận khác nhau. Có những học sinh lớn tuổi hơn tôi, nhưng tôi không để điều đó trở thành rào cản.

Thay vào đó, tôi luôn điều chỉnh linh hoạt phương pháp giảng dạy: với học sinh nhỏ tuổi, tôi chọn nhịp độ chậm rãi, từ tốn; còn với những em có năng lực nhận thức tốt hơn, tôi nâng tầm bài giảng, tạo ra những thách thức và không gian để các em phát triển tối đa năng lực của mình", cô Trân nói.

Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh có 3 đối tượng học sinh, bao gồm: khiếm thính, khiếm thị và chậm phát triển. Năm 2000, khi mới thành lập, trường chỉ tiếp nhận đối tượng học sinh là khiếm thính và khiếm thị. Cho đến năm 2015, trường mở rộng và đón thêm các em chậm phát triển.

Chuyện về cô giáo có tình yêu đặc biệt với trẻ đặc biệt - 2
Cô Nguyễn Thị Tú Trân (áo xanh dương) đọc sách cùng với các em học sinh Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh (Ảnh: NVCC).

Tại giờ học của cô Trân, các em sẽ được học và tương tác với đa dạng dụng cụ. Trong không gian học tập đặc biệt của mình, cô Trân luôn chú trọng việc thiết kế giáo cụ phù hợp với từng nhóm học sinh.

Ở lớp khiếm thính, cô thường sử dụng những hình ảnh đa sắc màu, sinh động để kích thích và hỗ trợ quá trình tiếp nhận thông tin. Còn với lớp khiếm thị, cô chuyển trọng tâm sang các yếu tố âm thanh, tạo nên những trải nghiệm học tập phong phú qua âm thanh.

Khi có học sinh gặp khó khăn, cô sẽ kiên nhẫn nắm tay, từng bước hướng dẫn: "Nếu con vẫn chưa hiểu, tôi sẽ kiên nhẫn giải thích cho đến khi nào con hiểu mới thôi".

Phụ huynh em Phương Duyên, học sinh đã từng được cô Trân dìu dắt, chia sẻ: "Trước đây, Phương Duyên có tính cách rụt rè và nhút nhát. Con đi không vững và đọc chưa tròn vành rõ chữ. Nhưng nhờ những lời động viên, khuyên nhủ của cô Tú Trân mà còn đã trở nên tự tin hơn.

Từ một cô bé rụt rè, khép kín vì chậm phát triển, con đã từng bước tiến bộ hơn. Con học được cách giao tiếp tự tin mà còn có thể đứng trên sân khấu trường đọc diễn văn. Tình cảm và sự tận tâm của cô đã thắp lên trong con ngọn lửa nghị lực, giúp một đứa trẻ nhiều thiệt thòi như con tìm thấy đôi cánh ước mơ của chính mình.

Từ một bé gái chậm phát triển, con có thể giao tiếp và hoạt bát hơn với mọi người. Con từng bước được cô Trân hướng dẫn, giúp đỡ đọc diễn văn hay thậm chí là hát trước toàn trường. Sự ân cần của cô đã giúp một đứa trẻ có nhiều khiếm khuyết trở nên ý chí hơn".

Chuyện về cô giáo có tình yêu đặc biệt với trẻ đặc biệt - 3
Cô Nguyễn Thị Tú Trân (bên phải) luôn ân cần quan tâm đến học sinh (Ảnh: NVCC).

Tận tâm với trẻ đặc biệt

Trong quá trình công tác, cô Tú Trân đã không ngừng tích cực tham gia nhiều hoạt động xây dựng môi trường học tập cho trẻ khuyết tật.

Khi trở thành Hiệu trưởng của trường, cô Trân cũng gặp không ít khó khăn: "Vào năm học mới, tôi sẽ tiến hành chia đối tượng học sinh theo dạng tật. Đôi lúc một lớp học sẽ có các em từ chậm phát triển đến khiếm thính. Tùy vào trình độ của các em mà tôi sẽ sắp xếp sao cho các em vừa có thể hiểu bài mà các thầy cô cũng đỡ vất vả".

Cô Trân cũng tích cực tham gia hội thi làm sách hình minh họa nổi cho học sinh khiếm thị vào năm 2018 do Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và đạt giải nhì. Ngoài ra, cô còn tham gia hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm qua báo cáo tham luận hội thảo khoa học về ngôn ngữ ký hiệu tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Cô Trần Thị Phi Tú, đồng nghiệp của cô Trân, nhận xét: "Cô Trân là một người hiệu trưởng nhiệt tình trong công việc. Cô yêu nghề, tận tâm với học trò, có nhiều ý tưởng sáng tạo và đổi mới trong công tác giảng dạy.

Khi đi dạy tại ngôi trường đặc biệt như thế này, tôi chưa từng nhìn thấy cô Trân nản lòng. Cô có năng lực quản lý tốt, nhạy bén và hoàn thành xuất sắc mọi việc được giao. Cô Trân luôn là hình mẫu lý tưởng của một nhà giáo đạo đức chuẩn mực mà bất kỳ một người thầy, người cô nào cũng nên có".

Chuyện về cô giáo có tình yêu đặc biệt với trẻ đặc biệt - 4
Cô Nguyễn Thị Tú Trân (áo dài màu xanh lá cây) luôn được các đồng nghiệp yêu quý, kính trọng (Ảnh: NVCC).

Một số em học sinh khi đã có thể đọc hiểu cơ bản, sẽ có tình trạng bỏ học, đi làm đồng áng. Cô Tú Trân đã chủ động đến từng gia đình vận động phụ huynh cho con tiếp tục học tập. Nếu có em nào muốn đi làm, cô Trân liền liên hệ với các xưởng hoặc xí nghiệp dành cho người khuyết tật để hỗ trợ các em.

Cô Trân bộc bạch: "Sự chăm chỉ và nỗ lực của các em chính là động lực mỗi ngày để tôi cố gắng hơn. Đối với các em học sinh đặc biệt thì giáo dục yêu thương chính là chìa khóa để giúp các em bước ra khỏi sự tự ti mà vượt lên chính mình.

Cho đến thời điểm hiện tại, lựa chọn ngành giáo dục đặc biệt vẫn luôn là một quyết định đúng đắn trong cuộc đời tôi".