Đắk Lắk:

Tiết dạy học online "đặc biệt" cho trẻ tự kỷ của cô giáo Mai Anh

Thúy Diễm

(Dân trí) - Kiên nhẫn ngồi cả giờ đồng hồ tương tác với học sinh tự kỷ qua màn hình máy tính, dù học sinh táy máy, không chịu tập trung, cô Mai Anh vẫn ân cần chờ đợi, động viên đến khi từng đứa trẻ chịu học.

Kiên trì với từng học trò tự kỷ

Một buổi chiều giữa tháng 11, ngay trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), chúng tôi tìm đến nhà của cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh - giáo viên Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk. Chưa vào trong nhà, đã nghe tiếng nói của cô Mai Anh liên tục lặp đi lặp lại "các con ngoan nào, tập trung cho cô nhé", "con ngồi nhìn vào màn hình nào" …

Tiết dạy học online đặc biệt cho trẻ tự kỷ của cô giáo Mai Anh - 1

Cô giáo Mai Anh kiên trì giảng dạy online cho học trò tự kỷ (Ảnh: Thúy Diễm).

Dù cô giáo khẩn khoản mời gọi các em tập trung, để dạy từng chữ cái nhưng rất khó để nhận lại kết quả như ý, bởi các em là những học sinh tự kỷ.

Với kinh nghiệm 11 năm chuyên giảng dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ, cô Mai Anh chưa từng tỏ ra nản lòng hay bất lực trước tiết học online không được như ý. Cô vẫn ân cần gọi tên và phối hợp cùng phụ huynh để giúp các em bắt nhịp với việc học. Mất hơn nửa giờ đồng hồ, các em mới đọc được ê a một vài chữ cái.

Thấy được sự nỗ lực của học trò, cô Mai Anh reo lên "con giỏi quá, cố lên xíu nữa nào!". Trước sự động viên của cô giáo, cậu học trò tự kỷ bên kia màn hình cũng gắng lắp bắp thêm một, hai chữ rồi lại ngồi ngoảnh mặt ra ngoài không chịu nhìn vào màn hình nữa. Biết các em đã thấm mệt khi phải tập trung lâu, cô Mai Anh đổi ngay qua việc đoán tên đồ vật để giúp học trò đỡ căng thẳng.

Sau khi tiết học kết thúc, cô Mai Anh mới tranh thủ chút thời gian ngắn để nói chuyện với chúng tôi vì còn thêm một tiết học chiều muộn cho một em tự kỷ nặng khác.

Tiết dạy học online đặc biệt cho trẻ tự kỷ của cô giáo Mai Anh - 2

Việc để học sinh tự kỷ chịu tập trung là điều không hề dễ dàng (Ảnh: NVCC).

Với cô Mai Anh để dạy được trẻ tự kỷ, đầu tiên là bản thân giáo viên phải thật kiên nhẫn, chấp nhận chờ đợi, không được nóng vội và phải biết từng tính cách của từng học sinh.

Cô cho biết, trẻ tự kỷ có tới 80% là chậm nói hoặc chậm vận động nhưng mỗi em sẽ có mức độ nặng hay nhẹ khác nhau. Không chỉ vậy, trẻ tự kỷ rất khó để tập trung vào một việc, các em rất lơ đãng, khá nghịch ngợm, nhiều em còn rất sợ tiếng ồn và chỉ cần nghe tiếng động lớn sẽ thét lên với giọng sợ hãi.

Thấu hiểu được những khó khăn, hạn chế của các em, cô Mai Anh luôn lấy tình thương làm phương châm để giảng dạy.

"Nếu không thương, không yêu các em và không hiểu từng em một thì rất khó để đồng cảm, dạy dỗ các em một cách tốt nhất. Trẻ tự kỷ còn rất dễ nằm lăn ăn vạ, hét lớn khi không đạt được như ý mình muốn, nên giáo viên chúng tôi cũng cố gắng khéo léo để hướng dẫn, chỉ bảo cho các em từng chút một giúp kiềm chế cảm xúc", cô Mai Anh tâm sự.

Mong các em tự kỷ đều được đi học

Thời điểm chưa bùng phát dịch, cô Mai Anh cùng khoảng 10 giáo viên khác trong trường phụ trách lớp dành riêng cho các em tự kỷ với khoảng 40 em. Lớp học được chia thành 4 nhóm để phân loại, dạy các em từng kỹ năng một nhằm giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng.

Tiết dạy học online đặc biệt cho trẻ tự kỷ của cô giáo Mai Anh - 3

Cô Mai Anh không tiếc lời khen ngợi, động viên các học trò của mình (Ảnh: Thúy Diễm).

Hiện tại đang trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, cô Mai Anh phụ trách dạy cho 7 em học sinh tự kỷ lớp 1 nhưng chỉ có 4 em có thể theo học online.

"Một vài em bố mẹ đi làm cả ngày gửi cho ông bà nên không thể tham gia học online, còn có trường hợp em lại quá tăng động và nhất định không chịu ngồi yên một chỗ dù đã thử nhiều cách nên không thể tham gia học dù bố mẹ rất muốn", cô Mai Anh ngậm ngùi.

Để việc học được tốt, cô Mai Anh không dạy tập trung một lần nhiều em mà chấp nhận mất gian để chia ra thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm 1 - 2 em.

"Dạy các em ở trường đã khó nhưng dạy online còn khó hơn gấp bội vì các em rất ít hợp tác. Nhưng nếu cô giáo cũng bỏ cuộc thì không giúp được gì cho các em. Là giáo viên tôi vẫn có thể ngồi cả giờ chờ học trò đọc từng con chữ nhưng nhiều phụ huynh ngồi cạnh họ cũng sốt ruột lắm vì còn có công ăn việc làm", cô Mai Anh chia sẻ.

Tiết dạy học online đặc biệt cho trẻ tự kỷ của cô giáo Mai Anh - 4

Trẻ tự kỷ được đến trường học tập sẽ có khả năng khắc phục những hạn chế để có thể hòa nhập cộng đồng (Ảnh: NVCC).

Trong hàng trăm học trò, cô Mai Anh nhớ nhất là một cậu học trò 9 tuổi bị tự kỷ và không kiểm soát được hành vi của mình, nhất là trong quá trình đi vệ sinh. Cô quyết tâm giúp đỡ bằng được cậu học trò kiểm soát được hành vi, dù nhiều lần cô bị cậu bé dùng tay túm tóc, ghì sát vào nền nhà.

"Mỗi lần bị như vậy tôi cũng bị đau nhưng lại thấy thương cho các em nhiều hơn. Chưa bao giờ chúng tôi trách gì các em và bản thân của các em không có lỗi vì những hành vi này", cô giáo bùi ngùi nhớ lại.

Cô Mai Anh tiếp lời, không một bố mẹ nào mong muốn con cái mình sinh ra bị khuyết tật hay tự kỷ. Dù như thế nào chăng nữa thì các em vẫn rất cần sự yêu thương và nếu được đến trường học tập sẽ là môi trường rất tốt để các em khắc phục các hạn chế.

"Nhiều gia đình có thể cho con em đến trường để theo học nhưng cũng rất nhiều gia đình gặp khó khăn khi cho con trẻ bị tự kỷ đến trường, có phụ huynh chỉ cho đi học vài năm rồi lại cho trẻ ở nhà vì kinh tế. Mỗi lần nghe tin học trò phải dừng đến trường chúng tôi xót xa và thương lắm", cô giáo Mai Anh trăn trở.

Tiễn chúng tôi, cô Mai Anh lại lật đật kết nối tiết học online và niềm nở trò chuyện hỏi han với một cậu học trò tự kỷ. Tiếng nói, tiếng cười, hỏi han của cô giáo vang vọng cả một góc nhà.

Bà Phạm Thị Tuyết - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trung tâm đang giảng dạy cho 175 cháu, trong đó có 77 em bị tự kỷ và khuyết tật trí tuệ.

"Chấp nhận dạy online cho trẻ tự kỷ, các giáo viên xác định sẽ vất vả hơn so với ở trên lớp, việc giảng dạy sẽ mất rất nhiều thời gian. Chưa kể đến các em không hợp tác, không chịu ngồi yên, có hành động quá khích khi theo học. Tuy nhiên với kinh nghiệm và sự yêu thương của các giáo viên việc dạy học dù có khó khăn đến mấy cũng sẽ nhận được những kết quả tích cực", bà Tuyết nói thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm