Chuyện về cậu bé Trung Quốc không thích học ở trong nước

Ở Anh, tôi có một láng giềng người Trung Quốc. Anh sang đây làm nghiên cứu trong một năm nên dẫn theo đứa con trai 10 tuổi. Lần đầu tiên khi tôi gặp đứa bé này, khi tôi chào và hỏi tên, nó lặng lẽ nhìn ba nên ba của cậu bé phải trả lời giúp. Thế mà vài tháng sau đó, khi đã đến trường, tiếp xúc với bạn bè, cậu bé đã nói tiếng Anh hết sức tự tin.

Cách đây vài ngày, sau khi hết thời hạn nghiên cứu, họ đã rời Anh về Trung Quốc. Trong buổi gặp gỡ chia tay, ba của đứa bé cho chúng tôi biết cậu bé không muốn về nhà vì học ở đây sướng quá, nhẹ nhàng quá, về nước học mệt lắm! Câu chuyện này làm tôi suy nghĩ nhiều, nhất là khi tôi cũng có con nhỏ bắt đầu đến trường.

 

Khi chuẩn bị cho con bé của mình vào trường mẫu giáo công lập, tôi được tư vấn rằng nó phải tự làm những việc cơ bản như đi toilet, mặc quần áo, mang và tháo giày, treo áo khoác... Khi đã đến lớp mẫu giáo, không có chuyện cô giáo phải cho bé ăn. Đến giờ ăn, đứa bé phải tự ăn trong thời gian quy định. Nếu không ăn, không một ai năn nỉ hay nài ép, toàn bộ phần ăn đó sẽ được đem đi chỗ khác.

 

Ở đây, người dân bản xứ có vẻ lạ lẫm với việc một đứa bé ăn mà có người đút. Thường sau 1 tuổi, ba mẹ đã không còn làm công việc này nữa. Tôi đã chứng kiến rất nhiều đứa bé 1-2 tuổi ngồi quán ăn với ba mẹ nhưng tự mình ăn, tự xoay xở với miếng bánh mì hay miếng thịt. Và khi đứa bé không muốn ăn nữa thì dừng ngay, không có chuyện nài ép ăn hết phần như chúng ta vẫn làm.

 

Không biết theo “ta” hay “tây”, cái nào tốt hơn nhưng nhìn họ nuôi con có vẻ nhẹ nhàng hơn kiểu của người Việt Nam mình. Ở trường, đứa bé cũng được dạy tự phết bánh mì, tự bóc vỏ trái cây như quít, chuối..., tự rót nước. Vì vậy, một đứa trẻ 3 tuổi ở đây nhìn chung đã có tính độc lập, tự tin dù không có người thân bên cạnh.

 

Năm học bậc phổ thông ở đây chia làm 3 kỳ (term) theo mùa: mùa thu (từ tháng 9 đến tháng 12), mùa xuân (từ tháng 1 đến tháng 3), mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 7). Giữa các học kỳ, học sinh nghỉ khoảng 2 tuần, kỳ nghỉ dài nhất là nghỉ hè (từ khoảng 10 ngày cuối tháng 7 đến đầu tháng 9).

 

Trong từng học kỳ, lại có nghỉ giữa kỳ (half term), trung bình khoảng 1 tuần. Như vậy, khoảng hơn 1 tháng, học sinh sẽ nghỉ khoảng 1 tuần. Đối với những gia đình mà ba mẹ đều đi làm, đi học, những ngày này thật sự là “bi kịch”. Tuy nhiên, có khá nhiều lựa chọn để phụ huynh gửi con trong những kỳ nghỉ, từ các tổ chức xã hội, nhà trẻ tư nhân đến các câu lạc bộ... vấn đề là bạn phải chi một số tiền không nhỏ cho chuyện này.

 

Tôi đã nhiều lần thấy học sinh tiểu học ở đây đi học và quả thật, chưa lần nào tôi thấy các em phải mang vác ba lô như trẻ con ở nước mình. Nếu đứa bé nào không ăn thức ăn ở trường thì chỉ cần xách theo túi đựng thức ăn mang từ nhà. Thỉnh thoảng, giờ về có cầm theo một bìa sơ mi mỏng đựng một ít bài tập về nhà. Lượng bài tập này không đáng kể nên hầu hết trẻ con sau giờ học đều chơi.

 

Ở đây có rất nhiều sách kể về một ngày hoạt động của một học sinh nhưng hầu như không hề nhắc đến hoạt động “làm bài tập” ở nhà mà thay vào đó là đi bơi, đến câu lạc bộ, vui đùa với bạn bè. Với cách học này, không khỏi ngạc nhiên khi một học sinh châu Á như cậu bé người Trung Quốc mà tôi đã nêu, cảm thấy hết sức thích thú vì nó quá nhẹ nhàng.

 

Thùy Ngân

(Từ Anh quốc)
Thanh Niên