Chuyện “vặt” quanh chiếc khăn quàng đỏ

(Dân trí) - “Mỗi lần thắt chiếc khăn quàng lên vai, em luôn ý thức mình phải giữ gìn, trân trọng. Thế nhưng, vẫn nhiều bạn dường như chưa có trách nhiệm lắm. Mỗi khi nhìn những chiếc khăn quàng cái thì xộc xệch, cái thì thắt sai quy cách, em thấy buồn lắm”.

Đó là tâm sự của cô bé Thuỳ Linh, học sinh lớp 6 trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội). Quả thật, nếu có để ý mới thấy, chiếc khăn quàng của đội viên trong nhiều trường phổ thông hiện nay đang bị dần mất đi sự thiêng liêng vốn có, thậm chí nó còn được trưng dụng vào nhiều việc “trời ơi đất hỡi khác” của tuổi học trò. Mẹ của cháu Tiến Dũng, học sinh trường Marie Curie kể, có hôm thấy cháu bé về nhà với chiếc khăn quàng đó buộc ngang lưng, hỏi ra thì mới được biết “tại quần của con bị… dứt chun, nên con đành phải làm thế không quần rơi mất”. Tiến Dũng cũng kể, chiếc khăn quàng đỏ còn được các bạn dùng làm dây đeo balô, rồi làm dây kéo co, rồi làm dây bịt mắt... bạn gái. Nhận xét về điều này, mẹ của cháu Tiến Dũng, chị Hà Lý cho hay: “Tại nhiều trường phổ thông hiện nay, việc kết nạp Đội cho các cháu học sinh chỉ hết sức hình thường và các cháu coi việc vào Đội là đương nhiên chứ không phải là sự phấn đấu gì, vì thế, các cháu không ý thức được sự hiện diện của chiếc khăn quàng trên vai. Như thời của chúng tôi, để được vào Đội, chúng tôi phải là những học sinh giỏi và phải đạt được danh hiệu là cháu ngoan Bác Hồ”.

Khăn quàng đỏ là biểu tượng và đồng phục của đội viên Đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Nó thường là một miếng vải bằng lụa hoặc valise màu đỏ tươi, tượng trưng cho một phần lá cờ Tổ quốc, thể hiện lòng tự hào về những truyền thống vinh quang của dân tộc. Chiếc khăn quàng đ được thắt theo một quy tắc nhất định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất nhiều các vị lãnh đạo cao cấp khác của Đảng và Nhà nước đã từng có những hình ảnh rất đẹp với những chiếc khăn quàng đỏ thắm trên vai bên các cháu học sinh.

Thế nhưng, những chiếc khăn quàng trên vai học sinh thời nay thật muôn hình vạn trạng. Như ở trường THCS Lê Quý Đôn trong buổi chiều 2/11, một nhóm các em học sinh lớp 6, 7 ùa ra sân trường trong giờ giải lao, hầu hết khăn quàng của các em đều trong tình trạng thắt sai quy cách và khá luộm thuộm: Cái thì xoắn lại, dải cao dải thấp; cái thì thắt “hồn nhiên” qua chiếc cổ cáo len to sù sụ, một dải trong cổ áo, dải khác lại nằm ngoài cổ áo, cái thì biến mất sâu bên trong mấy lần áo khoác đồng phục...

Môt em học sinh lớp 6H khi được hỏi đã bẽn lẽn trả lời: “Em biết cách thắt khăn quàng thế là sai nhưng em cũng không... để ý”. Em cũng cho biết trong lớp cũng có một lớp phó phụ trách văn thể mỹ có nhiệm vụ thường xuyên đi kiểm tra cách thắt khăn quàng của các bạn. Nhưng khi bạn lớp phó này được các bạn gọi đến để trả lời phỏng vấn thì chính học sinh này cũng thắt khăn quàng sai.

Hình ảnh “những đàn em đeo khăn quàng đỏ, nhịp bước tung tăng bước đi hát hò, màu đỏ khăn em sáng cả ngã tư” đã là một hình ảnh rất thân thương mà Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã phổ thành nhạc và lưu truyền trong nhiều thế hệ. Thế nhưng, với nhiều thế hệ học trò ngày nay, ý nghĩa của chiếc khăn quàng dường như đã mờ nhạt đi. Và có phải chăng đây chỉ là chuyện “vặt”?

M.M