Bố mẹ sợ con ở trường tư bị nuông chiều, dễ trở nên tự cao

Quang Trường

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh chấp nhận trả mức học phí cao để gửi gắm con vào một số trường tư thục có tiếng vì tin tưởng triết lý giáo dục, chất lượng giáo viên và các dịch vụ.

Nhưng sau một thời gian, họ vội vã chuyển con sang các trường công lập vì thấy trường tư có nhiều mặt trái đáng lo ngại.

Thầy cô nuông chiều, trẻ dễ tự cao

Hết học kỳ một của năm học này, chị Đinh Thị Hòa (Hà Nội) dự định sẽ chuyển con sang học tại một trường công lập. Con trai chị đang học lớp 7 tại một hệ thống giáo dục tư thục nổi tiếng ở Hà Nội. Sau 3 năm học tại đây, con có những thay đổi khiến chị Hòa lo ngại.

Chị cho rằng, con trai học ở trường tư "dễ thở" hơn về mặt kiến thức, chương trình học. Giáo viên không bị áp lực thành tích nên không giao quá nhiều bài vở cho con ngoài giờ học. Vì vậy, con không phải thức khuya, dậy sớm để học bài.

Nhưng chị Hòa thấy vấn đề lớn nhất với giáo viên là họ bị áp lực phải chiều lòng cả học sinh lẫn phụ huynh. Các thầy cô lúc nào cũng nuông chiều, khen con quá mức mà ít khi phê bình. Họ sợ học sinh không ưa mình, bố mẹ các em phật lòng, họ có thể bị kỷ luật.

Bố mẹ sợ con ở trường tư bị nuông chiều, dễ trở nên tự cao - 1
Bố mẹ sợ con được che chở quá mức khi học ở các trường tư (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

"Điều đó là "lợi bất cập hại". Các con có thể vui, tự tin hơn khi được thầy cô khen. Nhưng lúc nào cũng được khen, được chiều chuộng thì con có thể sớm tự cao về năng lực của mình mặc dù mình chưa giỏi", chị Hòa nói.

Hè vừa qua, chị Hòa cho con đi học thêm Toán để con bận rộn hơn, hạn chế chơi game. Qua đó, chị phát hiện ra điểm môn Toán của con ở lớp học thêm chỉ đạt mức trung bình, thầy giáo đánh giá con không nắm được một số kiến thức cơ bản. Nhưng cô giáo trên lớp lại nhận xét con rất thông minh, môn Toán lúc nào cũng được điểm giỏi.

"Đa phần học sinh trong lớp của con đều là con nhà khá giả. Bố mẹ có xu hướng nuông chiều con. Con trai tôi gần đây còn đòi mẹ mua giày dép, quần áo mới giống với của bạn, khen nhà bạn này giàu còn nhà bạn kia nghèo. Tôi sợ càng ngày con sẽ càng đua đòi theo các bạn.

Tối đến, tôi phải "năm lần bảy lượt" nhắc nhở thì con mới chịu học bài chứ ít khi tự học. Lý do con đưa ra là thầy cô không giao bài tập về nhà. Nhưng vẫn còn rất nhiều thứ để con tự học hỏi, khám phá, chứ không chỉ làm những gì được giao.

Vì được thầy cô khen, nịnh nọt nhiều nên con chỉ thích nghe lời hay ý đẹp. Tôi chỉ cần nói nặng một câu là con đã giận dỗi, thậm chí nhịn ăn, "thi gan" với bố mẹ", chị Hòa nói.

Vì vậy, chị Hòa quyết định sẽ chuyển con sang một trường công lập. Theo chị, dù có nhiều áp lực về bài vở, điểm số, giáo viên nghiêm khắc nhưng nếu nhìn nhận tích cực thì thầy cô sẽ đánh giá năng lực con một cách công bằng, không ngại kiểm điểm, phê bình khi con mắc lỗi. Con được làm quen với áp lực. Học với các bạn có hoàn cảnh khác nhau cho con biết tôn trọng sự khác biệt.

Bố mẹ sợ con ở trường tư bị nuông chiều, dễ trở nên tự cao - 2
Các ý kiến cho rằng, học trường công tuy áp lực nhưng con được đánh giá khách quan, rèn tính tự lập (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Hết năm học vừa qua, anh Lê Minh Trí (Hà Nội) đã chuyển con từ một trường tư về học tại trường công gần nhà. Những điều anh lo ngại cũng tương tự chị Hòa, cộng thêm vấn đề chi phí trường tư đắt đỏ.

Trước kia, con gái anh được đưa đón đi học bằng xe buýt, sử dụng các dịch vụ bán trú ở trường. Riêng các khoản này đã tiêu tốn của gia đình anh gần 40 triệu đồng/năm học.

Năm ngoái, đại dịch Covid-19 cản trở mọi hoạt động kinh doanh của vợ chồng anh. Đủ mọi gánh nặng kinh tế "đè" lên vai, anh buộc phải cắt giảm các khoản chi tiêu, trong đó có việc học của con ở trường tư.

"Tôi chuyển con về trường công không chỉ vì lý do thiếu tiền. Tôi đã manh nha ý định đó từ lâu, thời điểm kinh tế gia đình khó khăn như "giọt nước tràn ly" dẫn đến quyết định đó.

Ai cũng muốn con mình được hưởng những dịch vụ tiện ích nhất, tuy nhiên, điều đó vô tình khiến con bị hạn chế trong việc phát triển các kỹ năng sống thông qua trải nghiệm thực tế.

Ví dụ, các con được đưa đi, đón về tận nơi, cuộc sống chỉ quanh quẩn ở nhà, trên xe buýt, trường học giúp bố mẹ yên tâm, nhưng việc đó chỉ phù hợp với học sinh lớp nhỏ. Còn học sinh cấp 3 mà được phục vụ như thế sẽ thiếu kỹ năng tham gia giao thông. Các con ít tiếp xúc với xã hội thì khó nhanh nhẹn, thiếu khôn khéo để chuẩn bị bước vào đời như một người trưởng thành.

Thực tế là con gái tôi dù đã lên lớp 10 nhưng mỗi lần sang đường vẫn phải lóng ngóng từ 5-10 phút mới sang được. Dù con đã được học, được trải nghiệm thông qua các hoạt động học tập ở trường nhưng tôi nghĩ không có gì bằng việc để con tự lăn lộn ngoài cuộc sống. Tôi không yên tâm để trường tư bao bọc, nuông chiều con đến hết cấp 3 được", anh Trí nói.

Không chỉ dựa vào nhà trường

Theo anh Trí, việc chọn trường công hay trường tư không quyết định con mình sẽ trở thành người như thế nào. Gia đình cũng góp phần quan trọng hàng đầu vào việc giáo dục con.

Bố mẹ sợ con ở trường tư bị nuông chiều, dễ trở nên tự cao - 3
Không chỉ nhà trường, bố mẹ góp phần quan trọng hàng đầu vào giáo dục con cái (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Từ khi chuyển trường cho con, anh Trí để con tự đi xe máy điện đến trường. Anh mất 2 tháng đầu để kèm con trên đường đi học, quãng đường 5km. Sau một thời gian, anh nhận xét con mình cứng cỏi, hoạt bát hơn. Những ngày trời mưa, con vẫn nằng nặc đòi tự đi học chứ không để bố mẹ đưa đi. Con đã biết chủ động sạc điện cho xe vào mỗi buổi tối mà không chờ bố mẹ nhắc.

Với số tiền tiết kiệm được khi con học trường công, anh Trí có thể cho con đi du lịch nhiều hơn, học thêm một số môn mà con yêu thích như đàn guitar, võ karate. Trước kia, anh phải nhận làm thêm một số dự án vào buổi tối để có tiền cho con học trường tư. Chuyển con sang trường công, anh chỉ phải làm công việc kinh doanh chính của mình. Nhờ vậy, anh có nhiều thời gian hơn cho gia đình.

"Tôi nghĩ lợi ích của những thay đổi đó còn lớn hơn cả những dịch vụ đắt đỏ mà trường tư mang lại cho gia đình tôi", anh Trí nói.

Chuyển con sang trường công, anh cũng sốt ruột khi con áp lực vì các bạn ở lớp đều học giỏi, nhanh nhẹn. Nếu ở trường tư, con được đánh giá học lực khá, thì ở trường công, giáo viên luôn phải gọi về nhắc nhở anh động viên con học hành, vì con không nắm được kiến thức cơ bản.

Vợ chồng anh chia sẻ với con bằng cách không ép con phải đạt điểm giỏi. Anh liên tục nhắc con không phải học thuộc lòng để trả bài, học để hiểu mà được điểm kém còn hơn học vẹt, trả bài được điểm cao rồi lại quên luôn.

Chị Nguyễn Khánh Linh - Giảng viên kỹ năng sống tại một trung tâm giáo dục ở Hà Nội cũng cho rằng, việc bố mẹ chuyển con từ trường tư sang trường công là điều dễ hiểu. Nhưng việc thay đổi môi trường học không đảm bảo rằng con sẽ học giỏi hơn, làm người tốt hơn. Quan trọng là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, cộng với những trải nghiệm xã hội của các con.

"Hiện nay, nhiều trường tư thục, trường quốc tế quảng cáo rầm rộ, học phí cao nhưng chất lượng thực tế không tương xứng. Môi trường dạy và học ở các trường tư thục nuôi dưỡng cái tôi của học sinh cao.

Điều này phần nào làm các em khó thích nghi, chấp nhận những hoàn cảnh sống, con người khác nhau vì đã thoải mái với cái "tôi" của mình trong một thời gian dài", chị Linh lưu ý.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm