Nên cho con học trường công hay trường tư?
(Dân trí) - Việc chọn lựa môi trường học tập cho con là vấn đề được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Mỗi hệ thống giáo dục đều có ưu và nhược điểm riêng, vậy đâu là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến việc lựa chọn trường học cho con?
Tiêu chí chọn trường của các bậc phụ huynh
Liệt kê các thứ tự ưu tiên trong vấn đề chọn lựa trường học cho con, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Hải Phòng) và chị Nguyễn Thị Thu Hương (Hà Nội) đều nhất trí rằng, quan trọng nhất là chi phí hợp lý, tiếp đến là môi trường học tập thân thiện, sau đó là phương pháp giáo dục phù hợp và cuối cùng là thuận tiện cho việc đưa đón.
Chị Hương chia sẻ, đa phần các phụ huynh sẽ quan tâm đến vấn đề tài chính trước tiên, bởi lẽ quá trình học của con kéo dài nhiều năm, tốn khá nhiều chi phí. Vì vậy, phải cân nhắc dựa theo tình hình kinh tế riêng của mỗi gia đình.
"Tôi biết có nhiều gia đình ban đầu cố gắng cho con học trường tư có chi phí cao, nhưng chỉ theo được một hai năm đầu tiên sau đó phải chuyển sang trường công vì vấn đề tài chính.
Lo cho một con đi học thì khác hẳn với việc lo cho 2 con đi học chẳng hạn. Việc cân đối giữa tài chính gia đình với trường công và tư là bài toán cần tính kỹ của gia đình. Nếu không các con sẽ rất vất vả khi phải thay đổi trường theo quyết định của bố mẹ", chị Hương nói thêm.
"Quan điểm giáo dục con cái của tôi là vai trò gia đình và tự thân trẻ nhỏ là yếu tố quyết định kết quả học tập của trẻ hơn là phụ thuộc vào giáo viên và nhà trường. Nên tôi không thật sự quá yêu cầu cao vào các trường.
Chi phí phù hợp và thuận tiện là được. Coi như trẻ nhỏ có môi trường tiếp xúc với xã hội và bạn bè. Tôi mong muốn một môi trường học tập thân thiện và không quá áp lực hay căng cứng; không quá nhiều bài tập để con có thời gian theo đuổi những sở thích bản thân và tìm tòi những điều mới mẻ mà ở trường không có cơ hội tiếp xúc", chị Hiền cho biết.
Sự khác biệt giữa trường công và trường tư
Sau khi cho con theo học ở hai hệ thống giáo dục công lập và tư thục, anh Trần Đức Giang (Hà Nội) đưa ra nhìn nhận chủ quan rằng, trường công ở thành phố bị áp lực học thêm và điều đấy không tốt với học sinh tiểu học. Tuy nhiên, sau đó anh vẫn quyết định chuyển con về trường công lập gần nhà vì nhận thấy có một số vấn đề trong giáo dục ở trường tư không thực sự phù hợp và không giống như những gì mong đợi.
Anh Giang chia sẻ: "Giáo viên ở trường tư không bị áp lực thành tích nhiều nên không ép các con học. Tuy nhiên, giáo viên lại bị áp lực về việc phải làm phụ huynh hài lòng nên nhận xét về các con chưa thật sự sát với năng lực, các con được khen, động viên khá nhiều, ít khi bị chê trách. Việc này có cái tốt là làm các con tự tin, nhưng không tốt vì làm các con ngộ nhận về năng lực của mình, không định vị được đúng năng lực của bản thân.
Một phụ huynh khác ở Vĩnh Phúc đang có hai con, một cháu đang học lớp 5 tại trường tư, chia sẻ rằng việc học ở trường tư sẽ cân bằng việc học kiến thức và các bộ môn khác, trường tư cập nhật các phương pháp dạy mới để các con hứng thú trong việc tiếp cận bài học, các bạn được xen kẽ chơi thể thao, giờ học muộn hơn, thứ 7 được nghỉ để các con tự học.
Trong khi đó con lớn học lớp 9 trường công thì do áp lực học hành nên đi học thêm rất nhiều, hay thức khuya dậy sớm làm bài tập. Vì vậy, sang năm con chuyển cấp, gia đình phụ huynh này có ý định cho con vào trường tư. Mục đích để con có thời gian vừa học văn hóa, vừa có thời gian học bộ môn yêu thích như vẽ hoặc chơi nhạc cụ.
"Công hay tư cũng được - quan trọng là môi trường học phù hợp với con"
Bày tỏ thêm về quyết định chọn trường cho con, anh Giang cho rằng, mỗi gia đình có mục tiêu khác nhau trong từng giai đoạn. Riêng gia đình anh thì quan điểm là cấp một kiến thức chưa quan trọng, cần cho con vui vẻ và tự tin, thích học nên môi trường tại trường tư khá phù hợp. Sau này cấp 2, cấp 3 cần phải tích cực rèn luyện nhiều hơn, nên cần thời gian và môi trường phù hợp hơn để phát triển năng khiếu cho các con, vì thế anh lựa chọn cho con về học trường công.
Anh cũng nhấn mạnh thêm rằng, điều quan trọng là các bậc phụ huynh nên chủ động trang bị kiến thức, rèn kỹ năng, lao động, tăng cường trải nghiệm xã hội cho con.
Đồng quan điểm với anh Giang, chị Hiền cũng sẽ ưu tiên cho con học trường tư hơn vào thời điểm học cấp một, vì số lượng học sinh ít hơn, trẻ sẽ được quan tâm hơn, dĩ nhiên với điều kiện là chi phí giáo dục của trường tư nằm trong khả năng kinh tế của gia đình và khoảng cách con đi học là gần nhà.
"Sau 2 năm đầu học cấp một, tôi lại chuyển con về trường công gần nhà vì lý do trường chỉ học một buổi trong ngày, một buổi còn lại để con có thể tự học và sắp xếp việc học và chơi thể thao chủ động. Tôi hi vọng cấp 2 và 3 có thể tiếp tục tìm được các trường học một buổi như vậy", chị Hiền nói thêm.
"Công hay tư cũng được - quan trọng là môi trường học ở đó có phù hợp với con, cô giáo có tâm với các con thì môi trường nào cũng tốt", đó là ý kiến của chị Hương khi đưa ra đề cập việc đã từng biết có em, 5 năm học cấp một thì bố mẹ đã cho chuyển trường tới 3 lần. Chị cũng nói rằng có nhiều bố mẹ kỳ vọng cao, cứ chọn trường điểm nhưng con vào học không theo nổi khiến con áp lực và bố mẹ cũng bế tắc theo. Vì vậy, chị nghĩ rằng các bậc phụ huynh cần xem sức học của con, thế mạnh của con để chọn trường sao cho phù hợp chứ không nên áp lực quá, kỳ vọng quá về trường công hay trường tư.