Chuyện nghề ít biết của cựu nữ sinh xuất sắc tại xứ sở sương mù

Vũ Quỳnh Mai

(Dân trí) - Nguyễn Lê Phương Anh (SN 1999) từng đạt thủ khoa đầu vào cấp 3 và Đại học, tốt nghiệp thạc sĩ bằng xuất sắc tại Anh.

Cô bạn sinh năm 1999 từng là thủ khoa đầu vào chuyên Sử trường THPT Amsterdam. Trong thời gian học, Phương Anh đã đạt giải Nhì kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử.

Sau đó, cô nàng Gen Z tiếp tục là thủ khoa đầu vào khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo - Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2017. Sau bốn năm học tập tại đây, Phương Anh quyết định nộp hồ sơ du học Thạc sĩ chuyên ngành Truyền thông tại Birmingham City University (Anh quốc).

Trong quá trình học tập, nhờ sự nỗ lực và không ngừng trau dồi bản thân, cô bạn đều giành điểm A ở hầu hết các môn học và tốt nghiệp Thạc sĩ bằng xuất sắc.

Chuyện nghề ít biết của cựu nữ sinh xuất sắc tại xứ sở sương mù - 1

Nguyễn Lê Phương Anh tốt nghiệp Thạc sĩ bằng xuất sắc tại Birmingham City University (Ảnh: NVCC).

Những chia sẻ chân thực về nghề Marketing

Hiện tại, cựu nữ sinh chuyên Amsterdam làm việc cho một doanh nghiệp ở Anh vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cao cấp, đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa khách hàng và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cô cũng đảm nhận thêm các công việc Freelance Marketing với mong muốn liên tục mở rộng vốn hiểu biết và khả năng của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhận thấy mình có những thế mạnh liên quan đến truyền thông, cộng thêm niềm đam mê được nuôi dưỡng từ những năm học cấp 2, cô gái đến từ Hà Nội đã không ngừng trau dồi cho mình những kỹ năng cần thiết. Đối với Phương Anh, ngành truyền thông cần ba kỹ năng lớn nhất.

"Thứ nhất là giao tiếp. Truyền thông là truyền thông điệp của mình tới mọi người, tới những đối tượng mục tiêu, kết nối những câu chuyện với nhau để đưa tới cho mọi người một thông điệp phù hợp.

Trong cuộc sống hàng ngày, bản thân mình không phải một người quá quảng giao nhưng mình nghĩ việc giao tiếp của bản thân có hiệu quả. Mình có thể mang điểm mạnh đó để phát triển trong ngành mình yêu thích.

Chuyện nghề ít biết của cựu nữ sinh xuất sắc tại xứ sở sương mù - 2

Theo Phương Anh, ngành truyền thông cần ba kỹ năng lớn nhất là giao tiếp, quan sát và tổ chức, quản lý (Ảnh: NVCC).

Thứ hai là khả năng quan sát. Mình rất thích quan sát. Mình nghĩ quan sát là cốt lõi của việc trở nên sáng tạo. Mọi người thường nói rất nhiều ngành truyền thông là phải sáng tạo, nhưng để có thể sáng tạo được phải quan sát thế giới, con người, thị trường,...

Phải có mắt nhìn thật nhạy bén để phát hiện ra đối tượng khách hàng mục tiêu, nhu cầu của thị trường, nắm bắt được mối quan tâm lo ngại của họ thì mình mới có thể sáng tạo ra được những thông điệp, nội dung phù hợp, có tính kết nối.

Kỹ năng thứ ba là về việc tổ chức và quản lý. Để vận hành một chiến dịch truyền thông không chỉ cần chia nhỏ đầu mục công việc mà còn cần phân bổ nhân lực, làm sao để các đội nhóm làm việc với nhau một cách tốt nhất, giúp đảm bảo tiến độ và dự án có thể hoạt động trơn tru nhất có thể.

Kỹ năng này còn giúp ích cho mình rất nhiều trong cuộc sống. Một ngày mình phải làm rất nhiều việc, bản thân phải biết sắp xếp thời gian, công việc, đặt thứ tự ưu tiên làm sao để tối ưu nhất có thể", Phương Anh khẳng định.

Chuyện nghề ít biết của cựu nữ sinh xuất sắc tại xứ sở sương mù - 3

Phương Anh cùng bạn bè, thầy cô tại trường Birmingham City University (Ảnh: NVCC)

Tại Anh quốc, cô gái Gen Z có cơ hội tham gia rất nhiều buổi gặp gỡ và kết nối không chỉ giữa các thầy cô với sinh viên mà còn giữa các doanh nghiệp với sinh viên, giúp mở rộng mối quan hệ, hỗ trợ cho chuyên ngành mà bản thân theo đuổi.

Những buổi gặp gỡ, chia sẻ tuy đơn giản này đã mang đến cho nữ sinh Việt rất nhiều những góc nhìn thực tế trong công việc và được tiếp thêm "lửa" để tiếp tục yêu, tự hào và nỗ lực về công việc của mình tại một trong những thị trường lao động cạnh tranh nhất thế giới như Anh

"Một điều mình cảm thấy thú vị và ngưỡng mộ khi làm việc tại Anh quốc đó là thay vì "giấu nghề", mọi người chịu khó hợp tác và chia sẻ với nhau. Mình nghĩ điều đó là cốt lõi để cùng nhau phát triển và trụ vững hơn trong thời đại trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chóng như hiện nay".

Chia sẻ về lời khuyên dành cho các bạn sinh viên Việt Nam, Phương Anh cho rằng các bạn hoàn toàn có thể tự mình tổ chức những sự kiện, tọa đàm mang tính chất kết nối như vậy thông qua Facebook, LinkedIn, Threads… để cùng học hỏi thêm từ những thế mạnh chuyên môn, vốn kiến thức và hiểu biết rộng mở của nhau.

Chuyện nghề ít biết của cựu nữ sinh xuất sắc tại xứ sở sương mù - 4

Tại Anh quốc, cô gái Gen Z tham gia rất nhiều buổi gặp gỡ và kết nối không chỉ giữa các thầy cô với sinh viên mà còn giữa các doanh nghiệp với sinh viên (Ảnh: NVCC).

Tình yêu to lớn đối với đất nước Việt Nam

Nữ sinh Việt từng có trải nghiệm vô cùng thú vị khi trở thành một trong những creative leader (lãnh đạo sáng tạo) tới gặp công chúa và hoàng tử xứ Wales. Để có cơ hội quý giá này, cô bạn đã rất chỉn chu trong việc giới thiệu bản thân và nói lên mong muốn cá nhân về buổi gặp gỡ.

"Ban đầu mình nghĩ sẽ là một buổi gặp mặt đầy trang trọng, nghiêm túc. Nhưng khi mình đến nơi thì địa điểm là một quán pub rất ấm cúng, mọi người ngồi quây quần lại.

Khi được nói chuyện riêng với công chúa và hoàng tử xứ Wales, họ đã hỏi mình về cảm nhận khi mình tới Anh, về những khó khăn, trải nghiệm của mình tại Anh với cương vị một người nước ngoài tới sinh sống và làm việc, …

Mình cũng có cơ hội được chia sẻ về cuộc sống ở Việt Nam, về công việc, môi trường, văn hóa ra sao. Mình nghĩ đây là may mắn lớn khi mình đạt được mục tiêu là mang nền văn hóa, niềm tự hào đối với Việt Nam tới Anh, không chỉ với bạn bè mà cả những người trong hoàng tộc".

Chuyện nghề ít biết của cựu nữ sinh xuất sắc tại xứ sở sương mù - 5

Phương Anh còn sở hữu một kênh TikTok với hơn 43.000 người theo dõi với những clip chia sẻ về trải nghiệm và phương pháp học tập dành cho các bạn trẻ (Ảnh: NVCC).

Với một tình yêu to lớn đối với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, trong tương lai, Phương Anh mong muốn trở về Việt Nam, mang tất cả những kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm được tiếp thu về Việt Nam.

"Mình nghĩ đó là đam mê khi mình quyết định học chuyên Sử. Mình muốn góp phần phát triển đất nước và mang những gì tốt đẹp nhất về cho Việt Nam của mình. Mình thấy các bạn trẻ ở Việt Nam có một sức sáng tạo rất lớn, môi trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội để có thể phát triển được", cô chia sẻ.

Hiện tại, cô bạn cũng sở hữu một kênh TikTok với hơn 43.000 người theo dõi để chia sẻ về những trải nghiệm du học, lời khuyên và phương pháp học tập hiệu quả… tới các bạn trẻ Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm