Chuyên ngành luôn chỉ có... một sinh viên của đại học top đầu Trung Quốc
(Dân trí) - Đại học Bắc Kinh - trường đại học danh tiếng hàng đầu Trung Quốc - có một khoa được mệnh danh là "chuyên ngành chỉ của một người".
Năm 2010, bức ảnh tốt nghiệp của nữ sinh viên Tiết Dật Phàm đã khiến chuyên ngành cổ sinh vật học của Đại học Bắc Kinh được biết tới. Cả khoa năm ấy chỉ có một sinh viên hoàn tất chương trình học và nhận bằng cử nhân.
Từ năm 2008 đến năm 2016, chuyên ngành cổ sinh vật học của Đại học Bắc Kinh chỉ có 7 sinh viên tốt nghiệp ra trường, mỗi khóa đều chỉ có vài sinh viên đăng ký theo học. Trong quá trình học, cũng có những sinh viên không theo đuổi đến cùng, bỏ dở việc học.
Với số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi khóa chỉ loanh quanh con số... 1 sinh viên, chuyên ngành cổ sinh vật học được mệnh danh là "chuyên ngành của một người" hay "chuyên ngành cô đơn nhất Đại học Bắc Kinh".
Lưu Nhạc là cựu sinh viên chuyên ngành cổ sinh vật học tại Đại học Bắc Kinh. Anh cho biết dù chuyên ngành này có số lượng sinh viên theo học rất ít ỏi, nhưng không vì thế mà nhà trường hạ thấp điểm đầu vào hay có những đặc cách đối với sinh viên theo học.
Lưu Nhạc hài hước tiết lộ: "Thuở còn đi học, người thân và bạn bè không hiểu về chuyên ngành tôi theo đuổi và thường nhầm với ngành khảo cổ học. Tôi giải thích ngắn gọn rằng sinh viên cổ sinh vật học sẽ lên núi đào xương, tìm hóa thạch; còn sinh viên khảo cổ học sẽ khai quật mộ cổ".
Cổ sinh vật học là một ngành khoa học nghiên cứu lịch sử phát triển sự sống trên trái đất, tìm hiểu các loài động vật và thực vật cổ xưa dựa vào các hóa thạch tìm được.
Trong quá trình theo học, sinh viên ngành cổ sinh vật học sẽ học cùng với sinh viên của những chuyên ngành khác ở các bộ môn có kiến thức giao thoa. Vì vậy, dù khoa cổ sinh vật học chỉ có ít sinh viên, nhưng rất ít khi sinh viên phải trải qua những lớp học chỉ một người.
Cho tới giờ, Tiết Dật Phàm vẫn là nữ sinh viên hiếm hoi từng tốt nghiệp chuyên ngành cổ sinh vật học tại Đại học Bắc Kinh. Tiết Dật Phàm cho biết trong quá trình học, việc đi thực địa để tìm kiếm hóa thạch là vất vả nhất.
Sau khi có bằng cử nhân chuyên ngành cổ sinh vật học, Tiết Dật Phàm tiếp tục việc học và chuyển hướng sang lĩnh vực y học, trở thành một bác sĩ chuyên điều trị bệnh ung thư. Tiết Dật Phàm khẳng định cô vẫn yêu thích chuyên ngành cổ sinh vật học nhưng việc chọn một hướng đi khác cũng không có gì bất ngờ.
Hiện tại, Lưu Nhạc - cựu sinh viên chuyên ngành cổ sinh vật học - đã trở thành giảng viên. Một số sinh viên khác của khoa cũng vẫn tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Không như nhiều người hình dung, chuyên ngành cổ sinh vật học có triển vọng công việc khá lý tưởng. Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc cho các viện nghiên cứu, viện bảo tàng, khu bảo tồn, các công ty khai thác khoáng sản...
Trong những năm qua, dù số lượng sinh viên theo học chuyên ngành này vẫn còn hạn chế, nhưng Đại học Bắc Kinh vẫn duy trì tuyển sinh, bởi tại Trung Quốc hiện không có nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành cổ sinh vật học. Việc tiếp tục kiên trì đào tạo để có một lượng nhân sự chất lượng cho ngành nghiên cứu này là một mục tiêu mà nhà trường quyết tâm theo đuổi.