Chuyện học của những đứa em tôi
(Dân trí) - Vừa rồi nhân dịp nghĩ lễ tôi về thăm gia đình ở Đăk Lăk và tranh thủ lên thăm những đứa em họ của tôi xem chúng học hành ra sao. Tôi thật sự giật mình khi lần lượt nhìn thời khoá biểu của chúng.
Hai đứa em học lớp 5 công nghệ ở trường Lê Hồng Phong thì đi học suốt ngày, sáng đi từ 6h30 và đến chiều luc 16h30 mới trở về nhà. Về nhà cũng chẳng kịp chơi gì, tắm rửa ăn cơm xong là lại lao vào làm bài tập ngay.
Từ thứ hai đến thứ bảy ngày nào lịch cũng kín như vậy. Chưa hết, vào ngày chủ nhật thay vì nghỉ ở nhà hai đứa còn phải tới nhà cô chủ nhiệm để học thêm nữa, mà cô chủ nhiệm chúng cũng rất tận tình dạy luôn cả ngày và trưa nấu luôn cơm cho học sinh ăn.
Đó là thời khoá biểu của hai đứa em học cấp I, còn cậu em đang học lớp 12 trường Buôn Ma Thuột, nhìn vào còn thấy ngợp hơn nữa. Buổi sáng cả tuần học ở trường, buổi chiều là lịch học thêm dày đặc: Nào là học Lý từ 13h đến 15h sau đó học Hoá từ 15h-17h. Về nhà nghỉ xong tối 19h lại đi học Toán và sinh cho đến 11h đêm mới về tới nhà.
Ngày lễ trong khi người ta nghỉ thì cu cậu vẫn xách cặp đi học thêm. Nhìn nó học như vậy tôi hỏi sao học gì mà lắm thế, cậu ta trả lời một cách khá tự nhiên: Học để thi tốt nghiệp và ôn thi Đại học, lớp 12 mà học vậy vẫn còn chậm so với người ta đấy.
Đúng là chẳng biết nói gì hơn, bởi em tôi không phải là trường hợp đặc biệt mà có rất nhiều học sinh lớp 12 ở các trường khác trong thành phố cũng phải gồng mình để theo cái lịch học như thế. Thậm chí khi tôi gọi điện thoại cho cô chủ nhiệm dạy ngoại ngữ lớp 12 cũ của mình trước đây hỏi thăm cô, thì nhận được câu trả lời: Dạo này cô bận lắm, phải ôn thi cho mấy đứa ở trường, ngày nào rảnh thì dạy thêm ở nhà kể cả các buổi tối để các em chuẩn bị cho thi tốt nghiệp và Đại học.
Không biết cái luật cấm dạy thêm của Bộ Giáo dục lúc này có tác dụng đến đâu ở tỉnh Đăk lăk của tôi, chỉ có điều tôi thấy tội cho những đứa em của mình khi phải gồng gánh một chương trình học nặng nề như thế.
Lê Mỹ