Nghệ An:

Chuyển giáo viên Tiểu học, THCS dạy mầm non: Lợi bất cập hại

(Dân trí) - Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, tỉnh Nghệ An cho phép hợp đồng thêm 1.601 người. Liên Sở Nội vụ, GD-ĐT, Tài chính đã ra công văn hướng dẫn cụ thể về đối tượng tuyển dụng, trong đó ưu tiên chuyển giáo viên dôi dư ở tiểu học, THCS đi dạy mầm non.

Giáo viên mầm non ngoài yêu nghề, mến trẻ phải có năng khiếu hát, múa, kể chuyện...
Giáo viên mầm non ngoài yêu nghề, mến trẻ phải có năng khiếu hát, múa, kể chuyện...

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Nghệ An, năm học 2014-2015, tỉnh này có 524 trường mầm non (501 trường công lập, 4 trường dân lập và 19 trường tư thục) với 1.174 nhóm trẻ (26.998 cháu) và 4.595 lớp mẫu giáo (143.856 cháu). Riêng công lập có 1.105 nhóm trẻ với 25.408 cháu (bình quân 23 cháu/nhóm) và 4.481 lớp mẫu giáo với 140.037 cháu (bình quân 31,25 cháu/lớp).

Các trường mầm non công lập trong năm học 2014-2015 có 8.716 giáo viên (GV), trong đó 7.798 biên chế, 782 hợp đồng lao động huyện và 136 hợp đồng lao động với trường. Theo quy định, với số lượng trẻ mầm non như vậy, Nghệ An cần có 11.172 GV mới đảm bảo quy định ít nhất có 2 GV/nhóm lớp. Như vậy, nếu không kể 136 GV hợp đồng với trường thì các trường mầm non công lập trên địa bàn Nghệ An còn thiếu đến 2.592 GV.

Trước thực trạng này, ngày 29/12/2014, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 7448/QĐ-UBND, cho phép các huyện, thành phố, thị xã, trong năm 2015 xét tuyển hợp đồng thêm 1.601 GV mầm non. Số GV này sẽ được hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị và nguồn hỗ trợ của Chính phủ theo Thông tư số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV.

Ngày 6/3/2015, Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ, Sở Tài chính Nghệ An đã cụ thể hóa quyết định của UBND tỉnh bằng công văn hướng dẫn liên ngành số 288/HDLN-SGD&ĐT-SNV-STC quy định cụ thể việc xét tuyển hợp đồng lao động. Theo hướng dẫn liên ngành này thì trong quá trình xét tuyển, các đối tượng được ưu tiên là “số GV đã có thời gian hợp đồng nhiều năm tại các trường mầm non công lập, GV hợp đồng trong chỉ tiêu được UBND tỉnh phê duyệt mà UBND huyện đã thực hiện xét tuyển đúng quy trình hợp đồng lao động; số GV hợp đồng dôi dư cấp THCS và tiểu học sau khi được đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của ngành học Mầm non”.

Nghĩa là, số GV hợp đồng dôi dư tại các trường THCS, tiểu học sẽ được ưu tiên tuyển dụng với điều kiện là phải đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu của ngành học Mầm non. Trong khi đó, kết thúc năm học 2013-2014, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An có 500 học sinh tốt nghiệp trung cấp Sư phạm Mầm non và 250 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm Mầm non. Năm 2014-2015 này, sẽ có 500 học sinh tốt nghiệp trung cấp Sư phạm Mầm non và 350 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm Mầm non.

Giáo viên mầm non ngoài yêu nghề, mến trẻ phải có năng khiếu hát, múa, kể chuyện...
Hiện tại, với số lượng các cháu trong độ tuổi mầm non, nhà trẻ thì Nghệ An đang còn thiếu hơn 2.500 giáo viên.

Số sinh viên mới ra trường này đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu của ngành học Mầm non nhưng lại không được ưu tiên xét tuyển mà tỉnh Nghệ An sẽ đưa GV tiểu học, THCS đi đào tạo lại cho “đạt chuẩn mầm non”. Trong khi đó, theo quy định của Nhà nước về định biên 1,5 GV/lớp để đảm bảo học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thì Nghệ An hoàn toàn không thừa GV tiểu học (tính cả GV hợp đồng). Với 9.897 lớp tiểu học công lập/240.228 học sinh và 13.783 GV (12.604 GV trong biên chế, 1.027 GV ký hợp đồng lao động huyện và 152 GV ký hợp đồng lao động với trường) thì Nghệ An đang thiếu tới 1.062 GV tiểu học.

Rõ ràng, việc tuyển GV hợp đồng dôi dư ở cấp THCS và tiểu học làm GV Mầm non chỉ có lợi duy nhất là giúp cho những GV này có việc làm. Nhưng đó chỉ là trước mắt bởi vì theo hướng dẫn liên ngành số 288/HDLN-SGD&ĐT-SNV-STC, hợp đồng lao động sẽ được chấm dứt khi “quy mô trường lớp giảm, đơn vị không còn vị trí việc làm và không còn chỉ tiêu hợp đồng lao động; văn bản quy định chế độ của Chính phủ và liên bộ về chế độ chính sách đối với GV mầm non hợp đồng lao động hết hiệu lực thi hành”.

Thí sinh đăng ký vào ngành Sư phạm Mầm non trước hết là vì lòng yêu nghề, yêu trẻ kèm theo yêu cầu bắt buộc là phải có năng khiếu (múa, hát…). Trong khi đó, phần thi năng khiếu đối với sinh viên đầu vào của ngành Sư phạm Tiểu học và THCS không bắt buộc. Như vậy, khi chuyển GV tiểu học, THCS đi dạy mầm non liệu họ đáp ứng được yêu cầu của ngành này, có đủ lòng yêu nghề, mến trẻ?

Đó là chưa kể tới thời gian đi đào tạo lại để “đạt chuẩn”, ít nhất là bằng trung cấp Sư phạm Mầm non cũng không dưới 1 năm, như vậy liệu có đáp ứng được yêu cầu bức thiết về số lượng GV mầm non hiện nay? Mặt khác, theo quy định của Luật Giáo dục, nếu mới chỉ có chứng chỉ Sư phạm Mầm non thì vẫn chưa đạt chuẩn GV mầm non. Chưa đạt chuẩn thì làm sao đảm bảo chất lượng giảng dạy? Và người phải gánh chịu hậu quả này chính là các cháu mầm non.

Giáo viên mầm non ngoài yêu nghề, mến trẻ phải có năng khiếu hát, múa, kể chuyện...
Nhiều nhà quản lý giáo dục tại Nghệ An băn khoăn, liệu tuyển dụng số giáo viên hợp đồng tại các trường THCS, tiểu học đã đào tạo lại có đáp ứng được yêu cầu của ngành mầm non?

Về quy định “ưu tiên GV tiểu học, THCS sau khi đi đào tạo lại”, ông Ngô Quang Long - Trưởng Phòng GD-ĐT Diễn Châu (Nghệ An) băn khoăn: Cơ quan, đơn vị nào được phép làm nhiệm vụ bồi dưỡng và cấp chứng chỉ Sư phạm Mầm non cho GV THCS và tiểu học? Chương trình, thời gian bồi dưỡng như thế nào; cơ quan nào thẩm định và ban hành chương trình này? Để có bằng Sư phạm Mầm non phải mất từ 1-2 năm, liệu sau khi học xong, tấm bằng Sư phạm Mầm non của họ có còn được tỉnh sử dụng?

Bà Lê Thị Hường - Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Nghệ An thì cho rằng chứng chỉ Sư phạm Mầm non đã không còn cách đây gần hai mươi năm. Luật Giáo dục hiện hành quy định GV mầm non đạt chuẩn phải có bằng trung cấp Sư phạm Mầm non. Trên thực tế, hiện nay 100% GV mầm non của Nghệ An đã có trình độ đạt chuẩn, trong số đó có trên 80% có trình độ trên chuẩn (có trình độ cao đẳng và Đại học Sư phạm Mầm non).

“Bây giờ tuyển GV THCS và tiểu học có chứng chỉ Sư phạm Mầm non vào dạy tại các trường mầm non thì quả là bất cập. Chất lượng giáo dục mầm non không đảm bảo, yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi cũng không đạt, ai sẽ là người chịu trách nhiệm hậu quả này, hay các cháu mầm non phải hứng chịu?”, bà Lê Thị Hường băn khoăn.

Việc đào tạo lại GV tiểu học, THCS để đạt chuẩn mầm non khiến các sinh viên ngành Sư phạm Mầm non đã được đào tạo đạt chuẩn mất cơ hội tuyển dụng. Mất thời gian đào tạo lại rõ ràng là không thể giải quyết được tình trạng thiếu GV mầm non trước mắt. Đó là chưa kể thời kinh phí đào tạo lại số GV này ai sẽ là người phải chi trả và lấy từ đâu?

Hoàng Lam
 
 

Thông tin, bài viết đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!