Chuyên gia giải đáp 4 câu hỏi về phương pháp nuôi dạy con không quát mắng

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Ý tưởng nuôi dạy con không quát mắng có thể dễ gợi hình ảnh những đứa trẻ được nuông chiều, nghịch ngợm, chạy quanh nhà hàng hoặc đá vào lưng ghế máy bay.

Song, các chuyên gia cho rằng phương pháp nuôi dạy con cái này có thể là cách tiếp cận thông minh hơn nhằm giúp trẻ xử lý cảm xúc của chúng.

Irina Gorelik - nhà tâm lý học trẻ em tại Williamsburg Therapy Group - cho biết: "Niềm tin của phương pháp này là trẻ em vốn dĩ rất ngoan, những hành vi chưa ngoan thường là kết quả của rối loạn điều chỉnh cảm xúc, hoặc không được tiếp cận với kỹ năng đối phó tốt hơn trong thời điểm hiện tại.

Nhưng chính xác thì việc nuôi dạy con nhẹ nhàng, không quát mắng là gì? Và nó sẽ được áp dụng như thế nào trong thực tế? Sau đây là những điều mà các bậc phụ huynh cần biết để có thể nuôi dạy con cái theo phương pháp này".

Chuyên gia giải đáp 4 câu hỏi về phương pháp nuôi dạy con không quát mắng - 1

Nuôi dạy con cái nhẹ nhàng không đồng nghĩa với "không có quy tắc" (Ảnh: Shutterstock).

1. Phương pháp nuôi dạy con cái nhẹ nhàng là gì?

Theo Gorelik, thông thường, việc nuôi dạy con cái truyền thống nhấn mạnh đến hậu quả. Nhưng đôi khi hình phạt không thực sự khiến trẻ thay đổi hành vi hoặc thái độ.

"Nhiều hình phạt thường không tương quan chính xác với các hành vi. Ví dụ, khi ở trường con có một vấn đề nào đó, bố mẹ phạt đứa trẻ. Chính điều này khiến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái ngày càng tăng lên", bà cho hay.

Mặc dù việc nuôi dạy con nhẹ nhàng vẫn đòi hỏi trẻ phải có quy tắc, nhưng phương pháp này tập trung vào việc tôn trọng và xác thực cảm xúc hoặc mong muốn của trẻ, thay vì la mắng chúng khi có điều gì đó xảy đến.

"Nó cho phép cha mẹ thiết lập ranh giới hoặc giới hạn và cứng rắn khi cần thiết, đồng thời tạo ra khuôn khổ để con thực hiện và được công nhận", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng cũng thừa nhận các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ. Việc trẻ chán nản với những thất vọng tưởng chừng nhỏ nhặt là hoàn toàn bình thường. Cha mẹ có thể xử lý bằng cách tiếp cận tử tế, nhẹ nhàng hơn thay vì lớn tiếng hoặc giận dữ với trẻ.

2. Lợi ích và hạn chế của phương pháp nuôi dạy con cái nhẹ nhàng

Gorelik cho rằng, không có nhiều nhược điểm nếu phương pháp này được áp dụng đúng cách.

Theo bà, có thể có những quan niệm cho rằng nuôi dạy con cái nhẹ nhàng đồng nghĩa với "không có quy tắc" hoặc một hình thức nuôi dạy con cái "mềm mỏng". Bởi thế, sẽ tồn tại những hạn chế nếu cách tư duy bị hiểu sai theo hướng này". 

Nhiều lợi ích nếu phương pháp nuôi dạy này được áp dụng đúng cách. Đó là giúp trẻ phát triển sự tự tin, độc lập, lòng tự trọng và kỹ năng điều chỉnh cảm xúc mạnh mẽ; giảm mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái; cải thiện mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình; cải thiện giao tiếp giữa phụ huynh và con trẻ.

3. Nuôi dạy con cái nhẹ nhàng có khiến trẻ trở nên nhõng nhẽo không?

Việc nuôi dạy con nhẹ nhàng không chỉ đơn giản là xoa dịu con cái. Bởi mục tiêu không phải là "nhượng bộ" những hành vi không đúng. Thay vào đó, có những giới hạn và ranh giới rõ ràng, đồng thời thừa nhận rằng trẻ em được phép có những phản ứng cảm xúc phù hợp với lứa tuổi của chúng.

Ví dụ, khi một đứa trẻ không muốn mặc quần áo để ra khỏi nhà mà chỉ muốn được chơi Ipad. Phụ huynh có thể sử dụng điều này như một cơ hội để thiết lập ranh giới và sử dụng vai trò của họ là người có thẩm quyền. 

"Thay vì quát mắng, cha mẹ có thể nói "Thời gian sử dụng iPad đã hết rồi con. Cha/mẹ biết thật khó để kết thúc những điều vui vẻ. Cha/mẹ có thể tắt nó hay con tự tắt nó đi nhé", chuyên gia tâm lý nói.

Nếu trẻ tiếp tục từ chối, cha mẹ có thể tự tắt iPad và nói "Có vẻ quá khó để con có thể tắt nó, cha/mẹ sẽ tắt giúp con lần này".

"Bằng cách sử dụng chính hành động hàng ngày để dạy bảo, phụ huynh có thể làm mẫu cho con về thái độ điềm tĩnh khi phản hồi, giúp chúng học hỏi cách xử lý vấn đề tốt hơn khi ở trong trạng thái bình tĩnh", bà nhấn mạnh.

4. Nuôi dạy con nhẹ nhàng có phù hợp với mọi đứa trẻ không? 

Bà Gorelik cho rằng sẽ không đứa trẻ nào bị tổn hại bởi cách nuôi dạy nhẹ nhàng, nhưng một số đứa trẻ có thể thấy phù hợp hơn những đứa trẻ khác.

Gorelik kết luận: "Một số trẻ có tính khí dễ chịu hơn sẽ thích nghi dễ dàng với các phương pháp nuôi dạy con cái khác nhau. Việc nuôi dạy con nhẹ nhàng có thể đặc biệt hữu ích đối với những đứa trẻ có tính khí nhạy cảm, khó điều tiết cảm xúc. Phương pháp này thể hiện sự đồng cảm, biết cách đặt mình vào vị trí của trẻ".

Theo www.cnbc.com