Chuyện gì xảy ra bên trong lớp mẫu giáo Nhật Bản?

(Dân trí) - Khi bị cậu bé 5 tuổi tát vào mặt, cô giáo 24 tuổi người Nhật Bản chỉ nói “Ồ, em thực sự làm cô đau rồi”. Cô không rầy la, không phạt học trò, cô chỉ đơn giản là xoa má mình, nhăn nhó ra vẻ rất đau đớn và tiếp tục bài giảng như thể không có gì xảy ra...

R. D. Muth - một giáo viên tiếng Anh từ Hawaii (Mỹ) chuyển đến Nhật Bản giảng dạy tại trường mẫu giáo đã kinh ngạc sửng sốt trước cách hành xử của nữ giáo viên trẻ người Nhật Bản dạy cùng lớp. R. D. Muth đã chia sẻ những trải nghiệm của mình trong bài viết trên tạp chí Metropolis, xin trích dịch lại bài viết này. Qua đây bạn đọc có thể rút ra cho mình những bài học trong việc giáo dục trẻ mẫu giáo của Nhật Bản.

“Khi tôi bước vào trường mẫu giáo Nhật Bản vào ngày đầu tiên làm giáo viên tiếng Anh, tôi đã phải đấu tranh với bản thân để chống lại thôi thúc bỏ chạy như một người thất bại. Như thể là tôi đặt chân vào một chuồng chim rất lớn ở vườn thú. Ở mọi nơi mà tôi đưa mắt tới, trẻ em đang la hét ầm ĩ và cào nhau, chúng nhảy khỏi cầu trượt bằng nhựa và treo ngược người bằng vành đai bóng rổ hoop. Thật là kinh khủng. Và người dũng cảm đối mặt với “trận tiền” ấy là cô giáo người Nhật 24 tuổi, mỏng mảnh như một diễn viên múa, tóc thắt bím và đeo tạp dề.


Trẻ mẫu giáo Nhật Bản trong giờ Thể dục. (Ảnh: Japantimes)

Trẻ mẫu giáo Nhật Bản trong giờ Thể dục. (Ảnh: Japantimes)

“Xin vui lòng ngồi xuống”, cô giáo lặp lại với mỗi đứa trẻ, vẫn với cùng giọng nhẹ nhàng, chỉ vừa đủ nghe. Điều đó có tác dụng như thể là cố bắt một bầy ngỗng hoang bằng cái vợt bướm. Tôi nghĩ những gì cô thực sự cần là một khẩu súng an thần (tranquilizer gun).

Đó không phải là những gì tôi từng tưởng tượng. Trước khi đến Nhật Bản, tôi thường tưởng tượng giáo viên dạy cùng lớp với tôi là một cô giáo tuổi trung niên. Các học trò của tôi sẽ cư xử phải phép, dễ bảo và tôn trọng giáo viên dạy tiếng Anh.

Nhưng như những gì tôi phát hiện trong những tháng sau đó, sự thật khác hẳn. Các giáo viên mẫu giáo ở Nhật Bản không phải là những nhân vật quyền lực mà bọn trẻ tuân thủ. Trong tuần đầu tiên làm giáo viên tiếng Anh ở trường mẫu giáo Nhật Bản, tôi đã bị ném tẩy vào đầu, bị bụi phấn bay vào mắt, và túi xách của tôi bị ném khỏi cửa sổ tầng hai.

Trẻ mẫu giáo Nhật Bản trong hoạt động ngoài trời. (Ảnh: Japantimes)
Trẻ mẫu giáo Nhật Bản trong hoạt động ngoài trời. (Ảnh: Japantimes)

“Trẻ em Nhật Bản là những yêu quái”, tôi than thở với các bạn bè tôi là giáo viên tiếng Anh. “Liệu cha mẹ của các em chưa từng nghe đến biện pháp “Time outs” (phạt trẻ ở một mình) hay sao? Hay là họ không đặt ra quy tắc nhất quán cho trẻ sao?”

Là người Mỹ, tôi lớn lên với ý tưởng rằng một “người mẹ tốt” hoặc một “giáo viên tốt” là người đề ra những ranh giới nghiêm ngặt kèm những hậu quả. Và tôi cho rằng những tiêu chuẩn này là giống nhau trên khắp thế giới.

Nhưng ở Nhật Bản, các quy định thì không được coi trọng bằng việc nuôi dưỡng sự phát triển của tình bạn giữa trẻ em và giáo viên. Có một giả thuyết rằng nếu các em có quan hệ gắn bó với giáo viên thì các em sẽ không cư xử hư bởi vì các em sợ làm giáo viên thất vọng. Như tác giả Roger J Davies và Osamu Ikeno đã chỉ ra trong cuốn sách “The Japanese Mind”, một “phụ huynh tốt” sẽ làm bất cứ điều gì có thể để “tránh tạo ra bất cứ khoảng cách tinh thần nào với các con”, kể cả nếu điều đó có nghĩa là nhượng bộ trước đòi hỏi của con. Giống như trường hợp cô giáo Nhật Bản dạy cùng lớp với tôi, cô không phản ứng khi cậu bé Kenshiro, 5 tuổi, tát vào mặt cô.

“Ồ, em thực sự làm cô đau rồi”, đó là tất cả những gì cô nói. Cô không rầy la, không phạt và cũng không yêu cầu buổi gặp phụ huynh. Cô chỉ đơn giản là xoa má mình, nhăn nhó ra vẻ rất đau đớn và tiếp tục bài giảng như thể không có gì xảy ra.

Nhưng rõ ràng là, cách hành động không phản ứng này là một phần của một kế hoạch lớn hơn. Bằng cách thu hút sự chú ý tới cái đau mà cậu bé gây ra cho mình, cô giáo hy vọng có thể định hình cho cậu bé Kenshiro trở thành một người chơi tốt trong nhóm, có tâm hồn nhạy cảm có thể cảm nhận sâu sắc cảm xúc của những người xung quanh mình. Theo tác giả cuốn “The Japanese Mind”, điều này không chỉ giới hạn ở cảm giác với gia đình, bè bạn hoặc chú cá vàng - nó thậm chí còn áp dụng tới việc cảm nhận cảm giác của những cây trồng trong nhà hay những đồ đạc cũ, đó là điều tôi học được khi bắt gặp chú bé Kenshiro lúc đang cố gắng làm đổ giá sách của lớp học.

“Kenshiro!”, tôi la to, đó là lần thứ ba tôi la to trong buổi sáng hôm đó. “Đừng làm điều đó!’” - cậu bé nhìn chằm chằm xuống nền nhà, mặt không biểu lộ cảm xúc.

“Em đã làm đau giá sách rồi”, cô giáo người Nhật Bản nói dịu dàng khi cô cúi người xuống ngang tầm mắt cậu bé. Cô nhẹ nhàng chạm vào điểm mà vài phút trước đây Kenshiro đã đập mạnh bằng chiếc vòng lắc eo. “Giá sách đang khóc đấy.”

Tôi chằm chằm nhìn cô một cách ngờ vực. Liệu cô có thực sự nghĩ rằng việc làm kỳ lạ này sẽ có hiệu quả? Nếu đứa trẻ không quan tâm rằng cậu sắp khiến cô giáo phải chịu thương tổn cảm xúc, cậu chắc chắn cũng sẽ không quan tâm đến cảm giác giả định của một đồ vật vô tri vô giác.

Nhưng rồi một điều gì đó thực sự kinh ngạc đã xảy ra. Kenshiro nhìn chằm chằm vào giá sách một cách xấu hổ và nói lầm bầm: “Xin lỗi.”

Một lớp mẫu giáo ở Nhật Bản. (Ảnh: Japantimes)
Một lớp mẫu giáo ở Nhật Bản. (Ảnh: Japantimes)

Xuân Vũ

>> Lý giải hiện tượng “giáo dục thần kỳ” Phần Lan

>> Bình đẳng: Từ quan trọng nhất trong “hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới”

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con