Chuyển đổi số là cơ hội để ngành giáo dục nghề nghiệp chuyển mình
(Dân trí) - Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi số là cơ hội để ngành GDNN thay đổi, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một nước phát triển.
Ngày 17/6, tại TPHCM, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực Đông Nam bộ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - cho biết, hệ thống GDNN đang đứng trước cơ hội rất lớn là tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, tận dụng công nghệ số để đổi mới hệ thống GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp yêu cầu phát triển xã hội.
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh: "Sắp tới sẽ có nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, có nghề tồn tại, có nghề mất đi, các nghề tồn tại cũng yêu cầu nhiều kỹ năng khác.
Điều đó bắt buộc chúng ta phải đổi mới. Không tận dụng chuyển đổi số để thay đổi, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một nước phát triển thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội này".
Tại hội nghị, bà Khương Thị Nhàn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục GDNN - phổ biến Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo bà Nhàn, mục tiêu của chiến lược là phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước.
Đến năm 2045, GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về GDNN trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới...
Để đạt được những mục tiêu chiến lược, cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp; trong đó, 2 giải pháp đột phá là "Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo" và "Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN".
Ông Phạm Vũ Quốc Bình đánh giá chiến lược này là kim chỉ nam, văn bản pháp quy chính thức cho sự đổi mới của ngành GDNN, là bước ngoặt lịch sử của hệ thống GDNN. Vấn đề ở đây là tổ chức thực hiện như thế nào?
Theo ông Bình, ngay sau khi chiến lược được Chính phủ ban hành, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai ngay hàng loạt đề án, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện, tuyên truyền đến các địa phương...
Hiện chỉ mới có 20 tỉnh/thành có kế hoạch thực hiện chiến lược này, các tỉnh Đông Nam bộ hầu như chưa làm. Do đó, ông đề nghị các địa phương đẩy nhanh quá trình triển khai chiến lược này.
Ngoài ra, bà Khương Thị Nhàn cũng phổ biến về Kế hoạch triển khai các dự án, tiểu dự án về GDNN trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, phát triển GDNN được lồng ghép trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia lớn là Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng nông thôn mới.
Đây là một nguồn lực lớn và quan trọng để triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị, ông Trần Minh Thịnh - Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục GDNN - chia sẻ về công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo hệ thống GDNN; tôn vinh và giải quyết các vướng mắc về đãi ngộ cho nhà giáo dạy nghề.
Những vấn đề thiết yếu này được Tổng cục GDNN tích cực giải quyết để tăng cường đãi ngộ, thu nhập cũng như vinh danh nhà giáo dạy nghề nhằm thu hút nguồn lực cho hệ thống GDNN.
Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và cơ sở GDNN của các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, chính sách đang triển khai tại địa phương trong lĩnh vực GDNN; những khó khăn, vướng mắc như dạy văn hóa THPT 7 môn, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác dạy nghề…