Chuyện chưa kể về nữ sinh "vượt bóng tối" trở thành thủ khoa ĐH
(Dân trí) - Dù đi học muộn tới 9 năm so với bạn bè đồng trang lứa thế nhưng cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Hồng đã xuất sắc trở thành thủ khoa của ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG Hà Nội. Hồng vốn không phải là một người khiếm thị bẩm sinh, nhưng biến cố năm 14 tuổi đã khiến cô gái này sống chung với bóng tối.
Thành tích đạt của Nguyễn Thị Hồng (SN 14/11/1988)
- Điểm học tập toàn khóa: 3.71/4.
- Điểm rèn luyện toàn khóa: Xuất sắc.
- Giấy khen cho sinh viên có kết quả học tập xuất sắc năm học 2015 – 2016.
- Giấy khen Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp trường, cấp Đại học Quốc gia năm học 2016 – 2017.
- Giấy khen Sinh viên 5 tốt cấp trường, cấp Đại học Quốc gia và Bằng khen cấp thành phố năm học 2017 – 2018.
- Đạt giải Nhì Nghiên cứu khoa học cấp trường.
- Tình nguyện trợ giảng lớp tiếng Anh ở Hội người mù Thanh Trì.
- Tư vấn về luật Người khuyết tật và các chính sách xã hội với người khuyết tật tại Hội người mù Thanh Trì.
Nhắc đến quãng thời gian thơ ấu, Nguyễn Thị Hồng (Thanh Trì, Hà Nội) tâm sự: “Hồi ấy mình cũng có những kỷ niệm vui vẻ như các bạn khác, mình là niềm tự hào của cả gia đình với thành tích học tập tốt.
Nhưng một cú va đập mạnh năm 14 tuổi đã khiến mình bị vỡ nhãn cầu, tê liệt toàn bộ dây thần kinh, mình không còn cảm thấy đau nữa, đôi mắt mờ dần.
Đến bây giờ mình cũng không hiểu vì sao mình lại có thể đi qua những ngày buồn như thế nữa. Có lẽ chính nhờ gia đình, bạn bè luôn bên cạnh động viên, an ủi”.
Cô bé 14 tuổi năm ấy đã mất đi một phần sắc màu của cuộc sống, Hồng buồn vì không thể đọc sách, xem hoạt hình được nữa. Nhưng dần dần cô cảm nhận được sự thiệt thòi và tự ti về bản thân. Đến nỗi một quãng thời gian dài Hồng sống trong nỗi buồn, sự rụt rè.
Bố mẹ cô sắm cho cô một chiếc đài để cô nghe lúc buồn, và cũng chính từ đây Hồng đã tìm thấy những niềm vui giản dị, những động lực diệu kỳ để cô quyết tâm thay đổi chính mình.
“Một lần, đài phát sóng chương trình về nghị lực sống. Đó là câu chuyện của một người bị liệt toàn thân, chỉ có đầu và một chân cử động được, nhưng người đàn ông ấy vẫn ngồi xe lăn, đi bán vé số dạo và suốt ngày cười nói, hát ca.
Mình nghĩ trên đời này cũng có nhiều người rơi vào hoàn cảnh như mình, nhưng điều quan trọng là họ vẫn lạc quan để vui sống. Mình chỉ bị hỏng mắt thôi, nhưng vẫn còn tay, còn chân, sẽ có nhiều khó khăn nhưng vẫn là may mắn hơn nhiều người, nên mình không việc gì phải buồn cả”.
Sau này, Hồng xin bố mẹ cho đi học, đó là những ngày tháng cô nỗ lực gấp trăm gấp nghìn lần so với những người khác. Cô theo học tại Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố vào những ngày cuối tuần. Trong tuần, cô đi làm xoa bóp, bấm huyệt để kiếm thêm thu nhập, đỡ đần cho bố mẹ.
Học hết chương trình lớp 12, Nguyễn Thị Hồng đăng ký xét ưu tiên vào ngành Công tác xã hội của trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, hồ sơ của Hồng được chấp nhận. Hồng cũng xác định bản thân sẽ phải đối mặt với những khó khăn mới.
“Kỳ đầu tiên của năm nhất mình đã cảm thấy bất lực vô cùng khi không có tài liệu. Lúc đó mình chỉ ước có thể ra trường đúng hạn, thậm chí là với bằng trung bình. Nhưng dần dần mình cũng quen với mọi việc, thầy cô bạn bè cũng giúp đỡ mình rất nhiều.
Trên lớp mình sẽ ghi âm lại các bài giảng, hay tìm tài liệu thì tìm theo từng bài, rồi dùng phần mềm đọc màn hình để hiểu bài hơn. Cứ thế mình cũng hoàn thành chương trình học”, Hồng cho biết.
Câu chuyện của Nguyễn Thị Hồng trở thành tấm gương sáng khiến nhiều người ngưỡng mộ và noi theo. Cô chỉ mất 3.5 năm để hoàn thành chương trình học và xuất sắc giành danh hiệu thủ khoa đầu ra trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội.
Hồng luôn tâm niệm rằng “có những cơ thể không lành lặn nhưng vẫn đem lại những điều đẹp đẽ cho cuộc đời”. Đây cũng chính là lý do cô chọn lựa theo học ngành Công tác xã hội.
Phía trước cô cũng còn rất nhiều thử thách nhưng với sự nỗ lực diệu kỳ cùng niềm tin lạc quan, rồi Hồng sẽ làm được những điều cô mong muốn.
Thi Thi