Chuyện buồn của cô sinh viên Á khoa tiếng Đức mồ côi cha mẹ
(Dân trí) - 5 tuổi mồ côi cha, rồi mẹ cũng bỏ gia đình mà đi để lại Mai Ngọc Tuyết cho ông bà nội già yếu, bệnh tật chăm sóc. Trong hoàn cảnh đó Tuyết vẫn cố gắng học tập, thi đỗ Đại học với danh hiệu Á khoa. Đằng sau thành công ấy là cả một câu chuyện đầy nước mắt...
Đòn đánh số phận...
Sau nhiều cuộc điện thoại, hôm nay tôi mới có cơ hội trò chuyện với Á khoa tiếng Đức – em Mai Ngọc Tuyết, sinh viên năm nhất trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội với số điểm 9,25 (xét đầu vào bằng điểm Tiếng Anh). Tuyết đến từ vùng quê quan họ phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh. Ngồi trước mặt tôi là cô gái cao ráo, đôi mắt sáng ngời. Ở em toát lên một nghị lực, ý chí mạnh mẽ. 18 năm qua em ngược xuôi cùng ông bà kiếm sống nhưng vẫn luôn đạt thành tích xuất sắc và là một tấm gương sáng trong học tập.
Ánh mắt nhìn xa xăm, cố ngăn những dòng nước mắt, Tuyết kể cho tôi nghe về cuộc đời ướt đẫm nước mắt của mình. 18 năm qua là hơn 6.500 ngày em sống trong nước mắt, đau thương, thiếu đi tình thương của cha lẫn mẹ. Năm 1996 bố mẹ làm đám cưới. Năm sau đó, em được sinh ra. Bi kịch đau thương bắt nguồn từ đây. Bố mất vì bạo bệnh từ khi em mới 5 tuổi, sau đó mẹ cũng bỏ nhà đi luôn. Em sống với ông bà nội. Cả hai đã hơn 80 tuổi lại suốt ngày ốm đau, bệnh tật. Mọi thứ sinh hoạt trong nhà đều dựa vào hàng nước đầu ngõ của bà và số tiền trợ cấp ít ỏi của nhà nước, của các cô, các chú.
Nỗi đau này chưa qua, nỗi đau khác ập đến, năm Tuyết học lớp 5, bác ruột em chẳng may bị tai nạn, chấn thương sọ não, nằm liệt giường, mất nhận thức từ đó tới nay. Kể đến đây em bật khóc nức nở: “Từ ngày bác em bị tai nạn, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn. Ông bà già rồi nhưng vẫn phải lao động nhiều hơn lấy tiền thuốc men, chạy chữa cho bác”. Mỗi lần chăm sóc, tắm rửa, đút cho bác ăn là một lần khóc Tuyết khóc, bà khóc, ông lẳng lặng rời ra nơi khác.
“Lúc bón cho bác ăn, em nói chuyện, kể cho bác nghe về cuộc sống ngoài kia nhưng bác chỉ nhìn mà không đáp lại...” Tuyết nức nở.
Mai Ngọc Tuyết trong buổi lễ chia tay lớp 12
Quyết tâm học để thoát nghèo
Cả gia đình 4 người sống trong căn nhà nhỏ, chật chội, chen chúc tại ngõ chợ phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh. Ngôi nhà chẳng có gì đáng giá ngoài kệ sách “khổng lồ” của Tuyết. Ngoài thời gian phụ giúp quán nước của bà, chăm sóc bác, thời gian còn lại Tuyết dành hết cho việc học, đặc biệt là học tiếng Anh. 12 năm liền Tuyết đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện của thành phố, của tỉnh; lớp 9 giành giải nhì thành phố môn tiếng Anh, giải 3 tỉnh môn tiếng Anh; nhận được nhiều học bổng xã hội,...
Tuyết tâm sự: “Chỉ có học mới thoát được nghèo, có cơ hội báo hiếu ông bà, giúp bác chữa bệnh. Hi vọng thời gian còn kịp để em thực hiện được nguyện vọng đó”. Ngay từ nhỏ, Tuyết đã biết đặt mục tiêu cho mình là phải học thật giỏi ngoại ngữ. Người thầy luôn ở bên động viên, chỉ bảo cho Tuyết không ai khác chính là cô giáo chủ nhiệm cấp 3, cô Nguyễn Thị Nguyệt. Tuyết chia sẻ: “Cô như người mẹ thứ 2 của em. Ngoài việc giảng dạy trên lớp cô còn làm đơn xin miễn giảm học phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất để em được tới trường như các bạn. Cô luôn tìm kiếm những chương trình, hoạt động học tập có học bổng để em tham gia.
Chia sẻ về những kinh nghiệm học tốt môn tiếng Anh, Tuyết hào hứng kể: “Để học tốt ngoại ngữ thì cần sự chăm chỉ và phải đam mê với nó. Học ngoại ngữ khó nhất là kỹ năng nghe nói, vì vậy mình càng phải nghe nhiều. Sai đâu, sửa đấy, rút kinh nghiệm. Tiếp đó là phải tạo được môi trường giao tiếp toàn bằng tiếng Anh bằng cách làm quen với nhiều người nước ngoài hoặc thành lập các nhóm hỗ trợ nhau giao tiếp”.
Với những kiến thức cùng kinh nghiệm thực hành trong suốt quá trình ôn luyện đã giúp Tuyết đạt được kết quả cao trong kỳ thi quốc gia vừa qua. Và đỗ vào trường Đại học Ngoại ngữ với số điểm ấn tượng 9,25 trở thành á khoa tiếng Đức.
Khi tôi hỏi, sao em không tiếp tục niềm đam mê với tiếng Anh mà lại chuyển sang học tiếng Đức? Tuyết trả lời ngắn gọn, dứt khoát: “Em muốn thử sức mình ở môi trường mới. Học tiếng Đức xong, em có nhiều cơ hội việc làm hơn”.
Mai Ngọc Tuyết trong một chương trình hoạt động từ thiện
Làm thiện tích đức
Tuyết không những là một tấm gương sáng về học tập mà em còn là một “nhà thiện nguyện”. Tuyết bảo: “Làm thiện tích đức, em chỉ cầu cho ông bà khỏe mạnh, bác em sống được đến ngày em thành đạt”.
Mai Ngọc Tuyết là thành viên năng động, nổi trội của CLB “Từ thiện chung tay” của công ty tư nhân. Tham gia vào hoạt động này Tuyết cùng mọi người đã tổ chức nhiều cuộc thăm hỏi, trao tặng quà cho các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em dioxin, khuyết tật, mồ côi trong tỉnh Bắc Ninh; các trung tâm dưỡng lão; nhà tình thương; động nấu cháo miễn phí cho khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh...
Đặc biệt trong lần trao tặng quà, nấu bữa trưa cho Nhà tình thương Hương La (thôn Hương La, xã Tân Lãng, Lương Tài), Tuyết không khỏi ngậm ngùi. Em kể: “Lần từ thiện đó làm em nhớ mãi. Em thấy nhiều em bé còn khổ, khó khăn hơn em gấp vạn lần. Có những người cao lớn nhưng tính cách lại như một đứa trẻ con. Có những em nằm vật lộn trên giường, cười hềnh hệch. Nhìn mà xót xa...”.
Nói đến đây tôi cũng khóc chứ không riêng gì em. Chẳng biết khuyên em câu gì, tôi mượn lời của Hellen Keller: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Nói trong tiếng nấc, em bảo: “Em biết, em vẫn còn hạnh phúc, may mắn hơn rất nhiều người. Không vì hoàn cảnh, số phận mà em buông xuôi đâu. Em sẽ cố gắng học tập vì ông bà, vì bác. Hi vọng vẫn còn kịp để em báo hiếu ông bà, đền ơn của bác...”.
Hạ Vũ